📞

Việt Nam - Brazil: Bình đẳng, cùng có lợi

14:30 | 12/04/2012
Việt Nam và Brazil thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/5/1989 và 5 năm sau, Brazil là nước Nam Mỹ đầu tiên lập Đại sứ quán ở Hà Nội (1994).
Thành phố Sao Paulo, Brazil nhìn từ trên cao.

Việt Nam lập Đại Sứ quán tại Brasilia năm 2000 trên cơ sở nâng cấp Tổng Lãnh sự quán lập tại thành phố Sao Paulo (1998). Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, cấp bộ, ngành và doanh nghiệp, trong đó nổi bật là chuyến thăm chính thức Brazil của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 5/2007 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Brazil Lula de Silva tháng 7/2008.

Triển khai các thoả thuận cấp cao giữa hai nước, quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Brazil đã được thiết lập từ tháng 5/2007 nhằm tiếp tục đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Theo đó, trao đổi thương mại song phương Việt Nam-Brazil những năm gần đây không ngừng gia tăng nhanh ở mức 30-40%/năm, từ trên 100 triệu USD năm 2005 lên hơn 900 triệu USD năm 2010 và năm 2011 đạt trên 1,4 tỉ USD, dự kiến năm 2012 đạt hơn 1,4 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu sang Brazil chủ yếu các mặt hàng cơ khí, điện tử, vật liệu xây dựng, than, gạo, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, giầy dép, thủy sản... và nhập khẩu từ Brazil chủ yếu là bột mì, dầu đậu tương, khô đậu tương, gỗ, giấy, vật liệu da... Cùng với quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại phát triển ngày càng tốt đẹp, hai bên đã thỏa thuận mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khoa học-công nghệ, năng lượng, y tế, văn hóa, du lịch, thể thao. Brazil sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực; quan tâm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực: năng lượng, chế tạo máy, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, y tế... Gần đây, Brazil đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách điều tra chống bán phá giá giày, thông qua danh sách 74 doanh nghiệp Việt Nam đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hàng thủy sản sang Brazil và hiện Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản đứng thứ 6 vào Brazil.

Hai nước đã ký Hiệp định hợp tác văn hóa và Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại hai nước, thỏa thuận về tham khảo chính trị giữa hai Bộ ngoại giao. Hai nước cũng đã ký nhiều hiệp định, văn bản hợp tác trên nhiều lĩnh vực và đang tiếp tục thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác khác, nhằm làm đầy đủ hơn hành lang pháp lý cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước.

Trên các diễn đàn đa phương, hai nước cùng quan điểm về cải cách Liên hợp quốc và nhiều vấn đề quốc tế khác. Brazil đã sớm ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2008-2009, cam kết xem xét tích cực công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam khẳng định ủng hộ Brazil ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2010-2011 và trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở rộng. Hai bên cũng cam kết tiếp tục tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như phối hợp thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).

Brazil là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, năng động, tích cực và có nhiều sáng kiến trong nhiều vấn đề đa phương. Chính phủ của nữ Tổng thống Dilma Rousseff hiện đang tiếp nối đường lối và chính sách đề cao độc lập chủ quyền và quyền tự quyết; chủ trương củng cố và phát triển mọi mặt khối MERCOSUR; thúc đẩy liên kết, hội nhập khu vực, đồng thời quan tâm đẩy mạnh quan hệ với các nước ở các khu vực khác, trong đó chú trọng châu Á-Thái Bình Dương. Thu nhập bình quân đầu người của Brazil đạt mức khá cao so với khu vực Mỹ Latinh với khoảng 11.000 USD/năm. Mặc dù cũng bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng do có chính sách kinh tế đúng đắn, sự chỉ đạo quyết liệt từ chính phủ, nền kinh tế Brazil đã phục hồi nhanh, phát triển ổn định và bền vững. Năm 2011, Brazil đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 4% và lạm pháp được kiềm chế ở mức 6,5%; GDP ước tính đạt 3.000 tỉ USD, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5,2%; trao đổi thương mại đạt hơn 480 tỉ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước. Brazil chú trọng đường lối phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Trung bình mức tăng trưởng của Brazil đạt gần 5% một năm, dự trữ ngoại tệ đạt 375 tỷ USD, là nước có nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới.

Quốc Chính