📞

Việt Nam: Cầu nối CICA và ASEAN

01:36 | 12/06/2010
Với việc trở thành thành viên chính thức và lần đầu tiên dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố niềm tin ở châu Á (CICA) tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam đã chứng tỏ sự tích cực và trách nhiệm của mình trong việc tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị, an ninh ở khu vực và trên thế giới. Theo lời mời của Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul, từ ngày 7-9/6, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh CICA lần thứ 3 với chủ đề “Thiết lập cách tiếp cận tập thể về an ninh tại châu Á”.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại Hội nghị thượng đỉnh CICA lần thứ 3

Ngay trước Hội nghị thượng đỉnh, Phó Chủ tịch nước đã chứng kiến buổi lễ long trọng kết nạp Việt Nam trở thành thành viên chính thức của CICA. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường đã đại diện cho Việt Nam ký hai văn kiện cơ bản của CICA - Định ước Anma Ata và Tuyên bố về các nguyên tắc điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia thành viên CICA.

Sự tích cực của Việt Nam

Với tư cách là thành viên chính thức của diễn đàn, Đoàn đại biểu Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho thành công của Hội nghị. Cụ thể, một trong những nội dung chính được thảo luận tại Hội nghị là đề xuất của Việt Nam về việc cần thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa CICA với các diễn đàn và các tổ chức quốc tế khác như ASEAN, OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu), OIC (Tổ chức Hội nghị Hồi giáo) cũng như cần xây dựng một chiến lược hợp tác lâu dài và cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các nước thành viên trên cơ sở bình đẳng, hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh của khu vực.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh Việt Nam luôn là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực và trách nhiệm vào các tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. Việt Nam đánh giá cao những bước phát triển sâu rộng của CICA trong gần 2 thập kỷ qua, góp phần thu hẹp khác biệt và củng cố lòng tin tại châu Á, góp phần tích cực vào việc xây dựng châu Á hòa bình, an ninh và phát triển. Phó Chủ tịch khẳng định, với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong năm 2010, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để ASEAN tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa cho khu vực, cũng như thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các đối tác và tổ chức, bao gồm cả CICA.

Mở rộng các kênh đối thoại

Việt Nam tham gia Diễn đàn CICA năm 1993 với tư cách khách mời, sau đó là quan sát viên. Trong chuyến thăm chính thức Kazakhstan tháng 9/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo việc Việt Nam quyết định tham gia CICA với tư cách thành viên chính thức.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường cho biết, việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của CICA thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các vấn đề an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển khu vực.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, CICA là diễn đàn mở để đối thoại, tham vấn và thông qua các quyết định trên cơ sở đồng thuận với sự tham gia rộng rãi của các nước, trong đó có các nước lớn như Nga, Trung Quốc, An Độ, cùng với các nước quan sát viên quan trọng như Mỹ, Nhật Bản... Coi các biện pháp củng cố lòng tin là phương tiện để bảo đảm an ninh khu vực, CICA đóng vai trò tích cực trong việc phối hợp nỗ lực chung ứng phó với các thách thức đe dọa an ninh khu vực và có tiếng nói ngày càng quan trọng hơn trong hệ thống các cơ chế hợp tác đa phương ở khu vực.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường bày tỏ hy vọng rằng trên cương vị Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, Việt Nam có thể phát huy vai trò cầu nối để tăng cường hợp tác giữa ASEAN và CICA vì lợi ích hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như trên thế giới.

Khánh Linh