Theo báo cáo của UBS, FDI vào Việt Nam đã góp phần tăng thu nhập và kích thích đô thị hóa thông qua tăng trưởng tiền lương và đầu tư cơ sở hạ tầng. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đang đạt ngưỡng mới, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tình hình này đang kích thích tiêu dùng trong nước đối với nhiều loại sản phẩm và dịch vụ, từ điện thoại di động, xe máy đến du lịch, chăm sóc sức khoẻ.
Vốn hóa thị trường chứng khoán của Việt Nam hiện chiếm hơn 50% GDP. Dựa vào giả định tăng trưởng lợi nhuận hàng năm của Chỉ số chứng khoán VNI, số cổ phiếu có chất lượng và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tăng cao. UBS dự đoán rằng, tổng vốn hóa thị trường của Việt Nam có thể tăng gấp đôi trong vòng 5 năm, tuy nhiên, giả định chưa tính đến kịch bản thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng thành thị trường mới nổi (MSCI Emerging Markets Index) trong khung thời gian này.
Chỉ số VNI hiện vượt trội so với chỉ số thị trường sơ khai (MSCI FM) trong ba năm qua, một phần do Việt Nam được hưởng lợi từ nền kinh tế đa dạng. UBS cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách chính sách và dòng FDI tăng trưởng sẽ giúp Việt Nam tiếp tục duy trì kết quả này trong hai năm tới. Chỉ trong 12 tháng qua thị trường có 40 cổ phiếu mới niêm yết, trong đó, phần lớn là các công ty có vốn hóa lớn thuộc những ngành tăng trưởng cao, như năng lượng, điện thoại di động và tiêu dùng.
Tháng Sáu vừa qua, Việt Nam đã trở thành nước có tỷ trọng lớn thứ ba (10%) trong chỉ số MSCI FM. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn chưa được nâng hạng để trở thành MSCI Emerging Markets.