Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 (FMM-13). |
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) lần thứ 13 vừa diễn ra ngày 20 và 21/11 tại Nay Pyi Taw, Myanmar, được dư luận đánh giá là một dấu mốc quan trọng của Diễn đàn bước vào thập niên thứ ba của hợp tác. Xin Đại sứ đánh giá những kết quả nổi bật và ý nghĩa của Hội nghị?
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 diễn ra trong bối cảnh cục diện thế giới chuyển biến nhanh chóng và phức tạp hơn, tăng trưởng kinh tế vững chắc hơn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, xu hướng bảo hộ gia tăng, liên kết kinh tế ở một số khu vực khó khăn, các thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống đang ảnh hưởng sâu rộng, nguy cơ xung đột, bất ổn gia tăng, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, thiên tai tác động mạnh…
Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững”, Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 13”, với những định hướng quan trọng và nhiều biện pháp cụ thể, thể hiện mạnh mẽ quyết tâm và tạo động lực mới đưa hợp tác Á – Âu đi vào chiều sâu và hiệu quả, nâng cao vị thế và nâng tầm đóng góp của Diễn đàn vào các nỗ lực toàn cầu trong thập niên phát triển mới.
Thứ nhất, Hội nghị nhất trí ASEM trong thập niên thứ ba cần xây dựng định hướng mới, tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững để tăng khả năng thích ứng, đổi mới, nâng cao vị thế toàn cầu. Các thành viên cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ hợp tác ứng phó các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đi đầu triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ hai, Hội nghị nhất trí kết nối tiếp tục là trọng tâm hợp tác của ASEM trong thời gian. Lần đầu tiên ASEM nhất trí khái niệm kết nối gồm cả kết nối cứng và kết nối mềm trên ba trụ cột hợp tác kinh tế, chính trị và văn hóa – xã hội, nhất là thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, kết nối số, giao lưu nhân dân, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, du lịch; đề ra các nguyên tắc kết nối, phạm vi hoạt động và lộ trình của Nhóm công tác kết nối để đề xuất các lĩnh vực ưu tiên lên Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 tại Bỉ vào năm 2018.
Thứ ba, các thành viên đặc biệt quan tâm và chia sẻ nhận thức chung cần tăng cường hợp tác duy trì hòa bình, ngăn chặn xung đột, bảo đảm ổn định và thịnh vượng. Hội nghị khẳng định cam kết bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở trên cơ sở tuân thủ hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp xây dựng lòng tin, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp theo các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Nhiều thành viên nhấn mạnh nhu cầu bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Biển Đông, là quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Trên tinh thần đó, Hội nghị ủng hộ đóng góp quan trọng của ASEAN vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Với những dấu ấn trên cùng với việc thông qua 15 sáng kiến mới, tiếp tục thúc đẩy hoạt động của 20 Nhóm hợp tác chuyên ngành, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 13 đã tiếp tục khẳng định sự phát triển năng động và vị thế của ASEM trong cục diện đang định hình, đáp ứng tốt hơn lợi ích người dân, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở hai châu lục và thế giới.
Xin Đại sứ cho biết Việt Nam đã thể hiện chủ trương đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các quan tâm chung tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần này như thế nào?
Nhằm triển khai đường lối của Đại hội Đảng XII về hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả đối ngoại đa phương, Đoàn đại biểu Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đã tham gia và có nhiều đóng góp nổi bật tại Hội nghị, góp phần vào thành công chung.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh được mời phát biểu dẫn đề tại Phiên họp toàn thể về “Gắn kết hài hòa giữa hòa bình và phát triền bền vững”. Các thành viên đánh giá cao nhiều đề xuất thiết thực của Việt Nam nhằm nâng tầm quan hệ đối tác Á – Âu trong thập kỷ thứ ba với, hướng tới tầm nhìn vì một ASEM có trách nhiệm và khả năng thích ứng, đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương, tiên phong trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, quản lý bền vững nguồn nước xuyên biên giới, hợp tác Mekong – Danube, vai trò trung tâm của ASEAN...
Việt Nam đề xuất sáng kiến phù hợp quan tâm chung về “Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các Mục tiêu về phát triển bền vững”, nhận được sự ủng hộ rộng rãi và tham gia đồng tác giả của nhiều thành viên nhất.
Các thành viên chia sẻ đánh giá và hoan nghênh đề xuất của Việt Nam về thúc đẩy đối thoại, hợp tác, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông, góp phần quan trọng củng cố xu thế hợp tác, liên kết và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Với việc Việt Nam tích cực khởi xướng và đi đầu thúc đẩy, triển khai nhiều đề xuất, sáng kiến hợp tác trong khuôn khổ ASEM trong hơn hai thập kỷ qua và tại Hội nghị lần này đã tiếp tục khẳng định vai trò thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, qua đó góp phần đề cao vị thế mới của Việt Nam.
Theo Đại sứ, các cuộc gặp và trao đổi của Đoàn Việt Nam với các thành viên ASEM đã đóng góp như thế nào vào việc làm sâu sắc các mối quan hệ song phương?
Trong thời gian tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 13, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp xúc rộng rãi với 11 Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn các thành viên ASEM, trong đó có Ngoại trưởng các nước Pháp, Đức, Luxembourg, Hungary, Phần Lan, Na Uy và Trưởng Đoàn của EU, Slovenia, Romania, Ba Lan và Ireland.
Các cuộc gặp song phương đều có nội dung thực chất và đạt kết quả cụ thể, thiết thực. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao các nước đã nhất trí về các biện pháp cụ thể tiếp tục đẩy mạnh quan hệ, nhất là thúc đẩy nhiều chuyến thăm cấp cao, triển khai thực chất các thỏa thuận, cơ chế hợp tác, và tăng cường trao đổi giữa các cấp Bộ, ngành, địa phương.
Các nước đều đánh giá cao vai trò và vị thế mới của Việt Nam, chúc mừng thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng và Năm APEC Việt Nam 2017, đánh giá cao đóng góp của Việt Nam trong việc góp phần duy trì tự do hóa thương mại và hệ thống thương mại đa phương và muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước thỏa thuận tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, khẳng định cùng nỗ lực gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho hợp tác và phát triển.
Như vậy, có thể khẳng định rằng Diễn đàn ASEM là một cơ chế hợp tác quan trọng để thúc đẩy các lợi ích, quan tâm về kinh tế, phát triển và an ninh cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trong cục diện đang định hình, xây dựng mối quan hệ đối tác bình đẳng, cùng có lợi, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế.
ASEM hội tụ 19 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam, đem lại 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài và tổng giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch đến Việt Nam. Đó là những cơ hội đầy tiềm năng để các Bộ, ngành, địa phương và từng người dân phát huy trong giai đoạn phát triển mới của Diễn đàn.