Tham dự lễ kỷ niệm có ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam và lãnh đạo một số bộ, ngành của Việt Nam.
Các dự án tài trợ của ADB tại Việt Nam rất đa dạng
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng cho rằng, đây là sự kiện quan trọng ghi nhận vai trò của ADB trong hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
“Hôm nay chúng ta ở đây để dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ADB và 20 năm thành lập Cơ quan đại diện thường trú ADB tại Việt Nam. Sự thành công trong suốt chặng đường đó của ADB cũng như Việt Nam luôn có sự đóng góp đầy giá trị và xuyên suốt của nhiều thế hệ lãnh đạo ADB và Chính phủ Việt Nam qua các thời kỳ, bao gồm cả sự đóng góp của cán bộ nhân viên ADB Việt Nam cũng như phía đối tác Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Việt Nam luôn trân trọng và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi". |
Thủ tướng nhìn nhận, việc ADB mở Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam vào tháng 12/1996 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-ADB. Kể từ đó đến nay, Cơ quan đại diện thường trú ADB đã đóng vai trò là cầu nối, góp phần đưa quan hệ Việt Nam-ADB lên tầm cao mới. Hai bên đã ký kết, thực hiện trên 160 chương trình, dự án với tổng trị giá khoảng 16 tỷ USD (bao gồm cả vốn ODA và vốn vay ưu đãi). Các dự án tài trợ của ADB tại Việt Nam rất đa dạng, hướng vào hỗ trợ tăng trưởng đồng đều, bền vững và được triển khai một cách hiệu quả, góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
ADB không chỉ là nhà tài trợ mà còn là đối tác trao đổi, tham vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam từ nhiều năm qua. Các nghiên cứu, báo cáo khách quan và độc lập của ADB về kinh tế Việt Nam luôn là tài liệu tham khảo tốt cho Chính phủ Việt Nam.
“Là một trong những thành viên sáng lập của ADB, Việt Nam luôn tích cực đóng góp vào sự phát triển của ADB, coi trọng xây dựng mối quan hệ gắn bó, hiệu quả với ADB. Việt Nam coi ADB là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong việc cung cấp nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách cho Việt Nam”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức trên con đường phát triển, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình cải cách; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm an sinh xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển trong dài hạn.
Trong tiến trình đó, Việt Nam luôn trân trọng và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, chống thất thoát, lãng phí trong đó có nguồn vốn của ADB và mong ADB tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng chính phủ Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác khu vực như tiểu vùng Mekong, ACMECS, CLMV và CLV về kết nối các nền kinh tế, hạ tầng giao thông, giảm nghèo bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam rất coi trọng và tin tưởng ADB nói chung và Cơ quan đại diện thường trú ADB tại Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để thực hiện thành công Chiến lược đối tác quốc gia ADB-Việt Nam 2016-2020, nhất là ký kết và triển khai hiệu quả nguồn vốn tài trợ 1-1,5 tỷ USD hằng năm như đã cam kết giữa lãnh đạo cấp cao của ADB và Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh.
“Chúng ta tự hào về những thành quả ý nghĩa đã đạt được trong 20 năm qua nhưng chúng ta không quên những mục tiêu và nhiệm vụ đầy thách thức trong những năm tới, trước mắt là thực hiện Chiến lược đối tác quốc gia giai đoạn 2016-2020 mà ADB và Việt Nam đã ký kết, để các thế hệ sau có thể tự hào và tiếp nối những giá trị mà thế hệ chúng ta làm được”, Thủ tướng bày tỏ.
Mối quan hệ đối tác Việt Nam-ADB là vững mạnh
Phát biểu tại buổi lễ, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, trong suốt 20 năm qua, Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh và vững chắc, đạt được những tiến bộ quan trọng trong xóa nghèo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam. |
“Chúng tôi rất vinh dự được tham gia vào hành trình đáng ghi nhận của Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, và với khát vọng trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình cao hơn trong 20 năm nữa”, ông Eric Sidgwick nói.
Với sự hỗ trợ đó, ADB đã cùng với Việt Nam đào tạo khoảng 35.000 giáo viên, xây dựng hơn 5.000 km đường quốc lộ và tỉnh lộ, lắp đặt 1.400 MW công suất năng lượng tái tạo. Đồng thời, ADB cũng đã hỗ trợ nâng cấp 2.000 km đường dây điện lưới quốc gia, cung cấp nước sạch cho hơn 265.000 hộ gia đình, cũng như giúp cải thiện công tác quản lý lũ lụt và nông nghiệp trên 200.000 ha đất đai ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
“Mối quan hệ đối tác Việt Nam-ADB là vững mạnh, nhưng không nên coi đó là đã hoàn hảo. ADB sẽ luôn lắng nghe quý vị - quốc gia thành viên và là khách hàng của chúng tôi - về những nhu cầu luôn thay đổi và cố gắng cung cấp nguồn tài chính kết hợp với các dịch vụ giá trị gia tăng trong hỗ trợ chương trình nghị sự phát triển của quý vị”, Giám đốc Quốc gia ADB nói và khẳng định, ADB luôn cam kết hỗ trợ nhiều ưu tiên của Chính phủ Việt Nam, thông qua khuyến khích tạo việc làm và tăng cường khả năng cạnh tranh, tăng cường tính bao trùm của cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ, cải thiện tính bền vững về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông nhấn mạnh: ADB đang nỗ lực để “Tốt hơn, Nhanh hơn, Mạnh mẽ hơn”.
* Trước khi dự lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nền kinh tế Việt Nam đối diện không ít khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của ADB, đồng thời cảm ơn ADB vừa thông qua kế hoạch hỗ trợ Việt Nam trong 4 năm tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ADB tài trợ cho 5 nước trong khung khổ hợp tác Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong cũng như trong khung khổ hợp tác Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam để xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối các nước, nhất là tuyến đường cao tốc Vientiane-Hà Nội vừa được ký kết.