Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo ASEAN đầu tiên được Tổng thống Indonesia Joko Widodo đón tiếp nhân dịp Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN diễn ra vào ngày 24/4/2021 tại Indonesia. (Nguồn: VGP) |
Hợp tác đi vào chiều sâu và toàn diện
Việt Nam và Indonesia thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1955. Việc nâng cấp lên thành Quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013 là nền tảng và động lực quan trọng để tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu trên các lĩnh vực.
Năm 2021, trong bối cảnh Covid-19 phức tạp, hai nước vẫn tổ chức thành công hội đàm cấp cao trực tiếp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Thống Joko Widodo nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN tại Indonesia (tháng 4/2021) và cuộc điện đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Joko Widodo (tháng 7/2021).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani bên lề Hội nghị Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Áo (tháng 10/2021).
Hai Bộ Ngoại giao cũng duy trì cơ chế đối thoại chính sách thường niên lần thứ 9 cấp Vụ Chính sách Đối ngoại (tháng 8/2021).
Hai nước ký nhiều hiệp định và thoả thuận hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó có Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2019 - 2023 (tháng 9/2018).
Các địa phương hai nước cũng đang tích cực tăng cường quan hệ hợp tác, hiện có 6 cặp tỉnh/thành phố kết nghĩa (Jakarta - Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu - Padang, Huế - Yogyakarta, Đà Nẵng - Semarang, Sóc Trăng - Lampung và Kiên Giang - Tây Kalimantan).
Ủy ban hợp tác song phương giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao đã họp 3 kỳ (lần gần nhất tháng 4/2018).
Về hợp tác an ninh quốc phòng, Indonesia là một trong những nước khu vực có quan hệ sớm nhất về an ninh - quốc phòng với Việt Nam, thiết lập phòng Tùy viên quân sự từ năm 1964.
Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn quốc phòng - công an và ký một số văn bản thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Hai nước đang triển khai Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2017 - 2022 (ký năm 2017).
Việt Nam cam kết sẽ ủng hộ Indonesia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023, mong muốn Indonesia tích cực đóng góp xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, phát triển, gìn giữ hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải khu vực, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. |
Trong bối cảnh đại dịch, hai bên đã tổ chức một số hoạt động theo hình thức trực tuyến trong năm 2021 như: Đối thoại chính sách cấp thứ trưởng lần thứ 2 (tháng 10/2021); Đối thoại Hải quân (tháng 12/2021); Cảnh sát biển hai nước đã ký MOU về hợp tác an ninh, an toàn hàng hải (tháng 12/2021).
Hai nước cũng tích cực tham gia các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN: Diễn tập quân sự trực tuyến ASEAN trên sa bàn; Diễn tập Hải quân ASEAN - Nga 2021 (ARNEX 21).
Ngoài ra, hàng năm, Indonesia cung cấp cho Việt Nam một số học bổng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, ngôn ngữ... Hai nước đã ký một số MOU nông nghiệp, nghề cá và vấn đề biển, năng lượng như MOU về Hợp tác Nghề cá và các vấn đề Biển (10/2010); MOU về Hợp tác Nông nghiệp, Tài chính, Năng lượng (2013); Thông cáo chung về tự nguyện tham gia hợp tác quốc tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và thúc đẩy quản lý nghề cá bền vững (9/2018)…
Trong ASEAN, Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của Indonesia trong phát huy vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN. Đặc biệt là vai trò tích cực của Indonesia trong thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm về Myanmar do Lãnh đạo ASEAN thông qua tháng 4/2021.
Việt Nam cam kết sẽ ủng hộ Indonesia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023, mong muốn Indonesia tích cực đóng góp xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, phát triển, gìn giữ hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải khu vực, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Khách Indonesia du lịch tại Việt Nam. (Nguồn: TTXVN) |
Động lực của tăng trưởng sau đại dịch
Hợp tác kinh tế tiếp tục là điểm sáng trong hợp tác giữa hai nước. Về thương mại, Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia trong ASEAN.
Kim ngạch hai nước cơ bản giữ được đà tăng dù năm 2020 và 2021 bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19. Kim ngạch thương mại năm 2020 đạt 8,2 tỷ USD (Việt Nam xuất 2,8 tỷ USD, nhập 5,4 tỷ USD); năm 2021 đạt 11,5 tỷ USD (Việt Nam xuất 3,9 tỷ USD, nhập 7,6 tỷ USD), lần đầu tiên vượt mục tiêu kim ngạch 10 tỷ USD/năm như cam kết của Lãnh đạo Cấp cao hai nước.
Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia trong ASEAN. |
Năm tháng đầu năm nay kim ngạch thương mại song phương đạt 5,5 tỷ USD (Việt Nam xuất 1,9 tỷ USD, nhập 3,6 tỷ USD). Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất sang Indonesia gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử, sắt thép các loại, hàng dệt may, chất dẻo nguyên liệu, điện thoại di động và linh kiện.
Một số mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Indonesia gồm: than đá, dầu mỡ động thực vật, ô tô nguyên chiếc các loại, sắt thép các loại. Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật do Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Thương mại Indonesia đồng chủ trì đã họp 7 kỳ (lần gần nhất tháng 8/2017).
Về đầu tư, tính đến tháng 5 năm nay, Indonesia tiếp tục đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 29/141 quốc gia đầu tư vào Việt Nam với với 101 dự án trị giá 611,7 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Việt Nam cũng có 17 dự án đầu tư tại Indonesia với tổng vốn đăng ký là 59 triệu USD tập trung trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ thông tin, nông nghiệp, công nghiệp.
Chia sẻ với báo chí gần đây, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi nhận định rằng: “Nhìn vào xu hướng tăng trưởng tích cực ở hai quốc gia, Indonesia và Việt Nam rất có thể chiếm 60% GDP của ASEAN trong những năm tới và là động lực của tăng trưởng nhanh sau đại dịch. Vì vậy, hai nước phải tận dụng những tiềm năng này bằng cách tập trung vào một chiến lược hợp tác mới dựa trên thế mạnh của hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp biển, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số”.
Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi: “Nhìn vào xu hướng tăng trưởng tích cực ở hai quốc gia, Indonesia và Việt Nam rất có thể chiếm 60% GDP của ASEAN trong những năm tới và là động lực của tăng trưởng nhanh sau đại dịch". |
Đại sứ Denny Abdi lạc quan về hợp tác song phương trong ba lĩnh vực nêu trên bởi vì:
Thứ nhất, ba lĩnh vực hợp tác này có tác động đáng kể đến nền kinh tế Indonesia và Việt Nam.
Thứ hai, nếu không thể quản lý tốt ba lĩnh vực này, Indonesia và Việt Nam có thể sẽ cạnh tranh với nhau trong khi chưa phát huy hết tiềm năng của mình.
“Chúng ta có nền tảng quan hệ đối tác mạnh mẽ và tiềm năng to lớn, tôi cho rằng sẽ có lợi hơn cho Indonesia và Việt Nam khi hợp tác và trở thành những người chơi toàn cầu trong cả ba lĩnh vực này”, Đại sứ Denny Abdi nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Denny Abdi, cả Indonesia và Việt Nam đều được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào từ biển và nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá ngày càng tăng. Là hai quốc gia có cam kết vững chắc về phát triển bền vững, Indonesia và Việt Nam có thể hợp tác trong việc đảm bảo ngành đánh bắt và đánh bắt thủy sản của chúng ta bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội.
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Indonesia và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam-Indonesia tại Jakarta, Indonesia từ ngày 19-21/7. |