📞

Việt Nam đã ở một vị thế mới

08:35 | 08/10/2015
Vai trò và vị thế của kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi sau khi đàm phán TPP kết thúc. Tuy nhiên, có thể tận dụng được những lợi thế này hay không phụ thuộc vào chính năng lực của chúng ta. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Vụ trưởng, Phụ trách Bộ phận thường trực Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017 đã chia sẻ với TG&VN về vấn đề này.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Cuộc gặp Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Bắc Kinh tháng 11/2014.

Đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc có ý nghĩa rất quan trọng đối với cục diện liên kết kinh tế, phát triển và hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Rất nhiều chính khách và học giả thế giới đánh giá cao tác động sâu rộng của nó đến toàn cầu. Cũng chính vì tầm ảnh hưởng lớn của TPP mà Việt Nam đã đặt mục tiêu quyết tâm tham gia.

Hiệp định nhiều ý nghĩa

Có thể nói, TPP là hiệp định lớn và quan trọng bởi mức độ và lĩnh vực liên kết của nó đối với quá trình phát triển kinh tế trong thời gian tới trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi về nền tảng, xu hướng hợp tác, liên kết ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới đang được thúc đẩy bởi các hiệp định, mang tính chất liên khu vực rộng lớn. Vì vậy, với quy mô khoảng 40% GDP và một phần ba thương mại toàn cầu, tầm quan trọng của việc kết thúc đàm phán TPP mang lại nhiều ý nghĩa.

Thứ nhất, nó tạo thuận lợi hơn cho xu thế liên kết và hợp tác trên toàn cầu, nhất là trong bối cảnh vòng đàm phán Doha vẫn lâm vào bế tắc. Bởi vậy, TPP là đàm phán có tầm quan trọng hàng đầu không chỉ ở châu Á - Thái Bình Dương, mà là toàn thế giới. Riêng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự kiện TPP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về tầm chiến lược và chính sách. Cùng với một loạt đàm phán khác như RCEP của ASEAN với sáu đối tác, Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) của ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, các nước Liên minh Thái Bình Dương..., các FTA đang thúc đẩy một xu hướng hợp tác với các lợi ích đan xen, góp phần củng cố xu thế hòa bình ở khu vực.

Bởi vậy, có thể nói, việc kết thúc đàm phán TPP không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có tầm quan trọng về mặt chiến lược đối với các thành viên và khu vực, tạo không khí hợp tác và xu thế duy trì, củng cố hòa bình, ổn định.

Thứ hai, đối với Việt Nam, trước hết, hòa bình ổn định là yếu tố rất quan trọng để phát triển. Việt Nam là một trong 12 thành viên sáng lập, tham gia đàm phán ngay từ những vòng đầu tiên (tháng 3/2010). Hơn năm năm qua, chúng ta đã đặt mục tiêu rất lớn, đó là thiết lập quan hệ sâu rộng với nhiều đối tác then chốt và tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico. Hay các thành viên ASEAN như Singapore, Malaysia là các trung tâm phát triển và liên kết ở khu vực Đông Nam Á. Điều đó khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam.

Bên cạnh TPP, Việt Nam còn đi đầu ASEAN trong việc hoàn tất một loạt FTA quan trọng với các trung tâm kinh tế, chính trị hàng đầu thế giới như EU, Nga (trong Liên minh kinh tế Á - Âu)... Điều đó, không chỉ mang lại cho Việt Nam một vị thế mới, mà còn cho ta lợi ích rõ ràng về mặt kinh tế, một thị trường tiềm năng rộng lớn, tạo thuận lợi cho xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; nguồn lực lớn về đầu tư; cũng như cơ hội đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cả về tay nghề và quản lý.

Như vậy, Việt Nam đang nằm trong mạng lưới FTA lớn trên thế giới - là một xu thế liên kết của thế kỷ XXI. Nếu chúng ta thể hiện được quyết tâm và năng lực hội nhập, vị thế Việt Nam sẽ được nâng cao, qua đó củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư và các đối tác. Đây là một yếu tố thuận lợi khi đất nước bước vào giai đoạn năm năm phát triển mới, với công cuộc đổi mới sâu rộng hơn.

Thứ ba, vị thế mới của Việt Nam còn đem lại một sức mạnh mềm, tạo cho Việt Nam một vị thế lớn hơn trong quan hệ với các nước, các tổ chức và với khu vực. Sức mạnh này được tạo nên không phải bằng tiền, vật chất hay vũ khí.

Thứ tư, khi muốn theo luật chơi chung, chúng ta bắt buộc phải tự đổi mới. Đây là một áp lực rất tích cực, buộc từng người dân, từng doanh nghiệp phải thay đổi cách nghĩ khác, cách làm, có nhu cầu đổi mới, hiểu thêm nhiều vấn đề mới. Đó là một thách thức nhưng cũng là một áp lực cần thiết để phát triển đất nước, khi chúng ta chuyển sang giai đoạn phát triển có chất lượng.

Mọi kỳ vọng cần thực tế

Nhờ những thuận lợi lớn mang tầm chiến lược chính trị cũng như kinh tế dài hạn nên chúng ta đã quyết định tham gia TPP. Nhưng tất cả những thứ đó đều mang tính tiềm năng. Nó là mục tiêu dài hạn, trong khi các thách thức mang tính cạnh tranh rất trực diện, tấn công ngay lập tức và không chờ ai. Tham gia TPP tạo nên một áp lực cạnh tranh rất lớn đối với nhà nước, doanh nghiệp, địa phương và đối với từng người dân. Bởi vậy, những tiềm năng kia có đạt được hay không nằm ở chỗ chính ta có tận dụng được không. Bài học tám năm trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy, vấn đề rất lớn hiện nay là năng lực thực thi. Chúng ta cần nâng cao kỹ năng, tri thức, và cả trình độ quản lý. Việt Nam sẽ tự cản chân mình nếu các yếu tố đó không được cải thiện.

Vậy, vào TPP, Việt Nam nên đặt kỳ vọng đến đâu? Mọi kỳ vọng cần phải mang tính chất thực tế. Đúng là triển vọng rất lớn, nhưng tất cả mới chỉ là tiềm năng, bắt buộc chúng ta phải xắn tay vào cuộc một cách nghiêm túc. Bản thân các Hiệp định kinh tế không thể mang lại lợi ích cho chúng ta. Tự chúng ta sẽ tạo nên lợi ích bằng cách xử lý tốt các thách thức.

Thứ hai, áp lực thay đổi lớn nhất trong tất cả FTA là vấn đề thể chế. Thể chế không chỉ hiểu là hệ thống pháp lý mà kể cả công tác quản lý.

Thứ ba, một lực cản lớn là năng lực thực thi của ta còn chưa đủ. Bởi vậy, nhu cầu đào tạo để hiểu hội nhập, cũng như về các FTA, hay hiểu văn hóa của từng đối tác,… thì thị trường rộng lớn kia mới thực sự trở thành của ta. Chẳng hạn, khi thực hiện các thỏa thuận, bất cứ động thái nào cũng đều dùng luật, từ quan hệ giữa các nhà nước, quan hệ giữa nhà nước với các doanh nghiệp. Như vậy, buộc chúng ta phải hiểu luật, trong khi đó, sự hiểu biết về luật của ta hạn chế, đội ngũ luật sư còn rất mỏng.

Thứ tư, để đón và tận dụng được nguồn đầu tư nước ngoài, yếu tố lao động đóng một vai trò khá quan trọng. Tuy nhiên, nguồn lao động của Việt Nam đang gặp những bất cập từ đào tạo phổ thông đến đào tạo tay nghề, thiếu về kỹ năng, kỷ cương lao động, cũng như tri thức cuộc sống, thậm chí là chuẩn mực đạo đức. Guồng máy sản xuất công nghiệp không chấp nhận những lao động thiếu những yếu tố trên. Bởi vậy, đây là một cuộc cạnh tranh rất lớn về con người, lực lượng lao động và chất lượng lao động. Các FTA thế hệ mới đều đòi hỏi chất lượng nhân lực rất cao, bởi vậy việc thiếu lao động có kỹ năng ở tầm thấp và thiếu các nhà quản lý ở tầm cao là nguy cơ ta cần phải nhanh chóng giải quyết.

Một vấn đề rất quan trọng nữa là đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam có trình độ hiểu biết và quan tâm đến hội nhập còn khá khiêm tốn và thụ động. Vấn đề này có nguy cơ trở thành một điểm nghẽn trong hội nhập, bởi vậy, doanh nghiệp cần được bổ sung văn hóa về tính năng động và tính đổi mới.

Như vậy, tiềm năng của TPP nói riêng và các FTA nói chung đã rõ, nhưng chúng ta có thể tận dụng được các lợi thế, giảm bớt các thách thức hay không là do chính chúng ta. Nhìn vào vấn đề, dù TPP đã đàm phán xong, nhưng chặng đường để đi đến thực thi phải mất ít nhất hai đến ba năm. Để các nước thông qua, phê chuẩn rồi đi đến thực thi còn rất nhiều điều khoản ràng buộc, và chúng ta vẫn còn phải tiếp tục đấu tranh. Trong thời gian này, nếu có quyết tâm, chúng ta cần khẩn trương chuẩn bị lực lượng. Đặc biệt, cần chuẩn bị ngay một nguồn nhân lực tốt, vì con người là yếu tố quyết định, đây chính là bài học thành công của Singapore.

Minh Anh (ghi)