TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với đại biểu Công đoàn Việt Nam | |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Phiên thảo luận Đại hội đồng Liên hợp quốc |
Thưa Thủ tướng, được biết Thủ tướng sẽ tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận chung cấp cao khóa 73 Đại Hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York trong vài ngày tới. Xin Thủ tướng đánh giá về vai trò và tầm quan trọng của đối ngoại đa phương đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của Việt Nam hiện nay cũng như những đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với công việc chung của Liên hợp quốc?
Ngay từ rất sớm, Đảng và Nhà nước ta đã coi Đối ngoại đa phương là một trụ cột quan trọng trong đường lối Đối ngoại của Việt Nam.
Khi nước ta giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Thư đề nghị Liên hợp quốc công nhận nền độc lập của Việt Nam và tiếp nhận Việt Nam là một thành viên của Liên hợp quốc. Trong cuộc kháng chiến thống nhất đất nước, khi thế giới vẫn bị chia rẽ bởi Chiến tranh lạnh và ý thức hệ, Việt Nam đã kết hợp khéo léo đường lối đối ngoại đa phương và song phương để tạo ra một mặt trận đối ngoại thống nhất, huy động được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình ủng hộ Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. |
Những hoạt động tiêu biểu của đối ngoại đa phương là các Hội nghị Geneve 1954 và Hội nghị Paris 1973 đã góp phần chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Sau khi nước nhà thống nhất, Việt Nam đã vượt qua tình thế bị bao vây cấm vận, từng bước gia nhập các tổ chức quốc tế. Trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta đã ký kết nhiều hiệp định kinh tế thương mại đa phương, song phương. Việt Nam luôn nỗ lực là một thành viên có trách nhiệm trong mỗi tổ chức mà chúng ta tham gia, là một đối tác tin cậy, là một thị trường mở cửa và đầy tiềm năng.
Kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc - tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu -năm 1977, Việt Nam đã và đang là một thành viên có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào mọi lĩnh vực hoạt động của Liên hợp quốc, đồng thời là một trong những quốc gia đi tiên phong trong thúc đẩy hòa bình, tiến bộ, hợp tác và phát triển trên thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia tích cực, có những đóng góp cụ thể vào quá trình xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế của Liên hợp quốc và xây dựng một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của toàn nhân loại.
Đóng góp của Việt Nam đã để lại những dấu ấn đậm nét được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt là trong hoạt động của Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế-xã hội và nhiều cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc.
Trong vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã đóng góp vào nỗ lực chung xử lý xung đột ở một số khu vực, tăng cường hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, có sáng kiến cụ thể về tăng cường vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình và an ninh. Tiếp theo thành công đó, hiện nay chúng ta được nhiều nước ủng hộ để một lần nữa ứng cử vào cơ quan hết sức quan trọng này trong nhiệm kỳ 2020-2021.
Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào việc xây dựng và triển khai Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 của Liên hợp quốc và đi tiên phong trong việc áp dụng những mô hình hợp tác mới, như mô hình “Thống nhất hành động - Một Liên hợp quốc” tại Việt Nam.
Ba năm qua, chúng ta luôn có vai trò nòng cốt, chủ trì soạn thảo Nghị quyết hằng năm của Hội đồng Nhân quyền về chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy quyền con người. Cuối năm 2016, lần đầu tiên nước ta đã có cán bộ tham gia và được bầu làm Phó Chủ tịch thứ hai Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC).
Chúng ta cũng tham gia tích cực vào nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng ở khu vực và thế giới, như Cộng đồng Pháp ngữ, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM),…
Tham gia ASEAN, Việt Nam đã chứng tỏ vai trò của một thành viên chủ động, tích cực với nhiều sáng kiến trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, Tầm nhìn năm 2025 về một ASEAN đoàn kết, tự cường và sáng tạo, giữ vai trò trung tâm trong các cơ chế an ninh khu vực. Những hoạt động như vậy đã thể hiện vị thế mới của Việt Nam trong đối ngoại đa phương, từ vị thế bên tham gia, đến nay chúng ta đã khẳng định khả năng trực tiếp đóng góp, định hình các cơ chế quốc tế, khu vực, vì hòa bình và thịnh vượng của nhân loại, đồng thời nâng cao vị thế đất nước.
Trong bối cảnh thế giới hiện nay các thách thức truyền thống và phi truyền thống ngày càng diễn biến nhanh, phức tạp, buộc các quốc gia, khu vực phải chung tay cùng giải quyết. Vai trò của các cơ chế hợp tác đa phương, trước hết là Liên hợp quốc, hơn lúc nào hết ngày càng trở nên quan trọng. Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc trong việc giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Với chúng ta, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Chỉ thị 25 CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, không chỉ nhằm nâng cao thế và lực, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn thể hiện niềm tin của người dân Việt Nam vào một thế giới đối thoại đa chiều, tôn trọng luật pháp quốc tế, hòa bình, hợp tác bình đẳng, cùng phát triển.
Xin Thủ tướng cho biết mục đích, ý nghĩa và các hoạt động chính của Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta tại kỳ họp lần này?
Kỳ họp lần này của Liên hợp quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến chuyển nhanh chóng và phức tạp.
Chiến tranh, xung đột, đói nghèo vẫn là những thách thức gay gắt mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt. Chính vì vậy, với chủ đề “Làm cho Liên hợp quốc gắn kết với tất cả người dân: Vai trò lãnh đạo toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm vì xã hội hòa bình, công bằng, bền vững”, tôi sẽ cùng lãnh đạo cấp cao 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc thảo luận, đề xuất các biện pháp hữu hiệu để xử lý các thách thức toàn cầu đối với an ninh và phát triển, cũng như các biện pháp làm cho Liên hợp quốc phục vụ tốt hơn, thiết thực và hiệu quả hơn lợi ích của mọi quốc gia, mọi người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres tại Trụ sở LHQ, tháng 5/2017. |
Tham dự kỳ họp quan trọng lần này, tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam mang theo một thông điệp mạnh mẽ: “Là một thành viên tích cực, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cam kết làm hết sức mình, trong khả năng và điều kiện cho phép để đóng góp hiệu quả hơn nữa vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, vì một thế giới hoà bình, hợp tác và phát triển; một trật tự chính trị và kinh tế quốc tế công bằng, dân chủ và dựa trên luật lệ”.
Là quốc gia từng phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, Việt Nam cảm nhận sâu sắc những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra và trân trọng giá trị của hòa bình. Đồng thời, Việt Nam cũng là một tấm gương sáng về thành tựu vượt qua đói nghèo, hàn gắn vết thương chiến tranh và hòa giải các mâu thuẫn. Từ chỗ là một quốc gia nghèo, kém phát triển, chúng ta đã nỗ lực vươn lên để từ năm 2010 trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong nhiều năm. Việt Nam được Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều định chế quốc tế khác đánh giá là một trong những quốc gia điển hình về xóa đói, giảm nghèo và thực hiện thành công các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs).
Chúng ta sẽ tiếp tục vai trò tiên phong trong ứng phó biến đổi khí hậu ở châu Á, thực hiện tốt các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030, Thoả thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và các khuôn khổ hợp tác, các chương trình nghị sự quan trọng khác của Liên hợp quốc. Chúng ta mong muốn học hỏi từ cộng đồng quốc tế, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống của người dân.
Mục đích của Việt Nam trong hoạt động tại Liên Hợp Quốc lần này còn là tranh thủ các nguồn lực và cơ hội cho phát triển, thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến, kế hoạch và ưu tiên hành động của Liên Hợp Quốc ở cấp độ quốc gia và khu vực.
Việt Nam và Liên hợp quốc vừa ký Kế hoạch Chiến lược chung mới (OSP) cho giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021 giữa Chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan Liên hợp quốc. Kế hoạch OSP được xây dựng phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của Việt Nam, các mục tiêu SDGs , cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người. Việc thực hiện tốt các sáng kiến này sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng bao trùm hơn trong tương lai, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc cũng như trên trường quốc tế.
Chuyến công tác lần này còn là cơ hội để Việt Nam quảng bá những thành tựu trong phát triển kinh tế, phát triển con người hướng đến mục tiêu bao trùm và bền vững; là dịp để Việt Nam chia sẻ và đề xuất các sáng kiến chính sách trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người phù hợp với bối cảnh phát triển của từng quốc gia; quyền của nhóm dễ bị tổn thương, quyền của người lao động khuyết tật, vấn đề lao động trẻ em, buôn bán phụ nữ, và vấn đề biến đổi khí hậu…
Đặc biệt, Việt Nam đến với kỳ họp năm nay với một vinh dự và cùng với đó là trách nhiệm hết sức to lớn là ứng cử viên không chỉ của ASEAN mà còn của cả Nhóm châu Á-Thái Bình Dương gồm 54 nước vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Việt Nam đã có vinh dự gánh vác trọng trách này trong nhiệm kỳ 2008-2009 và đã có những đóng góp quan trọng được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Với kinh nghiệm đã đúc kết được, với tinh thần hợp tác tích cực và chân thành và sự ủng hộ của các nước thành viên Liên hợp quốc, chúng ta tự tin sẽ đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, tiếp tục đóng góp lớn hơn vào hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên thế giới.
Ngay trong những ngày này, ở châu Phi xa xôi, những sĩ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam đang sát cánh cùng với những người lính đến từ nhiều quốc gia trong một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả mà Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế trao cho họ - “Sứ mệnh gìn giữ hòa bình”.
Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đội chiếc mũ nồi xanh của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một biểu tượng mà Việt Nam muốn gửi tới bạn bè quốc tế. Đó là truyền thống, đạo lý yêu chuộng hòa bình của con người và đất nước Việt Nam. Đó là một Việt Nam sẵn sàng chung tay, góp sức vì một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại.
Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng!
Thủ tướng: Phải làm bài bản quy hoạch dự án cảng Liên Chiểu Sáng 24/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP. Đà Nẵng, ... |
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn Sáng 24/9, tại trụ sở Chính phủ, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng “tỉnh ... |
Thủ tướng tiếp Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn Thế giới Chiều 23/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông George Mavrikos, Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn Thế giới ... |