Tháng 10/2009, chương trình làm việc của HĐBA dày đặc với một cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao, 29 cuộc họp cấp Đại sứ (mặc dù chương trình làm việc được thông qua đầu tháng chỉ dự kiến 16 cuộc họp cấp Đại sứ). Ngoài ra còn có 40 cuộc họp cấp chuyên viên, trong đó có 5 cuộc họp khẩn cấp. HĐBA đã thảo luận 22 vấn đề trong chương trình nghị sự, đồng thuận thông qua 5 Nghị quyết, 3 Tuyên bố Chủ tịch và 5 Tuyên bố Báo chí. Đây là tháng HĐBA thông qua nhiều văn kiện nhất kể từ đầu năm 2009.
Các vấn đề được quan tâm thảo luận trong tháng 10 do Việt Nam chủ động thúc đẩy trên cương vị Chủ tịch HĐBA như phụ nữ và hòa bình, an ninh, hợp tác giữa LHQ và Liên minh châu Phi trong các hoạt động giữ gìn hòa bình...; cùng một số vấn đề phức tạp nảy sinh như về các vụ tấn công khủng bố gia tăng ở Iran, Iraq, Afghnistan... Bên cạnh đó, HĐBA cũng đã xử lý một số vấn đề mang tính kiểm điểm định kỳ hoặc được dự báo trước như tình hình Somalia, Bờ Biển Ngà, Sudan, Kosovo... Việt Nam cũng đã chủ động thúc đẩy và tích cực tham vấn để HĐBA nhất trí tổ chức các phiên thảo luận mở về tình hình Trung Đông, về hợp tác giữa LHQ và Liên minh Châu Phi trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, hay đưa vấn đề Myanmar ra khỏi danh mục các vấn đề dự phòng sau gần 2 năm đề mục này bị giữ trong chương trình làm việc tháng của HĐBA.
Một trong những hoạt động trọng tâm trong tháng Chủ tịch HĐBA của Việt Nam là phiên thảo luận mở về Phụ nữ, hòa bình và an ninh với chủ đề “Giúp đỡ phụ nữ và trẻ em gái thời kỳ hậu xung đột”. Đây là lần đầu tiên HĐBA thảo luận về vấn đề phụ nữ giai đoạn hậu xung đột, hướng tới mục tiêu cao cả là bảo vệ những người bị tác động nhiều nhất từ các cuộc xung đột. Sự có mặt và chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tại Phiên thảo luận, tiếp theo việc Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự Phiên họp Thượng đỉnh của HĐBA hồi tháng 9 vừa qua, đã một lần nữa khẳng định sự quan tâm ở cấp cao của Việt Nam đối với các hoạt động của HĐBA.
Đặc biệt, Việt Nam đã chủ trì soạn thảo và thúc đẩy thành công HĐBA đồng thuận thông qua Nghị quyết 1889 với nội dung toàn diện, nêu các quan tâm của cộng đồng quốc tế, đồng thời nhấn mạnh việc đáp ứng các nhu cầu của phụ nữ giai đoạn hậu xung đột và tăng cường hiệu quả của các cơ quan LHQ trong vấn đề này. Nghị quyết 1889 là Nghị quyết đầu tiên của Việt Nam kể từ khi tham gia LHQ, được 22 nước đại diện cho tất cả các nhóm nước (các nước lớn, phát triển, đang phát triển, các khu vực…) đồng tác giả.
Chủ tịch HĐBA, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, Trưởng Đại diện Việt Nam tại HĐBA, Đại sứ Lê Lương Minh khẳng định, với tư cách là một thành viên không thường trực, Việt Nam đã điều hành công việc của Hội đồng trên tinh thần trách nhiệm, trên phương châm độc lập, tự chủ và khách quan. “Phải nói rằng, trên phương châm đó, chúng ta đã điều hành một cách có hiệu quả công việc của Hội đồng, nhờ vậy Hội đồng đã đạt được kết quả rất cụ thể”, Đại sứ Lê Lương Minh nhấn mạnh.
Duy Phúc