📞

Việt Nam đang đứng trước cơ hội 'hiếm có khó tìm', không lặp lại trong thu hút vốn nước ngoài

10:56 | 17/01/2024
Năm 2024 được dự báo là một năm Việt Nam tiếp tục nhận được nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn. Nguồn lực này sẽ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm 2024, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn là một điểm sáng. (Nguồn: VnEconomy)

Loạt dự án lớn “đổ bộ”, niềm tin được củng cố

Có 6 dự án, với tổng vốn 390 triệu USD, đã được trao chứng nhận đầu tư tại Hội nghị công bố Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Nghệ An hôm 13/1/2024. Trong đó, đáng chú ý có dự án của Radiant Opto-Electronics Corporation (Đài Loan), vốn đầu tư 120 triệu USD và dự án của Everwin Precision (Hồng Kông), vốn đầu tư 115 triệu USD. Cuối tháng 10/2023, Everwin Precision cũng khởi công dự án 200 triệu USD tại VSIP Nghệ An.

Ngay trước Nghệ An, Hải Dương đã trao chứng nhận đầu tư cho 27 dự án, với tổng vốn lên tới hơn 1,5 tỷ USD. Bên cạnh một số dự án trong nước, có hàng loạt dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn, như Dự án Nhà máy Sản xuất văn phòng phẩm của Công ty TNHH Công nghệ văn phòng Deli Việt Nam (270 triệu USD); Dự án Công ty TNHH Sản xuất công nghệ Biel Crystal (260 triệu USD); hay Dự án Nhà máy Sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời Boviet Hải Dương (120 triệu USD)…

Đồng Nai cũng có động thái tương tự. Trong 9 dự án được trao chứng nhận đăng ký hồi đầu tháng 1/2023, có 4 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 156,4 triệu USD.

Ngoài các dự án cấp mới, còn có 4 dự án tăng vốn, với tổng vốn đăng ký tăng thêm 217 triệu USD. Nestlé, Hyosung, Kenda là những nhà đầu tư lớn, vì tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của Đồng Nai, nên đã quyết định mở rộng đầu tư tại tỉnh này.

Trong số đó, riêng dự án của Nestlé có vốn tăng thêm 100 triệu USD. Cộng thêm khoản vốn này, tổng vốn đầu tư của Nestlé tại Đồng Nai lên tới hơn 500 triệu USD. “Dự án này là minh chứng cho cam kết đầu tư dài hạn của Nestlé tại Việt Nam”, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam nói.

Đầu năm thường là khoảng thời gian mà các địa phương tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, hoặc gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. Tại đây, sẽ có thêm các dự án được trao chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chủ trương. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí còn có xu hướng tích cực hơn khi có nhiều dự án quy mô lớn “đổ bộ”. Điều này hứa hẹn năm 2024 tiếp tục là một năm thành công của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhắc đến con số 36,6 tỷ USD vốn đăng ký và 23,2 tỷ USD vốn giải ngân - cao nhất kể từ trước tới nay, để nhấn mạnh về một điểm sáng của nền kinh tế. “Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lương Văn Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, năm 2024, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn là một điểm sáng. Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital cũng bày tỏ tin tưởng rằng, thu hút đầu tư nước ngoài năm 2024 của Việt Nam tiếp tục rất khả quan.

“Chúng tôi nhận khá nhiều thông tin về các tập đoàn Nhật Bản đang tìm cơ hội hợp tác với các đơn vị trong nước, như VinaCapital, để rót vốn vào lĩnh vực bất động sản của Việt Nam”, ông Michael Kokalari nói và cho biết, các lĩnh vực khác hứa hẹn thu hút được dòng vốn lớn là sản xuất, bán lẻ…

Cơ hội hiếm có, không thể bỏ lỡ

Cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam là rất lớn. Tuy vậy, khó khăn không phải là không có. Trong một báo cáo vừa công bố, Ngân hàng HSBC nhắc đến một điểm cần lưu ý, đó là việc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng từ ngày 1/2/2024 tại một số quốc gia.

Có thể còn sớm để đánh giá tác động, thậm chí việc các nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư không hoàn toàn dựa trên các chính sách ưu đãi đầu tư, song rõ ràng, thuế tối thiểu toàn cầu và các cơ chế ưu đãi bổ sung là vấn đề “đại sự” đối với một quốc gia nhận đầu tư và nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài như Việt Nam.

Một thông tin được nhắc khá nhiều gần đây là Intel quyết định đầu tư tới 25 tỷ USD vào Israel. Bên cạnh lý do Israel vẫn là một thị trường quan trọng của Intel, thì việc quốc gia này dành khoản trợ cấp lên tới 3,2 tỷ USD, tương đương 12,8% tổng mức đầu tư, được cho là một trong những nguyên nhân căn bản khiến Intel quyết định dốc một ngân khoản khổng lồ vào khu vực vẫn đang có xung đột vũ trang.

Trước đó, Intel cũng đã quyết định đầu tư 4,6 tỷ USD vào Ba Lan, hơn 30 tỷ Euro vào Đức và đều nhận được khoản hỗ trợ tài chính rất lớn.

Cần kíp nghiên cứu và ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư bổ sung là điều đã được các chuyên gia nhắc tới. Thông tin cho biết, Dự thảo Nghị định về việc thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến công luận. Bộ cũng đang rà soát lại toàn bộ các chính sách ưu đãi đầu tư, để nghiên cứu và sửa đổi tổng thể các chính sách này cho phù hợp tình hình thực tiễn.

Bối cảnh hiện nay cho thấy, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt. Trong báo cáo gần đây trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2024, triển vọng dòng đầu tư toàn cầu có thể có nhiều bất định hơn.

“Dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng chậm lại và ngày càng tập trung giữa các quốc gia có liên kết địa chính trị, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược. Việc triển khai thực hiện cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu và các nhóm chính sách liên quan ở nhiều nước cũng có thể ảnh hưởng đến dịch chuyển đầu tư nước ngoài”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Bởi thế, câu chuyện không chỉ là vấn đề hỗ trợ đầu tư, mà còn là vấn đề về thủ tục hành chính, hay hạ tầng, nhân lực… Khi công bố báo cáo về Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của các doanh nghiệp châu Âu quý IV/2023, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho rằng “xu hướng tích cực vẫn đang diễn ra”, song cũng nhấn mạnh việc Việt Nam cần cải thiện các vấn đề về gánh nặng hành chính, sự kém hiệu quả của bộ máy.

Khu vực đầu tư nước ngoài lâu nay vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Vì vậy, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, không chỉ thu hút các nhà đầu tư, mà cần “đồng hành với họ”.

“Để làm được việc đó, cần cải cách mạnh về thể chế, tạo ra môi trường pháp lý và tạo cơ hội chứ không phải tháo gỡ”, ông Hoàng Văn Cường nói và cho rằng, năm 2024 là năm “hiếm có không lặp lại”, do vậy cần tranh thủ chớp lấy, nếu không sẽ mất cơ hội.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đà phục hồi ở các nền kinh tế châu Á, gắn với các FTA, có thể tạo thêm động lực để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài và thu hút thêm nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, cạnh tranh địa chính trị giữa các nền kinh tế lớn, gắn với các tiêu chuẩn mới và thậm chí là các biện pháp can thiệp của một số chính phủ để định hướng hoạt động đầu tư/chuyển hướng đầu tư, có thể ảnh hưởng đến xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư nước ngoài, bao gồm xu hướng hồi hương dịch chuyển sản xuất về gần và sang các nước đồng minh thân cận gia tăng sau đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine.

(theo Báo Đầu tư)