Học sinh mắc Covid-19 khá nhiều, hàng loạt trường tại Hà Nội dừng học trực tiếp. |
Mới đây, Trường THCS Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa phát thông báo, hiện nay, số cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của trường vào diện F0, F1 ngày càng tăng.
Cụ thể, chiều 26/2, cả 2 khối 7 và 8 của trường chỉ có 25 học sinh lớp 7A1 đủ điều kiện đến trường học trực tiếp.
Do đó, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch và đảm bảo chất lượng dạy học, nhà trường quyết định, tuần sau (từ 28/2-5/3), 100% học sinh khối 7 và 8 học trực tuyến theo thời khóa biểu đang thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nhàn, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay, nhà trường buộc phải quyết định như vậy.
“Số giáo viên của trường vào diện F0 hiện nay là 14 người cùng rất nhiều người là F1. Hiện nay, ban giám hiệu của trường chúng tôi cũng toàn F0,F1; cá nhân tôi cũng đang là F1”, bà Nhàn nói.
Trường THCS Archimedes Academy mới đây cũng thông báo, theo kết quả lấy ý kiến cha mẹ học sinh của các lớp gửi về cùng với thực trạng số lượng F0 trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường hiện nay tương đối nhiều, trường quyết định vẫn học trực tuyến (online) trong tuần tới. Kế hoạch trở lại trường được cho hay sẽ được ban giám hiệu trường thực hiện từ từ, dựa vào tình hình thực tế của dịch bệnh.
Tại Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhiều học sinh và giáo viên đang phải điều trị Covid-19 hoặc cách ly tại nhà. Để đảm bảo sức khỏe, an toàn, ban giám hiệu nhà trường quyết định cho học sinh các khối từ 7 đến 12 tiếp tục học trực tuyến tại nhà từ ngày 24/2 cho đến khi có thông báo mới.
Bà Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay, sau hơn 10 ngày đến trường, trường có 428 F0 và 459 F1 là học sinh, cùng rất nhiều thầy cô nhiễm bệnh.
“Tình trạng này sẽ không dừng nếu tiếp tục đi học”, bà Dương nói và cho rằng nên giao quyền chủ động cho các trường tự quyết việc đi học trở lại khi đủ điều kiện hoặc tiếp tục học online đến khi đủ điều kiện an toàn.
“Việc mở cửa trở lại học trực tiếp phải được các trường hết sức cân nhắc, vì khi xuất hiện lây nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng giáo viên đứng lớp chứ không riêng học sinh, và cả khả năng đảm bảo xử lý tình huống y tế của từng trường để khống chế, kiểm soát mức độ lây lan. Thay vì chỉ đạo đồng loạt, cơ quan quản lý chỉ nên ra các khuyến cáo để các trường làm căn cứ, trong điều kiện dịch bệnh, mục tiêu đặt ra với ngành giáo dục là làm sao đảm bảo được chương trình và chất lượng một cách tốt nhất có thể chứ không phải thực hiện kế hoạch đồng loạt đến trường hay đồng loạt ở nhà”.
Còn bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, tính đến nay, trường có gần 40 lớp học có F0 và chuyển sang học trực tuyến, trên tổng số 76 lớp từ khối 7 đến 12.
“Tất nhiên, nếu theo quy định thì chỉ số học sinh diện F0 và những học sinh F1 phải chuyển học trực tuyến. Tuy nhiên, phụ huynh các lớp đã làm đơn bày tỏ nguyện vọng cho cả lớp học trực tuyến. Do sĩ số các lớp của trường cũng chỉ khoảng 30, trên cơ sở nguyện vọng của phụ huynh, nhà trường cũng tạo điều kiện cho các gia đình”, bà Dương nói.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), trường này cũng có hơn 200 học sinh F0, hơn 600 học sinh là F1; 22 lớp có trên 50% học sinh trong diện F0, F1. Những lớp có trên 50% học sinh là F0 và F1 thì sẽ chuyển sang học trực tuyến,...
Thông báo mới nhất của Sở GD&ĐT Hà Nội về học trực tiếp
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng vừa gửi thông báo tới các trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã; hiệu trưởng các trường trung học phổ thông; giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội về việc tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với cấp độ dịch Covid-19 tại địa bàn.
Cụ thể, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, học sinh theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện, thị xã; hiệu trưởng các trường THPT; giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên báo cáo UBND quận, huyện, thị xã xin ý kiến chỉ đạo và thông báo đến các trường trên địa bàn các xã, phường, thị trấn nếu có mức độ dịch ở cấp độ 3 thì cho học sinh tạm dừng đến trường, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến kể từ ngày mai, 28/2.
Đối với các địa bàn xã, phường, thị trấn có mức độ dịch cấp độ 1, cấp độ 2 thì cho học sinh học tập trực tiếp theo kế hoạch. Học sinh từ khối lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận tiếp tục học trực tuyến.
Theo Thông báo số 149/TB-UBND, 74 xã, phường, thị trấn của 23 quận, huyện có mức độ dịch ở cấp 3. Các trường học trên địa bàn các xã, phường, thị trấn này sẽ chuyển sang dạy học trực tuyến từ ngày 28/2.
| Học sinh lớp 1-6 ngoại thành Hà Nội sẽ chuyển học trực tuyến vì Covid-19 gia tăng Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đang đề xuất cho học sinh từ lớp 1-6 ở 18 huyện, thị xã chuyển sang học ... |
| Mở cửa trường học, làm sao để không 'mỗi nơi một phách'? Cho trẻ đến trường an toàn là một nút thắt không dễ mở. Hơn nữa, nhiều người còn dự cảm rằng liệu mở cửa trường ... |