TIN LIÊN QUAN | |
18 nước trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2016-2018 | |
Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện nghĩa vụ báo cáo tại các cơ chế nhân quyền LHQ |
Khóa họp thường kỳ lần thứ 33 Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) Liên hợp quốc, diễn ra từ 13-30/9, đã bế mạc ngày 30/9 với việc thông qua 30 nghị quyết và 1 Tuyên bố Chủ tịch về báo cáo của Ủy ban Tư vấn thuộc Hội đồng Nhân quyền.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Dương Chí Dũng (thứ hai từ trái) phát biểu tại một buổi tọa đàm bên lề Khóa họp thứ 33 của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN |
Đây là kết quả của ba tuần làm việc liên tục với 42 phiên thảo luận chính thức và hàng trăm phiên thương lượng không chính thức.
Trong số các nghị quyết nêu trên, 21 nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận đề cập đến những vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm và đạt nhất trí cao như quyền y tế, quyền của người cao tuổi, quyền trẻ em và thiếu niên di cư, quyền của người bản địa, quyền văn hóa và bảo vệ di sản văn hóa, phòng ngừa tử vong khi sinh và tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi, các hình thức nô lệ mới, các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhà báo, vai trò của các biện pháp phòng ngừa, cơ quan nhân quyền quốc gia và chính quyền địa phương trong thúc đẩy và bảo đảm quyền con người...; hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật cho Sudan, Yemen, Cộng hòa Trung Phi; gia hạn nhiệm kỳ cho 5 thủ tục đặc biệt và cơ chế chuyên gia về người bản địa thuộc HĐNQ.
Có 9 nghị quyết phải thông qua bằng bỏ phiếu tập trung vào những vấn đề còn tranh cãi như bảo vệ nhân quyền trong chống khủng bố và chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực, công lý trong giai đoạn quá độ sau xung đột, giam giữ độc đoán, quyền nước sạch có yếu tố xuyên biên giới, quyền phát triển... hoặc về tình hình nhân quyền tại một nước cụ thể (Syria, Burundi).
Bên cạnh đó, HĐNQ cũng nhất trí thông qua việc bổ nhiệm mới các báo cáo viên đặc biệt về tra tấn, di cư nội địa, tình hình nhân quyền Iran, thành viên Nhóm làm việc về giam giữ độc đoán và Chuyên gia độc lập về bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tình dục và bản dạng giới.
Trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác và đối thoại nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đoàn Việt Nam đã tham gia đồng thuận 21 dự thảo nghị quyết và bỏ phiếu thuận các nghị quyết được các nước đang phát triển ủng hộ. Đối với một số nghị quyết do có nội dung gây tranh cãi (công lý trong giai đoạn quá độ sau xung đột) hoặc về tình hình nhân quyền tại Syria và Burundi, Việt Nam bỏ phiếu trắng phù hợp với lập trường nguyên tắc của ta là không ủng hộ việc thông qua nghị quyết về tình hình một nước mà không có sự đồng tình của nước liên quan, đồng thời phù hợp với lập trường của đa số các nước đang phát triển.
Khóa 33 là khóa họp cuối cùng trong năm 2016 của HĐNQ và cũng là khóa họp cuối cùng Việt Nam tham gia với tư cách thành viên. Trong suốt 3 năm, 2014-2016, Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động, tích cực, có trách nhiệm, có nhiều sáng kiến và đóng góp tích cực vào công việc của HĐNQ, cơ quan quan trọng nhất của LHQ về quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Việt Nam dự Hội nghị cấp cao Hội đồng Nhân quyền LHQ Ngày 3/3, tại Geneva, Thụy Sĩ, đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị cấp cao Khóa họp lần thứ 25 Hội đồng Nhân quyền ... |
Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua báo cáo UPR của Việt Nam Chiều ngày 07/2, phiên họp của Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva đã thông qua Báo ... |
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn về việc Việt Nam lần đầu tiên trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ Với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên ... |