Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 16/6 tại Thụy Sỹ. (Nguồn: TASS) |
Theo Tinh Đảo nhật báo, ngày 16/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên. Giới quan sát nhận định, trước thềm diễn ra Hội nghị, Nga liên tục có các động thái thách thức sự thống trị của đồng USD để gây áp lực cho ông Biden chấm dứt các biện pháp trừng phạt Nga.
Trong bối cảnh đồng USD đang suy yếu, mặc dù quy mô hành động của Nga đối với đồng USD không lớn, nhưng ý nghĩa biểu tượng lại không hề nhỏ.
“Nhược điểm lớn nhất của Mỹ”?
Đồng USD là công cụ đầy sức mạnh cho sự thống trị của Mỹ, nhưng đồng thời cũng là nhược điểm lớn nhất của Mỹ hiện nay. Những năm qua, quá trình phi USD hóa trên toàn cầu có xu hướng diễn biến nhanh, với các biện pháp của Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc rất đáng chú ý.
Vào đầu tháng 6 này, Quỹ tài sản quốc gia Nga cắt giảm 35% tài sản bằng đồng USD, tương đương 65 tỷ USD. Nga đồng thời tuyên bố nước này có thể không sử dụng đồng USD trong giao dịch dầu mỏ, và sẽ sử dụng các biện pháp kích thích để thúc đẩy chuyển đổi đồng tiền lưu thông trong nền kinh tế từ USD sang Euro.
Những năm gần đây, Nga đã lặng lẽ thực hiện chương trình phi USD hóa. 74% trao đổi thương mại với các nước châu Âu và châu Á chuyển sang sử dụng đồng nội tệ, quy mô đầu tư vào trái phiếu Mỹ cũng giảm đến 97% trong 10 năm qua.
Tin liên quan |
Cố khắc phục ‘điểm yếu chiến lược’, Trung Quốc vẫn khó thoát ‘lưới’ Australia |
Dự trữ ngoại hối bằng USD cũng giảm mạnh. Hiện nay, khi các tuyên bố của Nga nhấn mạnh phi USD hóa, chắc chắn nước này đã có sự cân nhắc chiến lược.
Sau khi lên cầm quyền, ông Joe Biden đã hai lần ban hành các biện pháp trừng phạt Nga, trong đó có việc cấm mua trái phiếu chính phủ Nga.
Đáp lại, trong "cuộc tấn công" vào đồng USD lần này, ông Putin đã chọn thời điểm phù hợp là khi đồng USD suy yếu để thúc đẩy Mỹ hủy bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Đồng USD đã mất giá 10% trong vòng 1 năm qua, nguyên nhân là Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã "bơm" 3.600 tỷ USD kể từ năm 2020, vượt tổng số tiền in ra trong 6 năm sau khủng hoảng tài chính 2008.
Thâm hụt ngân sách năm 2020 của Mỹ đạt quy mô lớn nhất lịch sử với 3.100 tỷ USD, và dự báo sẽ tiếp tục tăng lên mức cao mới trong năm nay, ước đạt hơn 3.400 tỷ USD. Việc Mỹ lạm dụng in tiền và lỗ hổng về thâm hụt ngân sách đã làm suy yếu lòng tin của cộng đồng quốc tế vào đồng USD.
Ông Putin đã nói rằng việc Mỹ sử dụng đồng USD làm công cụ đấu tranh kinh tế và chính trị khiến Nga không thể dùng USD để thanh toán cho các đối tác thương mại, buộc phải sử dụng các đồng tiền khác để giao dịch.
Tài sản bằng USD mà Quỹ tài sản quốc gia Nga bán tháo chỉ hơn 60 tỷ USD, một con số không đáng kể so với con số giao dịch hàng ngàn tỷ USD mỗi ngày trên thị trường tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tuyên bố bán tháo 1.100 tỷ USD trái phiếu Mỹ mà nước này đang nắm giữ, thì Mỹ sẽ khó lòng ngồi yên với "quả bom hạt nhân" được ném vào thị trường tài chính Mỹ và đồng USD.
Tuy nhiên, ý nghĩa biểu tượng từ hành động của Nga không hề nhỏ. Ông Putin tuyên bố với thế giới, đồng USD vừa là trụ cột cho quyền thống trị, nhưng cũng là nhược điểm lớn nhất của Mỹ, nếu đồng USD mất ưu thế trên toàn cầu thì có thể làm suy yếu quyền thống trị của Washington.
Giảm sự phụ thuộc vào USD
Đồng USD là công cụ tài chính quan trọng nhất toàn cầu, 95% hàng hóa chiến lược quốc tế được định giá bằng đồng USD; 86% thương mại quốc tế thanh toán bằng đồng USD; 80% giao dịch trên thị trường ngoại hối toàn cầu liên quan đến đồng USD; 60% dự trữ quốc tế là đồng USD; và 50% trái phiếu toàn cầu có mệnh giá là đồng USD.
Do đó, Mỹ có thể in tiền để hỗ trợ nền kinh tế, phát hành nợ để bù đắp thâm hụt ngân sách, đồng thời có thể sử dụng đồng USD để trừng phạt nước khác hoặc phát động một cuộc chiến tiền tệ.
Chính vì sức ảnh hưởng quá lớn của đồng USD, nên những năm gần đây, các nước đều có kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong dự trữ ngoại hối toàn cầu cuối năm 2020, đồng USD chiếm 59%, ghi nhận tốc độ suy giảm 1 điểm phần trăm mỗi năm nếu tính từ mức 66% vào năm 2014. Theo dự tính của các giới bên ngoài, đến năm 2030, tỷ lệ này có thể giảm xuống mức 50%.
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (11-17/6): Mỹ-EU 'tuyên chiến' với Covid-19; Thượng đỉnh G7 thêm 'nóng'; Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ |
Tháng 4 năm nay, Iran tuyên bố không sử dụng đồng USD trong giao dịch dầu mỏ với Trung Quốc, thay vào đó chuyển sang sử dụng đồng NDT.
Ngay cả đồng minh của Mỹ là EU cũng đã đưa ra hệ thống thanh toán châu Âu INSTEX trong những năm gần đây, mặc dù về hình thức là nhằm vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ và có thể duy trì trao đổi thương mại với Iran.
Nếu hệ thống thanh toán châu Âu phát triển, thì có thể thách thức hệ thống giao dịch của Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) do Mỹ kiểm soát, từ đó làm suy giảm đáng kể sức ảnh hưởng của đồng USD.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng mong muốn phi USD hóa. Chính quyền của ông Biden áp dụng cuộc chiến tiền tệ của cựu Tổng thống Donald Trump, đồng thời mở rộng danh sách cấm đầu tư vào các công ty Trung Quốc để ngăn chặn hoạt động huy động vốn của các công ty Trung Quốc.
Chìa khóa để phi USD của Bắc Kinh là mở rộng quốc tế hóa đồng NDT và số hóa đồng NDT, đồng thời sử dụng Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) để thúc đẩy thanh toán bằng NDT trong thương mại.
Theo các nhà quan sát, những hành động của Trung Quốc có thể gây ra ảnh hưởng dài hạn đối với đồng USD. Trong cuộc chiến tiền tệ, phi USD hóa là một chiến dịch quan trọng và có tác động mang tính quyết định đối với quyền thống trị của Mỹ.