Thủ tướng gửi thông điệp tham gia phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc. |
Hành trình vì khát vọng nhân loại
Sự ra đời của LHQ năm 1945 phản ánh khát vọng chung của nhân dân các nước về một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển sau những nỗi kinh hoàng của Chiến tranh thế giới thứ II. Hơn bảy thập kỷ tồn tại và phát triển, LHQ đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, còn khiếm khuyết nhưng thành tựu của LHQ là nổi bật. LHQ ngày càng chứng tỏ là một tổ chức không thể thiếu trong nền chính trị thế giới. Sự lớn mạnh của LHQ chính là nhờ ở mục tiêu đúng đắn của tổ chức phù hợp với nguyện vọng hòa bình, độc lập, phát triển và tiến bộ xã hội của các dân tộc.
Cụ thể, trong lĩnh vực hòa bình và an ninh quốc tế, đóng góp lớn nhất của LHQ trong 75 năm qua là đã góp phần ngăn chặn không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới, hỗ trợ giải quyết nhiều cuộc xung đột và tranh chấp quốc tế mà minh chứng rõ nét là LHQ đã triển khai 71 Phái bộ gìn giữ hòa bình để giúp chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, hỗ trợ công cuộc tái thiết ở nhiều quốc gia thành viên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thông điệp đến Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 75 Đại hội đồng LHQ vào ngày 24/9. “Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tham gia gửi thông điệp đến Đại hội đồng LHQ, thể hiện thông điệp ở cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước ta về chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam”, theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. |
Trong lĩnh vực phát triển, LHQ với hệ thống các chương trình, quỹ trực thuộc, các tổ chức chuyên môn và các tổ chức liên chính phủ gắn với LHQ đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nâng cao đời sống của người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho những tiến bộ về kinh tế và xã hội trên toàn thế giới.
Trong lĩnh vực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, thông qua các nỗ lực của LHQ, các quốc gia đã xây dựng và ký kết nhiều điều ước quốc tế quan trọng nhằm xây dựng một thế giới an toàn hơn và công bằng hơn cho tất cả mọi người.
Trong lĩnh vực tăng cường luật pháp quốc tế, LHQ đã có những đóng góp to lớn trong việc pháp điển hóa và phát triển luật pháp quốc tế, đưa ra khuyến nghị định hướng cho các chủ đề của luật pháp quốc tế và xây dựng chuẩn mực cho các lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã so sánh LHQ như một “trung tâm điều phối hành động chung của các quốc gia” và những thành quả to lớn về hòa bình và an ninh quốc tế sẽ không thể có được nếu không có LHQ, không dựa trên những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ.
Chủ nghĩa đa phương - chìa khóa vượt gian khó
Tuần lễ cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng LHQ diễn ra vào thời điểm rất đặc biệt, khi niềm tự hào về sự lớn mạnh của LHQ trong 75 năm năm qua đan xen với nỗi lo lắng về bất ổn, dịch bệnh đang lan rộng trên hành tinh. Thế giới đang đứng trước những thách thức chưa từng có tiền lệ. Đại dịch Covid-19, cùng với bất ổn, xung đột, cạnh tranh nước lớn, chính trị cường quyền, biến đổi khí hậu… đang đe doạ nền hoà bình và phát triển bền vững của các dân tộc.
Với thông điệp “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh sự cần thiết của đoàn kết, hợp tác, tăng cường chủ nghĩa đa phương với trung tâm là LHQ, nghiêm túc tuân thủ Hiến chương và luật pháp quốc tế, triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia; đặt con người ở trung tâm của mọi nỗ lực phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau.
Ngày 1/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ gửi thông điệp đến Phiên Cấp cao kỷ niệm 25 năm Hội nghị Thế giới về Phụ nữ lần thứ IV. Ngày 2/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ gửi thông điệp đến Phiên Cấp cao kỷ niệm Ngày Quốc tế và Loại bỏ hoàn toàn Vũ khí hạt nhân. |
Tinh thần đa phương ấy cũng được Đại hội đồng LHQ nêu bật trong khuôn khổ các phiên họp lần này. Tại Phiên kỷ niệm cấp cao 75 năm thành lập LHQ, Đại hội đồng LHQ đã ra tuyên bố nêu rõ đại dịch Covid-19 không chỉ gây nên sự chết chóc, với gần 1 triệu ca tử vong trong số 31,4 triệu ca mắc bệnh, mà còn khiến cả thế giới rơi vào suy thoái kinh tế, gia tăng tình trạng đói nghèo, bất an và không có ai không bị ảnh hưởng.
Tuyên bố nhấn mạnh các thách thức của thế giới đều liên quan mật thiết với nhau và chỉ có thể được giải quyết thông qua hệ thống đa phương mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới xây dựng một thế giới công bằng và bền vững hơn. Với chủ đề “Tương lai chúng ta muốn, LHQ chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương”, phiên họp khẳng định sự cần thiết của hợp tác quốc tế, với vai trò điều phối trung tâm của LHQ, để vượt qua những thách thức chưa từng có tiền lệ như hiện nay.
Một tinh thần, một quyết tâm Việt Nam
Khóa họp Đại hội đồng năm nay đánh dấu 43 năm Việt Nam chính thức trở thành thành viên LHQ (20/9/1977) nhằm thực hiện đường lối ngoại giao đa phương, đóng góp tích cực, thực chất vào các hoạt động của cộng đồng quốc tế, đồng thời Việt Nam cũng đang trong nhiệm kỳ thứ hai đảm đương cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
“Trải qua nhiều thập kỷ đấu tranh vì chân lý ‘không có gì quý hơn độc lập tự do’ và 35 năm thực hiện tiến trình Đổi mới, lấy người dân làm trung tâm, ngày nay Việt Nam đang tự tin phát triển năng động, tái cơ cấu sâu rộng nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, tham gia có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn đa phương, nhất là LHQ, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong thông điệp gửi tới Đại hội đồng.
Lần thứ hai đảm đương cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam luôn nêu cao tinh thần hợp tác đa phương trong ứng phó với các thách thức chung toàn cầu. Biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên mà Việt Nam thúc đẩy. Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy Hội đồng Bảo an có thông điệp chính trị mạnh mẽ, thống nhất về vấn đề biến đổi khí hậu, trong đó có việc tham gia đồng chủ trì cuộc họp không chính thức về khí hậu và các nguy cơ an ninh ngày 22/4, cũng như cuộc thảo luận mở của Hội đồng Bảo an về biến đổi khí hậu và an ninh ngày 24/7.
Trong các phiên thảo luận, và trong quá trình thương lượng văn kiện, Việt Nam đã chủ động tham gia và đóng góp các nội dung thuộc quan tâm, lợi ích của các nước đang phát triển, các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu như kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước này...
Việt Nam đã tham gia đóng góp vào công việc chung của Hội đồng Bảo an trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ lập trường ủng hộ tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình.
Hơn thế nữa, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ tháng 1/2020, Việt Nam đã hoàn thành tốt các công việc điều hành, chủ trì hoạt động và đại diện cho HĐBA trong quan hệ với các nước, các cơ quan LHQ, các tổ chức khu vực, quốc tế và báo giới. Bên cạnh đó, là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam chủ động đẩy mạnh hợp tác của ASEAN với các nước và tổ chức quốc tế, đặc biệt là LHQ nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch, trên tinh thần coi công tác phòng chống đại dịch toàn cầu là một cơ hội để tăng cường hợp tác quốc tế và sự thống nhất trong hệ thống LHQ.
Thể hiện tinh thần quyết tâm của Việt Nam, trong thông điệp gửi tới Đại hội đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức mình hoàn thành tốt nhất trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
"Nhân dân Việt Nam quyết tâm cùng tất cả các dân tộc trên thế giới gìn giữ hoà bình, thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững SDG 2030 và lá cờ Việt Nam sẽ tung bay tại thêm nhiều Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trên toàn cầu. Tôi tin rằng với quyết tâm cao và nỗ lực mạnh mẽ chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng thế giới hòa bình và tương lai tươi sáng cho hôm nay và mai sau". (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) |