Tham dự có đại diện của các quốc gia thành viên, các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ.
Tại cuộc họp, các nước chia sẻ thực trạng già hóa dân số đang diễn ra ngày càng nhanh chóng trên toàn cầu tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia, nhấn mạnh những thách thức đặt ra đối với người cao tuổi như tình trạng bất bình đẳng, bạo lực, lạm dụng, bị bỏ rơi cũng như những khó khăn về y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, an sinh xã hội.
Một cuộc họp của Liên hợp quốc. (Nguồn: UN) |
Các nước cũng chia sẻ những nỗ lực quốc gia trong việc bảo đảm quyền của người cao tuổi thông qua việc xây dựng và triển khai luật, chính sách, chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi.
Nhiều nước nhấn mạnh sự cần thiết phải có một văn kiện quốc tế về thúc đẩy, bảo vệ quyền của người cao tuổi, hoan nghênh các nước Mỹ Latinh thông qua Công ước liên Mỹ về bảo vệ quyền của người cao tuổi năm 2015 - văn kiện đầu tiên ở cấp khu vực về vấn đề này.
Thay mặt đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp, bà Phạm Thị Kim Anh, Đại sứ, Phó Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã có bài phát biểu, nêu bật các thành tựu của Việt Nam trong việc chăm sóc và tăng cường vai trò của người cao tuổi, trong đó có việc kỷ niệm Ngày Người Cao tuổi vào ngày 6/6 hàng năm, lấy tháng 10 hàng năm là tháng hành động vì người cao tuổi với nhiều hoạt động thiết thực như khám, tư vấn sức khỏe và cung cấp thuốc miễn phí, tặng quà, xây nhà từ thiện...
Chia sẻ tại Hội nghị, Đại sứ Phạm Thị Kim Anh nhấn mạnh Việt Nam hiện có hơn 1.2 triệu người cao tuổi tham gia hệ thống chính trị, trong đó nhiều người được bầu vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp; và hơn 2.5 triệu người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh doanh, sản xuất, dịch vụ, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, Đại sứ khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia và đóng góp vào việc thúc đẩy, bảo vệ quyền của người cao tuổi cả ở cấp khu vực và toàn cầu.