Ngày 26/9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Bắc Kinh đã diễn ra phiên khai mạc Kỳ họp Đại hội đồng Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) lần thứ 86 với sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao đại diện lực lượng cảnh sát và thực thi pháp luật của 158 quốc gia và khu vực.
Sau phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ và Tổng Thư ký Interpol Jurgen Stock, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu chào mừng Hội nghị.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an. |
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc tăng cường hợp tác toàn cầu của lực lượng cảnh sát các nước thông qua kênh hợp tác Interpol, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều phức tạp, liên tiếp xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn về an ninh, an toàn đối với tất cả các quốc gia và khu vực.
Bắt đầu từ năm 2015, cùng với sáng kiến đổi mới tổ chức “Chương trình Interpol 2020”, Ban lãnh đạo Interpol xác định các lĩnh vực ưu tiên gồm chống khủng bố, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức và các loại tội phạm đang nổi lên (như tội phạm mua bán người, tội phạm ma túy...).
Interpol cũng đưa ra 8 mục tiêu hành động chính gồm: Hỗ trợ xây dựng năng lực cho cảnh sát các nước; Tăng cường hiệu quả của Trung tâm chỉ huy tại Ban thư ký; Tăng cường vai trò điều phối hoạt động giữa các nước thành viên Interpol; Đẩy mạnh hỗ trợ cảnh sát các nước thành viên trong điều tra các loại tội phạm; Tăng cường hiệu quả công tác truy bắt các đối tượng truy nã quốc tế; Phát triển các chương trình, chiến dịch phòng, chống tội phạm; Tăng cường hiệu quả công tác phân tích thông tin tội phạm; và Tăng cường hỗ trợ giám định hình sự, hỗ trợ xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu cảnh sát.
Tại kỳ họp lần thứ 86, Đại hội đồng Interpol đã dành trọn ngày làm việc đầu tiên để đánh giá bức tranh toàn cảnh của an ninh thế giới và thảo luận các quan điểm, ý tưởng mới cho mục tiêu an ninh toàn cầu nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát với các đối tác trong lĩnh vực tư nhân về vấn đề an ninh, đặc biệt trong kết nối dữ liệu cảnh sát.
Các quốc gia thành viên Interpol cũng đi sâu vào phân tích những thách thức và khó khăn do các loại tội phạm và khủng bố, tội phạm mạng, tội phạm có tổ chức và đang nổi lên đặt ra trên thế giới, từ đó đề ra giải pháp đấu tranh hiệu quả.
Đại hội đồng cũng trao đổi thống nhất về kế hoạch tài chính của Interpol từ nay đến năm 2020 theo hướng công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và cân bằng về ngân sách. Cùng với đó, Đại hội đồng đã tổng kết đánh giá kết quả hợp tác phòng, chống các loại tội phạm nguy hiểm và việc thực hiện các mục tiêu ưu tiên trong năm 2017, thảo luận và đề ra phương hướng hoạt động trong năm 2018.
Trong ba ngày diễn ra Kỳ họp, Đại hội đồng sẽ xem xét đơn xin gia nhập tổ chức của 3 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm Quốc đảo Solomon, Palestine và Kosovo. Các đại biểu tham dự kỳ họp sẽ cùng nhau thảo luận và thông qua 19 Nghị quyết về các vấn đề hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia qua kênh Interpol. Bên cạnh đó, Đại hội đồng sẽ tiến hành bầu 1 Phó Chủ tịch và 4 Ủy viên Ban lãnh đạo thường trực hết nhiệm kỳ trong năm 2017.
Bên lề kỳ họp, Đoàn đại biểu Việt Nam sẽ có các cuộc tiếp xúc làm việc với Tổng thư ký và Chủ tịch Interpol cũng như đại diện các quốc gia thành viên khác nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác tốt đẹp giữa hai bên, tranh thủ sự ủng hộ của Interpol và phối hợp của các nước đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của Việt Nam.