📞

Việt Nam-Đức trao đổi biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong sử dụng nguồn vốn ODA

Bảo Chi 21:16 | 21/02/2022
Ngày 21/2, tại trụ sở Bộ, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh đã chủ trì cuộc trao đổi giữa các cơ quan Việt Nam và Đức về những biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc sử dụng nguồn vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) của Đức.
Toàn cảnh cuộc trao đổi giữa các cơ quan Việt Nam-Đức về biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong sử dụng ODA của Đức. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tham gia cuộc họp về phía Việt Nam còn có ông Bùi Đình Viên, hàm Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao.

Về phía Đức có ông Sebastian Paust, Tham tán phụ trách Hợp tác phát triển Đại sứ quán Đức tại Hà Nội; bà Regina Ecker, Giám đốc Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ); bà Anette Haller, Giám đốc Văn phòng Hà Nội của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). GIY và KfW là những cơ quan được Chính phủ Đức ủy quyền thực hiện các dự án hợp tác phát triển với các nước, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh trân trọng cảm ơn và đánh giá cao nguồn vốn ODA mà Đức hỗ trợ cho Việt Nam trong nhiều năm qua, góp phần quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Thứ trưởng khẳng định, phía Việt Nam sẵn sàng lắng nghe các ý kiến chia sẻ của phía Đức và mong muốn qua cuộc họp, hai bên sẽ trao đổi thẳng thắn và tìm ra các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA của Đức tại Việt Nam.

Đại diện phía Đức khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức trong lĩnh vực hợp tác phát triển. Sau hơn 30 năm hợp tác, Đức đã cung cấp trên 2 tỷ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức cho Việt Nam.

Trên cơ sở đánh giá Việt Nam là nước sử dụng hiệu quả ODA của Đức, từ năm 2020, trong chiến lược hợp tác phát triển mới của mình, Đức đã xác định Việt Nam là đối tác toàn cầu và chủ trương tăng cường hợp tác hai nước trong các lĩnh vực ưu tiên như: năng lượng, bảo vệ môi trường và đào tạo nghề.

Trong thời gian tới, Chính phủ Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết được đưa ra tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) và giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án hợp tác với các đối tác Việt Nam, phía Đức ghi nhận còn tồn tại một số khó khăn và vướng mắc như: thời gian phê duyệt dự án bị kéo dài, quy định về tỷ lệ vay lại, phân cấp thẩm quyền điều chỉnh dự án còn bất cập…; đồng thời cho rằng những vấn đề này cần được Việt Nam cải thiện hơn nữa để có thể tận dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng ODA của Đức nói riêng và của nước ngoài nói chung.

Đại diện các cơ quan hữu quan Việt Nam khẳng định, Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã nỗ lực cải thiện các khuôn khổ pháp lý như: ban hành Nghị định 114/ 2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 về quản lý và sử dụng vỗn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, Nghị định 79/2021/NĐ-CP ngày 16/8/2021 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và Quốc hội đã ban hành Luật số 03/ 2022/QH-15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự... nhằm đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh quy trình tiếp nhận, phê duyệt, giải ngân, phân cấp, phân quyền trong việc thực hiện các dự án ODA.

Phía Việt Nam ghi nhận các khuyến nghị, đề xuất cụ thể của các cơ quan Đức để tổng hợp, báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ.