📞

Việt Nam - Hà Lan: Cùng nhau đi tới tương lai phát triển sâu rộng, toàn diện

09:05 | 29/03/2018
Nhân dịp Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân lần đầu tiên thăm chính thức Hà Lan (26-29/3) và kỷ niệm 45 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan (9/4/1973 - 9/4/2018), Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Nienke Trooster đã có buổi trò chuyện với báo TG&VN về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân tới Hà Lan có ý nghĩa như thế nào, thưa Đại sứ?

Chúng tôi rất vui mừng được chào đón Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, một trong bốn lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam tới thăm đất nước chúng tôi. Việc bà quyết định dành thêm thời gian để sang thăm chính thức Hà Lan ngay sau khi kết thúc Đại hội đồng liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 138 (IPU-138) là điều mà phía Hà Lan rất trân trọng.

Đây là lần đầu tiên Chủ tịch QH Ngân tới Hà Lan. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong bối cảnh năm 2018, Việt Nam và Hà Lan kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao; đồng thời, là dấu mốc mới trong việc tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Hà Lan. Chương trình làm việc của đoàn Chủ tịch QH lần này do Nghị viện Hà Lan thu xếp và Nghị viện Hà Lan là cơ quan độc lập hoàn toàn với chính phủ, tuy nhiên tôi rất hy vọng bà có dịp đi thăm và hiểu tường tận hơn về những thế mạnh mà Hà Lan có thể hỗ trợ Việt Nam, qua đó, Quốc hội sẽ có thêm cơ sở để đưa ra các quyết sách cụ thể.  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Hoàng hậu Hà Lan Maxima.

Cá nhân tôi cũng như toàn thể Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam đều mong chờ sau chuyến thăm này, hai bên sẽ đạt được những kết quả đặc sắc nhất nhằm duy trì và đẩy mạnh hơn nữa những giá trị tốt đẹp của quan hệ ngoại giao song phương và tiến dần tới thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, tạo dấu mốc mới cho quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước.

Quan hệ Việt Nam - Hà Lan trong thời gian qua có điểm gì nổi bật? Những kỳ vọng của bà về mối quan hệ này trong tương lai?

Khó có thể chọn riêng ra lĩnh vực nào là nổi bật nhất trong những kết quả tuyệt vời mà hai nước đã đạt được trong suốt 45 năm qua bởi hợp tác giữa hai nước đã phát triển khá toàn diện và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại và đầu tư, văn hóa, giáo dục...

Như bạn biết, Hà Lan là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên đầu tư vào Việt Nam và nguồn đầu tư luôn được đẩy mạnh. Hiện nay, đầu tư của Hà Lan đứng thứ 10/126 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 8,17 tỷ USD, đứng thứ nhất trong đầu tư từ các nước EU.

Hợp tác thương mại hai bên cũng phát triển mạnh mẽ. Hà Lan hiện đang là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam tại EU. Tính đến hết năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt hơn 7,77 tỷ USD và đang không ngừng tăng lên trong năm 2018.

Trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Hà Lan đã giúp Việt Nam xây dựng Bản Kế hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long - tài liệu quan trọng phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.

Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam (trái) trả lời phỏng vấn báo Thế Giới & Việt Nam. (Ảnh: Đào Quang)

Trong chuyến thăm chính thức Hà Lan (26-29/3), Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã có nhiều hoạt động quan trọng: hội đàm với Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Hà Lan. Phía bạn đánh giá cao sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và những thành công trong việc tổ chức IPU-132 và các sự kiện liên quan. Hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề và nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa hai nước và hai QH trên các lĩnh vực cụ thể. 

Chủ tịch QH cũng tiếp Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan, thăm Viện Deltares, tiếp Giám đốc Cảng quốc tế Rotterdam, gặp gỡ cán bộ Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan…

Phía Hà Lan cũng đang hợp tác rất chặt chẽ với tỉnh Bình Dương nhằm xây dựng “thành phố thông minh” lấy cảm hứng từ mô hình Eindhoven - thành phố được cộng đồng quốc tế công nhận là một trong những thành phố thông minh nhất thế giới. Hà Lan mong sẽ hợp tác với nhiều tỉnh và thành phố khác của Việt Nam hơn nữa để tiếp tục xây dựng những thành phố thông minh như thế này.

Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào tương lai, nhất là khi hai nước đang tiến dần tới việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp được ký kết. Theo tôi, mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam và Hà Lan cần phải được thắt chặt và đẩy mạnh hơn nữa, kể cả trong những lĩnh vực hợp tác mà hai nước đã và đang đạt được nhiều thành tựu. Dù vẫn còn nhiều thách thức, tôi tin chắc rằng Việt Nam và Hà Lan sẽ luôn coi trọng quan hệ hợp tác đặc biệt này để cùng nhau đi tới một tương lai phát triển sâu rộng và toàn diện.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực trong năm nay. Theo Đại sứ, để tận dụng hiệu quả Hiệp định, Hà Lan và Việt Nam đã có những kế hoạch gì để khai thác những lợi ích mà EVFTA mang lại?

Điều quan trọng nhất là cả ở phía Việt Nam và Hà Lan, các doanh nghiệp và những bên liên quan cần nắm rõ được thông tin về EVFTA.

Về phía Hà Lan, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hội thảo để cung cấp thông tin và giải thích rõ ràng về EVFTA cũng như những cơ hội mới mà nó đem lại cho doanh nghiệp khi họ thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Tháng Hai vừa qua, Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan Sigrid Kaag cùng đoàn doanh nghiệp Hà Lan đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Họ đã cùng văn phòng EuroCham tại Việt Nam bàn về EVFTA và dự một hội thảo với chủ đề làm thế nào để Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp nước ngoài.

Để EVFTA thực sự là cánh cửa mở ra tương lai tươi sáng hơn cho kinh tế Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần phải phối hợp chặt chẽ với EU để xây dựng kế hoạch tỉ mỉ về tất cả những lĩnh vực mà hai bên cho là quan trọng, nhằm chuẩn bị thật kỹ càng khi EVFTA chính thức đi vào hoạt động.

2018 là năm đặc biệt - kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hà Lan - Việt Nam. Đại sứ có thể chia sẻ một số hoạt động quan trọng sẽ được tổ chức trong năm nay?

Một trong những hoạt động mà tôi mong chờ nhất là Triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới sẽ được World Press Photo tổ chức tại Hà Nội vào tháng Sáu. Đại sứ quán Hà Lan sẽ chi trả mọi chi phí để mang triển lãm đến Việt Nam. Đây là nơi những bức ảnh của các phóng viên trên khắp thế giới được trưng bày và tôn vinh như nghệ thuật. Chúng tôi cũng có kế hoạch tổ chức những ngày hội văn hóa có tên “Ngày Hà Lan” tại Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ và Hải Phòng với hy vọng sẽ mang những nét đẹp văn hóa , đất nước, con người Hà Lan đến với người dân Việt Nam.

Được biết, đây là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của bà trong vai trò Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam?

Tôi sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình vào mùa hè năm nay. Chỉ nghĩ tới việc phải rời khỏi Việt Nam lại khiến tôi xúc động. Tôi sẽ cố gắng làm việc hết sức để duy trì sự hợp tác vốn đã khăng khít giữa hai quốc gia cho tới tận ngày cuối cùng của nhiệm kỳ.

Thời gian tới, Hà Lan và Việt Nam cần phải sát cánh và hợp tác sâu sắc hơn nữa để tiếp tục thực hiện những nội dung thảo luận trong chuyến thăm của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tới Hà Lan và của Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan Sigrid Kaag tới Việt Nam hồi tháng Hai vừa qua.

Tôi biết rằng người kế nhiệm tôi đang rất háo hức được tới Việt Nam sống và làm việc. Tôi cũng có niềm tin mãnh liệt rằng, Đại sứ quán Hà Lan sẽ được tiếp tục lãnh đạo bởi một Đại sứ đầy tài năng và tâm huyết.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Ngày 26/3, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội (QH) Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp các hoạt động tham dự Đại hội đồng IPU – 138 tại Geneva, Thụy Sỹ.

Tại IPU-138, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã làm việc với Chủ tịch IPU và tham dự các Phiên họp của Hội đồng Điều hành IPU; dự và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên họp toàn thể của Đại hội đồng về chủ đề “Giải pháp chính sách nhằm tăng cường cơ chế toàn cầu về người di cư và tị nạn”, nêu quan điểm của Việt Nam về vấn đề này và kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường cơ chế toàn cầu về vấn đề người di cư.

Chủ tịch QH cam kết, QH Việt Nam sẽ luôn là thành viên có trách nhiệm, sẵn sàng cùng IPU và Nghị viện các nước thực hiện các nghị quyết, sáng kiến của IPU góp phần xây dựng hòa bình và phát triển bền vững vì lợi ích của nhân dân các nước trên thế giới. Phát biểu của Chủ tịch QH đã nhận được sự chia sẻ và đánh giá cao của lãnh đạo nghị viện, các trưởng đoàn nghị viện các nước thành viên tham dự Đại hội đồng IPU – 138.

Bên lề IPU-138, Chủ tịch QH đã có các cuộc gặp với Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU, Chủ tịch Hạ viện Indonesia, Chủ tịch QH Bulgaria, Chủ tịch QH Sri Lanka. Tại các cuộc gặp, các nhà lãnh đạo IPU, lãnh đạo nghị viện Indonesia, Bulgaria, Sri Lanka đều bày tỏ mong muốn được tăng cường quan hệ hợp tác chặt chẽ với QH Việt Nam, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tại Geneva, Chủ tịch QH cũng đã tới thăm và làm việc với Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sỹ.

(thực hiện)