Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phát biểu trong họp báo tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc lên Đối tác chiến lược toàn diện. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22-24/6 theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Xây dựng lòng tin và đan xen lợi ích
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên ông đến thăm sau khi nhậm chức vào tháng 5/2022.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022 và có nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992-22/12/2022). Điều này cho thấy sự coi trọng Việt Nam trong tổng thể chính sách đối ngoại của Hàn Quốc và tính chất đặc biệt của mối quan hệ song phương.
Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh, chuyến thăm trước hết mang ý nghĩa đóng góp cho quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc, vốn được xây dựng trên hai nền tảng đặc biệt là lòng tin và lợi ích đan xen.
Về xây dựng lòng tin, các chuyến thăm, trao đổi cấp cao luôn là biện pháp hiệu quả để tăng cường lòng tin, trước hết là qua sự quen biết ở tầm cá nhân lãnh đạo cấp cao. Từ khi Tổng thống Yoon Suk Yeol lên cầm quyền hơn một năm nay, các cuộc điện đàm và gặp gỡ giữa lãnh đạo hai nước diễn ra dày đặc. Việc Tổng thống Yoon Suk Yeol thăm Việt Nam là minh chứng sinh động cho sự coi trọng đặc biệt của Chính phủ Hàn Quốc và cá nhân ông đối với quan hệ hai nước.
Sự kiện tạo thêm dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, từ đó mở ra các cuộc trao đổi/thăm viếng thường xuyên hơn giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân hai bên.
Về đan xen lợi ích, chuyến thăm và các kết quả cụ thể đạt được (các biên bản ghi nhớ hợp tác-MoU, hiệp định, hợp đồng, chương trình hành động...) thể hiện tầm cao mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam thực hiện các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng, trong đó có mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Về đối ngoại, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; thúc đẩy quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là với các đối tác chiến lược, trong đó có Hàn Quốc.
Theo Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng, việc đón đoàn Tổng thống Yoon Suk Yeol cho thấy Việt Nam coi trọng cao độ ý nghĩa đặc biệt của hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc nói chung và tầm quan trọng của mối quan hệ này trong tổng thể chiến lược phát triển đất nước nói chung và chính sách đối ngoại của Việt Nam nói riêng.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đạt nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua nói chung và nhiều thành quả về phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19 nói riêng. Hàn Quốc trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Về đối ngoại, Hàn Quốc thúc đẩy nhiều chính sách quan trọng, nổi bật là tầm nhìn chính sách quốc gia trọng điểm toàn cầu (GPS), Chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, Sáng kiến đoàn kết ASEAN-Hàn Quốc. Đồng thời, Hàn Quốc đăng ký ứng cử vào các vị trí quan trọng trong các cơ chế đa phương như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tòa án Luật biển quốc tế...
Do đó, việc Việt Nam đón Tổng thống Hàn Quốc thăm cấp Nhà nước cũng là thông điệp ủng hộ, tin tưởng Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc thực hiện thành công các chính sách và mục tiêu phát triển trong tương lai, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng, ổn định của khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh vận động địa chính trị, địa kinh tế rất phức tạp, khó lường gần đây, Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng đánh giá sự kiện này càng làm nổi bật tầm quan trọng của hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc trên các lĩnh vực:
Một là, hợp tác giữa các nước vừa và nhỏ trong việc thượng tôn pháp luật quốc tế, giữ ổn định trật tự dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đây là những cơ sở quan trọng để bảo vệ quyền lợi của các nước vừa và nhỏ cũng như để các nước này đóng góp vào việc củng cố hòa bình, ổn định và hợp tác quốc tế trong bối cảnh hiện nay.
Hai là, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xây dựng và củng cố cơ chế an ninh khu vực cũng như hòa bình, thịnh vượng khu vực dựa trên sự chủ động và tích cực ngày càng cao của Việt Nam trong ASEAN, vai trò Việt Nam điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc trong hai năm tới và chính sách ngày càng ưu tiên hợp tác với ASEAN của Hàn Quốc thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sáng kiến đoàn kết ASEAN (KASI) mà chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol vừa thông qua.
Ba là, sự tham gia của các bên thứ ba vào hợp tác song phương trong các vấn đề thuộc lợi ích chung như Biển Đông, hòa bình ổn định, hợp tác trên bán đảo Triều Tiên, tiểu vùng Mekong, xây dựng chuỗi cung ứng ổn định, chống biến đổi khí hậu...
Như vậy, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol không những thể hiện tính chất đặc biệt của mối quan hệ và tạo ra xung lực mới mà còn góp phần mở rộng không gian hợp tác cho quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc ra tầm khu vực và quốc tế.
Việt Nam và Hàn Quốc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Quyết tâm từ cả hai phía
Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Hàn Quốc là sự kiện nối tiếp chuỗi trao đổi đoàn các cấp giữa hai nước sau khi nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện. Điều này phản ánh nỗ lực đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đi vào thực chất từ cả hai bên.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo thăm chính thức Việt Nam (12-18/1); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế tài chính Choo Kyung Ho thăm Việt Nam (10/3); Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang thăm Hàn Quốc (26-29/3); Bộ trưởng Công an Tô Lâm thăm Hàn Quốc (5-9/4); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thăm Hàn Quốc (18-23/3)...
Đáng chú ý, theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, một phái đoàn gồm 205 doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống Yoon Suk Yeol trong chuyến thăm Việt Nam. Đây là phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất kể từ khi chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol ra mắt. Các công ty, doanh nghiệp tháp tùng thuộc rất nhiều lĩnh vực như phân phối, tài chính, luật, y tế, công nghệ thông tin và các lĩnh vực dịch vụ, văn hóa…
Điểm nhấn kinh tế của chuyến thăm tạo ra kỳ vọng về những phát triển mới trong hợp tác song phương. Dự kiến, hai bên thảo luận về các hành động khắc phục khó khăn trong giai đoạn trước mắt để phục hồi hoạt động thương mại, đầu tư và đón đầu làn sóng phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2023, nhất là các lĩnh vực tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, lao động, du lịch...
Chuyến thăm là bước cụ thể hóa tám lĩnh vực hợp tác mà Bản Tuyên bố chung đưa ra khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời thể hiện quyết tâm của lãnh đạo hai nước thúc đẩy quan hệ lên một tầm cao mới trên nền tảng thành tựu to lớn của 30 năm quan hệ song phương.
Trên cơ sở triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao mà hai nước đạt được trong chuyến thăm này, tin tưởng rằng quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển, đúng chất toàn diện và chất chiến lược trong thời gian tới, như nguyện vọng mà Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gửi gắm trong thư mời Tổng thống Yoon Suk Yeol: “Tôi mong muốn cùng Ngài Tổng thống trao đổi các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ, thực chất và toàn diện hơn nữa trong thời gian tới".