Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức thảo luận mở về hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. |
Tham dự và phát biểu tại cuộc họp có Phó Tổng Thư ký (TTK) LHQ về Hoạt động gìn giữ hòa bình Jean Pierre-Lacroix, Phó TTK LHQ về Hoạt động hỗ trợ Atul Khare và Phó TTK LHQ về An toàn và an ninh Gilles Michaud.
Các Phó TTK LHQ cho biết, các phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ hiện đang hoạt động trong môi trường phức tạp, cùng với dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, đặt ra nhiều thách thức và nguy cơ đối với nhân viên gìn giữ hòa bình, với con số thiệt mạng và thương vong ở mức cao hằng năm, ảnh hưởng đến việc thực hiện sứ mệnh chung của phái bộ.
Trong bối cảnh đó, Ban Thư ký LHQ đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải thiện an toàn và an ninh cho nhân viên gìn giữ hòa bình, như tăng cường xây dựng năng lực, bảo vệ căn cứ, thu thập thông tin, nâng cao khả năng nắm bắt tình hình, đào tạo quản lý khủng hoảng, năng lực và cơ sở chăm sóc y tế, sơ cứu, sử dụng công nghệ, chống thiết bị nổ tự chế, ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19…
Bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đã đạt được, các Phó TTK LHQ cho rằng, còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết, đồng thời khẳng định Ban Thư ký LHQ sẽ tiếp tục thúc đẩy các biện pháp bảo đảm, củng cố an toàn và an ninh của nhân viên gìn giữ hòa bình.
Các nước thành viên HĐBA LHQ ghi nhận ý nghĩa của vấn đề an toàn và an ninh cho nhân viên gìn giữ hòa bình, hoan nghênh sáng kiến Hành động vì gìn giữ hòa bình (A4P) của TTK LHQ, các nghị quyết liên quan của LHQ trong đó có Nghị quyết 2518 (2020) của HĐBA LHQ, báo cáo của Ủy ban đặc biệt về hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ (C34) trực thuộc Đại hội đồng LHQ, việc thành lập Nhóm bạn bè về an toàn và an ninh của nhân viên gìn giữ hòa bình.
Các nước cũng nhận định cần đẩy mạnh nỗ lực chung để ngăn ngừa các rủi ro đối với nhân viên gìn giữ hòa bình và chia sẻ quan điểm về các biện pháp nhằm tăng cường an toàn và an ninh cho nhân viên gìn giữ hòa bình.
Các biện pháp gồm: Nâng khả năng nắm bắt tình hình, thúc đẩy đào tạo, sử dụng công nghệ, bảo đảm thiết bị, nguồn lực, y tế, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa LHQ và nước nhận quân, hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, xác định rõ ràng nhiệm vụ của các phái bộ, tôn trọng thỏa thuận về lực lượng giữa LHQ và nước nhận quân.
Nhiều nước cũng nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết tăng cường sự tham gia của nữ nhân viên gìn giữ hòa bình nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của phái bộ và nâng cao an toàn, an ninh nhân viên gìn giữ hòa bình
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ phát biểu tại cuộc họp. |
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, nhận định, nhân viên gìn giữ hòa bình LHQ đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc giúp giảm leo thang và chấm dứt xung đột, triển khai các thỏa thuận ngừng bắn, thỏa thuận chính trị, bảo vệ dân thường cũng như tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo, qua đó bảo đảm việc thực hiện sứ mệnh của phái bộ và trách nhiệm của HĐBA trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Tuy nhiên, nhân viên gìn giữ hòa bình hiện phải đối mặt với nhiều hiểm nguy trước các cuộc tấn công, tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ.
Đại sứ Đặng Đình Quý lên án các cuộc tấn công có chủ đích nhắm vào lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ.
Nhằm tăng cường an toàn và an ninh của nhân viên gìn giữ hòa bình, Đại sứ đề nghị LHQ, các quốc gia tăng cường nỗ lực bảo đảm sự sẵn sàng của nhân viên gìn giữ hòa bình thông qua đào tạo trước và trong thời gian cử quân, báo cáo sau khi kết thúc nhiệm vụ, cập nhật chương trình đào tạo.
Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cũng đề nghị cần bảo đảm việc nhân viên gìn giữ hòa bình được trang bị đầy đủ cả về vật chất, thông tin và nguồn lực, được bảo vệ trước các rủi ro mới như Covid-19 và thiết bị nổ tự chế, dành sự quan tâm và bảo vệ đặc biệt cho nữ nhân viên gìn giữ hòa bình.
Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ và hết sức coi trọng vấn đề bảo đảm an toàn và an ninh cho nhân viên gìn giữ hòa bình.