Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Phạm Vinh Quang phát biểu tại Hội thảo. (Nguồn: TTXVN) |
Tham dự có Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno, Thống đốc tỉnh Bali - Wayan Koster, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi, Thư ký điều hành thứ nhất Ủy ban ứng phó Covid-19 và phục hồi kinh tế quốc gia Raden Pardede, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu, Chủ tịch Hội Hữu nghị Indonesia-Việt Nam Budiarsa Sastrawinata, cùng gần 150 đại biểu đại diện cho nhiều bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Phạm Vinh Quang nhắc lại rằng tại nhiều nơi trên thế giới, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của người dân, song cũng cho thấy những câu chuyện và tấm gương đồng cảm, dũng cảm và kiên cường vượt lên khó khăn và nghịch cảnh.
Theo Đại sứ Phạm Vinh Quang, cả Việt Nam và Indonesia đang trỗi dậy từ các làn sóng lây nhiễm gần đây, cùng theo đuổi chiến lược sống chung với Covid-19 và tập trung đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.
Đảo Bali đang dẫn đầu quá trình trở lại bình thường của Indonesia, trong khi tại Việt Nam, huyện đảo Phú Quốc cũng dự kiến mở cửa đón du khách quốc tế vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 vào tháng trước, Việt Nam và Indonesia cùng các nước ASEAN khác thông qua Khung phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF) nhằm định hướng cho chiến lược chung thoát khỏi đại dịch của khu vực. Trong bối cảnh đó, Đại sứ Phạm Vinh Quang cho rằng hai nước cần tăng cường hợp tác chống lại đại dịch Covid-19, nâng cao năng lực y tế cộng đồng và phúc lợi xã hội, đồng thời sẵn sàng ứng phó với các thách thức trong tương lai.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Nguồn: TTXVN) |
Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi tái khẳng định rằng hai nước là các đối tác mạnh trong các lĩnh vực kinh tế và phát triển. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước hiện bao trùm tất cả các lĩnh vực.
Việt Nam là đối tác kinh tế lớn thứ tư của Indonesia trong ASEAN và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Indonesia.
Hai nước hiện chiếm khoảng 60% dân số và 45% tổng GDP của ASEAN. Với xu hướng tăng trưởng tích cực, hai nước có thể chiếm 60% GDP và là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực hậu đại dịch.
Đại sứ Denny cho rằng hai nước còn nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng, trong đó đặc biệt là thủy sản. Indonesia - với vùng biển rộng 5,8 triệu km2 và 95.181 km bờ biển - và Việt Nam - với vùng biển rộng 700.000 km2 và 3.200 km bờ biển - đều có chung mong muốn phát triển lĩnh vực thủy sản. Ngoài ra, hai nước còn có nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác như công nghiệp cao và kinh tế kỹ thuật số nhờ quy mô dân số đông, trẻ trung và có trình độ, cũng như nhóm người thu nhập trung bình ngày một tăng nhanh.
Hoan nghênh việc thông qua ACRF, tạo thuận lợi cho các hoạt động đi lại thiết yếu giữa các nước ASEAN, Đại sứ Denny cho rằng nhiệm vụ hiện nay là đảm bảo khả năng tương tác an toàn và hiệu quả giữa các hệ thống hoặc ứng dụng truy vết Covid-19 đang được sử dụng tại các nước trong khu vực. Không chỉ tạo thuận lợi cho du khách và các hãng hàng không, điều này còn giúp tái kích hoạt ngành công nghiệp không khói vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno phát biểu tại Hội thảo. (Nguồn: TTXVN) |
Chia sẻ vấn đề này, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno cho biết đại dịch đã tác động và kéo theo những thay đổi trong hệ sinh thái du lịch. Nền kinh tế du lịch mới sẽ ưu tiên các vấn đề vệ sinh, ít tiếp xúc, ít di chuyển, ít đông đúc cũng như số hóa. Do vậy, ngành du lịch cần có những định hướng chiến lược, nhanh chóng đổi mới để thích ứng trước những thay đổi không chắc chắn, phức tạp và không rõ ràng như hiện nay.
Bộ trưởng Sandiaga nhấn mạnh rằng, du lịch đang được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nỗ lực này đang tiến gần hơn đến hiện thực nhờ thành công trong việc xử lý đại dịch Covid-19 và thúc đẩy các hoạt động hiệu quả tại cả hai nước.
Theo ông Sandiaga, nếu kiểm soát thành công đại dịch với sự tham gia tích cực của cộng đồng vào chiến dịch tiêm chủng và tuân thủ nghiêm các quy định y tế, du lịch có thể là “giải pháp hồi sinh kinh tế đất nước”.
Tại hội thảo, các diễn giả tập trung thảo luận và chia sẻ các bài học kinh nghiệm của Việt Nam và Indonesia trong việc ứng phó và sống chung với Covid-19, cân bằng giữa các ưu tiên y tế và kinh tế, tái mở cửa nền kinh tế nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng, hỗ trợ doanh nghiệp… đồng thời thăm dò, tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vaccine và các loại thuốc điều trị, thúc đẩy phục hồi bền vững.
| Đại sứ Việt Nam tại UAE: Ngoại giao kinh tế là ưu tiên hàng đầu trong công tác đối ngoại 'Tối đa hóa tiềm năng hợp tác, tận dụng mọi cơ hội đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước' là phương châm ngoại ... |
| Cơ hội phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh thích ứng an toàn Các chuyên gia và tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, nhưng kỳ vọng hoạt động ... |