📞

Việt Nam – Iran: Tìm điểm đồng, khắc phục trở ngại

08:32 | 14/05/2015
Trữ lượng dầu mỏ của Iran chiếm 10% lượng dầu mỏ của thế giới. Nghệ thuật dệt thảm Ba Tư được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đất nước có bề dày lịch sử 7.000 năm nằm trong tốp mười điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới.
Đại sứ Hossein Alvadi Behineh cho rằng hai bên nên tập trung vào hợp tác năng lượng.

Có thể thấy Đại sứ nước Cộng hoà Hồi giáo Iran tại Việt Nam Hossein Alvandi Behineh đã nỗ lực “tiếp thị” quốc gia trong buổi gặp mặt báo chí Việt Nam ngày 12/5 tại Hà Nội.

Không có cản trở trong quan hệ chính trị

Trong hơn 40 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước, hai bên đã tiến hành trao đổi các đoàn cấp cao với nhiều chuyến thăm lẫn nhau và ký kết các hiệp định về thương mại, lãnh sự, hợp tác văn hóa, vận chuyển hàng không, thuế quan… Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã có chuyến chính thức Việt Nam vào tháng 11/2012 còn tháng 10/2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sang thăm chính thức Iran. Tại cuộc tiếp xúc bên lề Hội nghị cấp cao Á – Phi ở Indonesia vào tháng trước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Hassan Rouhani đều khẳng định sự coi trọng quan hệ lẫn nhau giữa hai quốc gia.

Có thể thấy những điểm tương đồng về lập trường, lợi ích cũng như sự ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước thể hiện trong các diễn đàn song phương, đa phương trên trường quốc tế. “Không có cản trở nào trong hợp tác chính trị giữa Iran và Việt Nam”, Đại sứ Hossein Alvandi Behineh nhấn mạnh. Ý chí, quyết tâm chính trị của hai bên rõ ràng là tiền đề để thúc đẩy hợp tác quan hệ trong thời gian tới.

Hướng đến kim ngạch 1 tỷ USD

Theo người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao Iran tại Hà Nội, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước chưa tương xứng với hợp tác chính trị tốt đẹp. Trong năm 2014, theo thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 130 triệu USD. Tuy nhiên, “nếu tính cả các mối quan hệ thương mại qua nước thứ ba, thì con số đó phải là 330 triệu USD”. Đại sứ Hosein Alvandi Behineh nói.

Các lĩnh vực hợp tác tiềm năng thể kể đến là năng lượng, nông nghiệp, khoa học giáo dục… Ông đặc biệt nhấn mạnh Iran là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào cho thế giới (trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới và trữ lượng dầu mỏ nằm trong tốp ba). “Hàng năm, Iran xuất khẩu hàng tỷ USD dầu khí sang thị trường nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam nhập hàng tỷ USD sản phẩm dầu khí và hóa dầu. Vậy tại sao hai bên không “bắt tay” với nhau?”.

Cộng thêm các yếu tố như nguồn nhân lực trẻ dồi dào, GDP tính theo sức mua đứng thứ 17 thế giới và đường biên giới (trên biển và trên bộ) với 15 quốc gia, Iran là thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới. “Với tiềm năng của cả hai nước, tôi tin rằng, trong tương lai gần, kim ngạch thương mại hai chiều sẽ đạt mức 1 tỷ USD”, ông Hosein Alvandi Behineh khẳng định.

Tất nhiên, việc đi đến con số đó không dễ dàng nếu không khắc phục trở ngại giữa hai nước. Ngoài khoảng cách địa lý, việc Iran đang bị cấm vận kinh tế dẫn đến việc hai bên gặp khó trong việc hợp tác, chẳng hạn như khâu thanh toán, chuyển tiền. Các tập đoàn hai bên phải tiến hành thanh toán thông qua nước thứ ba.

Tuy nhiên, theo Đại sứ Hossein Alvadi Behineh, hiện nhóm P5+1 và Iran đã nối lại đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận toàn diện cuối cùng trước thời hạn chót vào cuối tháng Sáu tới và khi đó, các biện pháp trừng phạt với Iran sẽ được dỡ bỏ, quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa Iran và các nước, trong đó có Việt Nam sẽ được rộng mở và phát triển.

Cản trở lớn nữa là sự thiếu thông tin về nhau. Phần lớn sản phẩm Iran vào Việt Nam đều phải thông qua nước thứ ba như Malaysia, Hàn Quốc... “Nếu thiết lập kênh thông tin trực tiếp giữa hai bên thì khâu này sẽ được giải phóng”, Đại sứ nói. Giải pháp là tổ chức Hội chợ thương mại với sự tham gia của doanh nghiệp hai bên. Trao đổi doanh nghiệp đã diễn ra sôi động trong vài năm qua song cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.

Quảng trường Imam ở trung tâm thành phố Isfahan được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Chắc chắn sẽ mở đường bay thẳng

Nhà ngoại giao Iran cũng cho hay, du lịch nên là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa Iran và Việt Nam lên một tầm vóc mới. Với đặc điểm khí hậu phong phú, Iran sở hữu nhiều điểm đến bí ẩn, từ những thành phố cổ với cung điện nguy nga cho tới khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp.

“Iran và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng trong lịch sử và nếu có sự khác biệt văn hóa thì đó chính là nhân tố thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai bên trong thời gian tới”, Đại sứ Hossein Alvadi Behineh nói. Đơn giản vì người dân Iran thích khám phá những vùng đất lạ và do đó, Việt Nam càng khác biệt thì càng hấp dẫn du khách Iran. Ngược lại, với cộng đồng du lịch Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, Iran sẽ là một điểm đến vô cùng mới mẻ.

“Nếu hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân thuận lợi, chắc chắn sẽ có đường bay thẳng giữa hai nước”, ông khẳng định.

Nằm trong nỗ lực đưa Iran đến gần hơn với Việt Nam, trong thời gian qua, Đại sứ quán đã tổ chức các sự kiện như Triển lãm “thảm Ba Tư”, Tuần lễ phim Iran và sắp tới sẽ là sự kiện giới thiệu văn học Iran nhằm giúp công chúng hiểu hơn về thi ca nghệ thuật Ba Tư – quê hương của Shaikh Saadi (thế kỷ XIII), một trong những nhà thơ vĩ đại nhất thời trung cổ.

Vinh Hà