Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng tại Tham vấn chính trị cấp Thứ trướng Ngoại giao Việt Nam-Italy lần thứ ba. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tham dự có Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ và Đại sứ Italy tại Việt Nam Antonio Alessandro; cùng đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao hai nước, đại diện một số Bộ và đơn vị liên quan cùa Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy.
Quốc vụ khanh Mandlio Di Stefano chuyển lời chúc mừng tới Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam.
Quốc vụ khanh Manlio Di Stefano cũng chúc mừng Việt Nam về những thành tựu đối ngoại nổi bật trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc Việt Nam đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp.
Khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Itay, Quốc vụ khanh Manlio Di Stefano nhấn mạnh hợp tác thương mại - đầu tư tiếp tục là một trong những trụ cột của quan hệ song phương. Dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch thương mại song phương trong 4 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt 1,8 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Manlio Di Stefano nêu rõ, hiện Việt Nam đang được xem là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, khi tốc độ tăng trưởng, kim ngạch xuất nhập khẩu và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài đều ở mức cao.
Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định, với việc tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng và bầu ra ban lãnh đạo mới, đường lối đối ngoại của Việt Nam vẫn luôn nhất quán đặt mục tiêu tăng cường hơn nữa quan hệ với các đối tác quan trọng, nhất là với các Đối tác chiến lược như Italy.
Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng và Quốc vụ khanh Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy Manlio Di Stefano đồng chủ trì Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Italy lần thứ ba. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thứ trưởng Tô Anh Dũng đánh giá cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực; việc Italy là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN.
Hai bên cần tận dụng đà phát triển và những tác động tích cực mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đem lại, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 5 tỷ USD, cũng như những kết quả tích cực hơn trong năm nay và những năm tiếp theo.
Thứ trưởng đề nghị Italy sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam–EU (EVIPA), tạo thuận lợi đẩy mạnh hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam với EU, cũng như với Italy.
Trao đổi về tình hình dịch bệnh hiện nay, hai bên nhất trí cho rằng, tiêm chủng là yếu tố quan trọng cho việc sớm mở cửa các nền kinh tế; khẳng định cam kết sẽ tiếp tục phối hợp về việc chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch, tiếp cận nguồn vaccine an toàn hiệu quả, cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ nhau thực hiện các biện pháp phát triển nền kinh tế hậu Covid-19.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế mà hai bên đã xây dựng trong những năm qua, phối hợp xây dựng chương trình hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Italy vào năm 2023.
Lễ ký kết Kế hoạch hành động triển khai Đối tác chiến lược Việt Nam-Italy giai đoạn 2021-2022 tầm nhìn 2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trên bình diện đa phương, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp tích cực chia sẻ thông tin, trao đổi quan điểm và phối hợp lập trường tham vấn trên các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.
Thứ trưởng Tô Anh Dũng hoan nghênh Italy đã trở thành Đối tác phát triển của ASEAN trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, tin tưởng đây là cơ sở để thúc đẩy hợp tác ASEAN-Italy đi vào hiệu quả và thực chất hơn nữa.
Kết thúc tham vấn chính trị, thay mặt Chính phủ hai nước, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng và Quốc vụ khanh Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy Manlio di Stefano đã ký kết Kế hoạch hành động triển khai Đối tác chiến lược Việt Nam-Italy giai đoạn 2021-2022 tầm nhìn 2023.
Nội dung văn bản tập trung vào các hoạt động phong phú như hợp tác chính trị, ngoại giao, quốc phòng, khoa học công nghệ, văn hóa, du lịch, hợp tác phát triển, năng lượng, môi trường, phát triển bền vững, giao thông vận tải.