Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva. |
Trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Thụy Sĩ, ngày 13/9, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã thay mặt Nhóm nòng cốt (gồm Việt Nam, Bangladesh, Philippines), phát biểu tại phiên đối thoại về báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc liên quan tới tác động của những mất mát và thiệt hại, do biến đổi khí hậu gây ra, đến việc thụ hưởng đầy đủ các quyền con người.
Đại sứ Mai Phan Dũng khẳng định biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đảm bảo các quyền con người cơ bản.
Các sự kiện gần đây như ảnh hưởng của cơn bão Yagi ở Việt Nam (tức cơn bão số 3), Philippines, Trung Quốc, cùng với lũ lụt tại Bangladesh cho thấy rõ những thiệt hại lớn lao do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra.
Những thảm họa này không chỉ gây tổn thất to lớn về người mà còn buộc hàng loạt người dân phải di dời, phá hủy cơ sở hạ tầng và sinh kế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế trong dài hạn.
Đặc biệt, các nhóm dân số dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em và người dân tại các nước đang phát triển đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn cả.
Đại sứ nhấn mạnh tình cảnh mà người dân đang phải đối mặt do bão lũ chính là lời nhắc nhở rõ ràng về sự cần thiết của các giải pháp công bằng, ưu tiên hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, giúp họ xây dựng khả năng thích ứng, chống chịu trước những hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai.
Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế cần khẩn trương tăng cường các nguồn lực tài chính và áp dụng các giải pháp dựa trên quyền con người để đối phó với tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Đại sứ nhấn mạnh hợp tác và đoàn kết quốc tế là yếu tố then chốt để đạt được những mục tiêu này.
Khóa họp 57 của Hội đồng Nhân quyền kéo dài 5 tuần, là khóa họp thường kỳ cuối cùng trong năm nay.
Khóa họp này có nhiều chương trình, trong đó có 6 phiên thảo luận chuyên đề về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội trong bối cảnh xử lý bất bình đẳng, giáo dục chất lượng vì hòa bình và khoan dung cho tất cả trẻ em, quyền phát triển, trách nhiệm của nhà nước về vai trò của gia đình trong hỗ trợ quyền con người của các thành viên gia đình, lồng ghép bình đẳng giới trong công tác của Hội đồng Nhân quyền; các thảo luận về 85 báo cáo chuyên đề, cũng như các thảo luận, đối thoại với 37 thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc.
Tại khóa họp này, Hội đồng Nhân quyền cũng dự kiến hoàn thành thủ tục thông qua toàn thể Báo cáo Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của 14 nước; đồng thời dự kiến tham vấn, xem xét thông qua khoảng 32 dự thảo nghị quyết và xem xét thông qua quyết định bổ nhiệm 4 nhân sự cho các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền.
Biến đổi khí hậu: Bế tắc trong việc đàm phán chia sẻ tài chính giữa các nước, chủ tịch COP 29 ra lời kêu gọi Mới đây, Azerbaijan đã kêu gọi các chính phủ thỏa hiệp nhằm phá vỡ bế tắc trong nỗ lực giúp các nước nghèo hơn ứng ... |
Hiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cung cấp bộ "cẩm nang" nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, đồng thời kêu ... |
Tăng cường hợp tác xuyên biên giới Việt Nam-Campuchia sẵn sàng ứng phó với các đại dịch trong tương lai Ngày 22/8, tại An Giang đã diễn ra Hội thảo 'Chia sẻ thông tin và xây dựng kế hoạch hợp tác trong phòng chống dịch ... |
Đại sứ Mai Phan Dũng được bầu làm thành viên Hội đồng chấp hành Trung tâm Hành động bom mìn nhân đạo Geneva Đại sứ Mai Phan Dũng khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa GICHD và các cơ quan ... |
Khóa họp thường kỳ lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền LHQ: Việt Nam khẳng định chính sách phát triển lấy con người làm trung tâm Việt Nam cho rằng, cần thúc đẩy các sáng kiến và hành động ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế để giải ... |