Hội đồng chấp hành UNDP tổ chức phiên họp định kỳ lần 2. |
Tại Phiên đối thoại ngày 30/8, Tổng giám đốc UNDP Achim Steiner cho rằng thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xung đột, làn sóng người di cư, tị nạn, khủng hoảng nợ…
Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế cần đảm bảo ngân sách và sử dụng hợp lý nguồn lực, đảm bảo tài chính cho phát triển. Ông Achim Steiner nhấn mạnh UNDP tiếp tục là đối tác tin cậy của các nước, các nhóm nước trong xây dựng các công cụ để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đảm bảo an sinh xã hội và phục hồi bền vững sau đại dịch.
Các nước tham dự Phiên đối thoại đều đánh giá cao vai trò của UNDP trong hỗ trợ các nước đối mặt với các khủng hoảng toàn cầu hiện nay và đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, đồng thời cho rằng các chương trình, kế hoạch của UNDP cần được xây dựng và thực hiện phù hợp với các ưu tiên, điều kiện, hoàn cảnh của từng nước; nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo tài chính bền vững, sử dụng minh bạch nguồn lực cho các chương trình, hoạt động của UNDP.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu. |
Phát biểu tại Phiên đối thoại, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đánh giá cao vai trò của UNDP trong việc hỗ trợ những người dân ở vùng sâu vùng xa và dễ bị tổn thương, xây dựng năng lực, cung cấp dữ liệu, nghiên cứu, khuyến nghị chính sách cho Chính phủ và người dân.
Để thực hiện Kế hoạch chiến lược UNDP 2022-2025 và duy trì chất lượng hỗ trợ cho các quốc gia, Đại sứ nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo nguồn lực cho UNDP.
Theo đó, Đại sứ đề nghị các nước tăng cường hỗ trợ UNDP thông qua cam kết tự nguyện đa niên để UNDP có thể xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động ở cả cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang đồng thời nhấn mạnh ngoài việc cần tận dụng các nguồn lực hiện có, tránh trùng lặp và đảm bảo hiệu quả về chi phí, UNDP cũng nên sáng tạo trong tìm kiếm các phương thức huy động nguồn lực từ các bên liên quan, trong đó có khu vực tư nhân để thực hiện các chương trình phát triển.
Bên cạnh đó, UNDP và cộng đồng quốc tế cũng cần tiếp tục cam kết thực hiện SDG với các hình thức đa dạng, từ hỗ trợ phát triển đến tạo thuận lợi thương mại, xóa nợ và chuyển giao công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với các ưu tiên của quốc gia như thực hiện các SDG, chuyển đổi kỹ thuật số và xóa đói giảm nghèo. Trong quá trình này, cũng cần đảm bảo nguyên tắc quốc gia lãnh đạo và làm chủ.
Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cảm ơn sự đồng hành của UNDP trong hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội trong 50 năm qua và khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho công việc của UNDP.