Đại hội đồng Liên hợp quốc thảo luận về báo cáo của ICJ năm 2023-2024. |
Ngày 24/10, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tiến hành thảo luận về báo cáo của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) năm 2023-2024.
Ông Nawaf Salam, Chánh án ICJ, trình bày báo cáo của Toà, trong đó đề cập một số vụ việc nổi bật gồm các vụ kiện giữa Ukraine và Nga, các vụ kiện mới phát sinh liên quan tới vấn đề tại Dải Gaza giữa Nam Phi và Israel, Nicaragua và Đức, cũng như các ý kiến tư vấn về vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, về biến đổi khí hậu, và nghĩa vụ theo Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Tòa đang thụ lý và xét xử.
Đồng thời, báo cáo năm 2024 ghi nhận đây là năm cao điểm với nhiều vụ việc được đệ trình lên Tòa, nhấn mạnh nỗ lực của ICJ trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế và đưa ra các ý kiến tư vấn pháp lý về các vấn đề còn chưa rõ ràng trong luật pháp quốc tế; trong bối cảnh nguồn lực dành cho Tòa chưa thực sự tương xứng.
Đánh giá về ICJ, các đại biểu của các nước đề cao vai trò quan trọng của Tòa trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và đóng góp tăng cường sự tuân thủ, phát triển và thực thi luật pháp quốc tế. Số lượng ngày càng tăng các vụ việc mà ICJ thụ lý là minh chứng cho sự tín nhiệm của các quốc gia đối với Tòa.
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu tại phiên họp. |
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp tại Ủy ban 6, khẳng định, Việt Nam ủng hộ vai trò thiết yếu của ICJ trong thúc đẩy hoà bình, ổn định và công lý, và sẵn sàng hợp tác với các nước khác và Tòa để thúc đẩy pháp quyền ở mọi cấp độ.
Đại sứ nhấn mạnh, tất cả các quốc gia cần tôn trọng và thực thi nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, bao gồm nghĩa vụ thực thi các quyết định và bản án của ICJ một cách thiện chí.
Về giải quyết tranh chấp, theo đại diện Việt Nam, vai trò của ICJ đã được công nhận rộng rãi. Với vai trò này, ICJ đã và đang nỗ lực thúc đẩy việc hòa bình giải quyết tranh chấp và góp phần duy trì quan hệ thân thiện giữa các quốc gia. Bên cạnh việc xét xử, giải quyết tranh chấp quốc tế, chức năng cho ý kiến tư vấn cũng rất quan trọng nhằm làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý còn gây tranh cãi.
Trong bối cảnh cần có hành động ngay lập tức và tham vọng hơn để đối phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cùng các nước trong nhóm chủ chốt đề nghị Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu ICJ đưa ra ý kiến tư vấn về nghĩa vụ của các quốc gia liên quan đến biến đổi khí hậu. Ý kiến tư vấn này có thể giúp làm rõ các khía cạnh pháp lý về biến đổi khí hậu và là tiền đề để thực hiện thực chất và hiệu quả các cam kết về giảm thiểu phát thải khí nhà kính ra môi trường.