📞
Thủ tướng Chính phủ sẽ thăm chính thức Nhà nước Kuwait:

Việt Nam-Kuwait: Sẵn sàng cho những đột phá mới

15:00 | 21/10/2019
TGVN. Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có chuyến thăm chính thức tới Nhà nước Kuwait từ ngày 26-27/10, Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Trịnh Minh Mạnh đã trả lời phỏng vấn riêng Báo TG&VN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Kuwait Hoàng thân Jaber Mubarak Al-Hamad Al-Sabah trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016. (Ảnh: ĐSQVN tại Kuwait)

Duy trì, củng cố quan hệ dựa trên sự tin cậy chính trị; tăng cường thương mại hướng tới cân bằng hơn cán cân xuất, nhập khẩu; khai thác “trúng” thị trường xuất khẩu lao động; thu hút lượng khách du lịch chất lượng… là những phương hướng quan trọng mà Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Trịnh Minh Mạnh nhấn mạnh để tạo ra những đột phá mới trong quan hệ Việt Nam-Kuwait.

Xin Đại sứ cho biết mục đích, ý nghĩa chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

Đây là chuyến thăm hết sức có ý nghĩa trong quan hệ giữa Việt Nam và Kuwait nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung vì cho đến nay, đây là chuyến thăm duy nhất của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến khu vực Trung Đông trong năm 2019. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Kuwait sau 10 năm kể từ chuyến thăm năm 2009 của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Với cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây là chuyến thăm đầu tiên tới Kuwait và cũng là chuyến thăm đáp lễ lại chuyến thăm của Thủ tướng Kuwait Hoàng thân Jaber Mubarak Al-Hamad Al-Sabah tới Việt Nam năm 2016.

Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Trịnh Minh Mạnh. (Ảnh: ĐSQVN tại Kuwait)

Chuyến thăm là dịp rất quan trọng để hai bên đánh giá những tiến triển trong quan hệ hai nước thời gian qua, đồng thời trao đổi các biện pháp, phương hướng thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, nhất là trong những lĩnh vực hai bên có nhiều tiềm năng, thế mạnh và có tính bổ trợ nhau trong hợp tác như năng lượng, dầu khí, nông nghiệp, lao động, du lịch…

Ngoài ra, đây cũng là dịp quan trọng để hai bên trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất là trong bối cảnh tình hình ở Trung Đông và Đông Nam Á đang có những diễn biến rất phức tạp. Điều này càng có ý nghĩa khi Kuwait đang hoàn tất vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2018-2019 còn Việt Nam sắp đảm nhiệm vị trí này trong nhiệm kỳ kế tiếp 2020-2021.

Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của mối quan hệ song phương giữa Kuwait và Việt Nam sau hơn 4 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao?

Có thể nói, quan hệ Việt Nam-Kuwait là mối quan hệ truyền thống hữu nghị và hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực với nền tảng vững chắc là sự tin cậy về chính trị.

Hai bên dành cho nhau sự quý trọng và khâm phục đối với lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và giải phóng đất nước của nhau, đồng thời chia sẻ quan điểm trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực. Kuwait chính là nước đầu tiên ở khu vực Trung Đông vùng Vịnh thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1976 và từ năm 1979 đã dành cho ta các khoản viện trợ phát triển giúp xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn, xóa đói giảm nghèo với tổng giá trị đến nay khoảng 190 triệu USD cho 16 dự án.

Về hợp tác kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt gần 2,7 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các nước Trung Đông vùng Vịnh, sau Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Quan hệ đầu tư ghi nhận dấu mốc quan trọng với việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án có tính biểu tượng trong quan hệ Việt Nam-Kuwait với tổng số vốn lên tới 9 tỷ USD, bắt đầu chính thức vận hành thương mại từ cuối năm 2018.

Đây là dự án nhà máy lọc dầu lớn nhất và duy nhất hiện nay của Kuwait tại châu Á với công suất 200 nghìn thùng/ngày, đáp ứng 40% nhu cầu sản phẩm xăng dầu trong nước của Việt Nam. Không chỉ là một dự án kinh tế lớn mà còn là dự án có tầm quan trọng chiến lược với cả hai nước. Với Việt Nam, đó là sự bảo đảm an ninh năng lượng và sự phát triển của ngành công nghiệp lọc hóa dầu trong nước. Với Kuwait là sự bảo đảm nguồn tiêu thụ dầu thô vì nguyên liệu đầu vào là dầu thô cho nhà máy được nhập hoàn toàn từ Kuwait.

Bên cạnh đó, dự án chính là sự hiện diện của Kuwait ở khu vực Đông Nam Á, một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của thế giới.

Hiện có khoảng 1.300 lao động Việt Nam đang làm ăn sinh sống ở Kuwait. Hàng năm, Kuwait dành cho ta 5 suất học bổng học tiếng Arab tại Đại học Quốc gia Kuwait. Khách du lịch từ Kuwait vào Việt Nam gần đây tăng mạnh, dự tính số lượng khách năm 2019 có thể tăng tới 60% so với năm 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Kuwait Hoàng thân Jaber Mubarak Al-Hamad Al-Sabah chứng kiến ký kết nhiều biên bản hợp tác Việt Nam-Kuwait năm 2016. (Ảnh: ĐSQVN tại Kuwait)

Bên cạnh Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, chắc chắn hai bên còn đang hướng tới nhiều điểm sáng khác nữa, thưa Đại sứ?

Điểm sáng thứ hai có thể nhấn mạnh trong quan hệ hai nước là sự gia tăng số lượng lao động Việt Nam ở Kuwait. Nếu như cuối năm 2017 số lao động của ta ở Kuwait chỉ có hơn 160 người (tính theo số visa lao động do Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Nội vụ Kuwait cung cấp cho Đại sứ quán) thì đến cuối năm 2018 đã tăng gấp 8 lần, lên tới gần 1.300 lao động.

Có được kết quả trên là do ta đã tận dụng kịp thời những thay đổi chính sách của Kuwait liên quan tới việc sử dụng lao động Triều Tiên và một số nước khác như Philippines và một số nước châu Phi. Trong thời gian tới, nếu ta xem xét đủ các điều kiện để cho phép đưa lao động giúp việc gia đình sang Kuwait thì con số trên chắc chắn còn tăng mạnh nữa.

Điểm sáng thứ ba chính là sự gia tăng lượng khách du lịch của Kuwait đến Việt Nam. Khách du lịch Kuwait nói riêng và các nước vùng Vịnh nói chung là nguồn khách chất lượng cao, do có thói quen đi dài ngày và mức chi tiêu cao, thường sử dụng các sản phẩm du lịch hạng sang.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, riêng người dân Kuwait hàng năm chi 13 tỷ USD cho việc đi du lịch. Ở châu Âu, mức chi tiêu của khách du lịch vùng Vịnh cao gấp 5 đến 6 lần mức chi tiêu trung bình của khách du lịch thế giới.

Thống kê chỉ riêng từ nguồn visa cấp ra của Đại sứ quán cho thấy, năm 2018 số lượng khách vào Việt Nam tăng 25% so với năm 2017. Trong 6 tháng đầu và dự kiến cả năm 2019, tốc độ tăng là 60%. Đây chính là kết quả của các nỗ lực xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam được Đại sứ quán triển khai mạnh mẽ và có bài bản trong thời gian qua.

Xin Đại sứ cho biết phương hướng và những lĩnh vực hợp tác cần được thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới?

Trong thời gian tới, phương hướng chính trong quan hệ hợp tác hai nước là duy trì mối quan hệ chính trị tốt đẹp, đồng thời phải mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế, nhất là về thương mại, đầu tư, lao động và du lịch.

Trước hết sự tin cậy và quan hệ chính trị tốt đẹp cần được duy trì và củng cố thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao và trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên. Bên cạnh đó, cần vận hành thường xuyên hơn các cơ chế hợp tác đã có là cơ chế Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật giữa hai nước và cơ chế tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao.

Về hợp tác kinh tế, thứ nhất cần tăng cường hơn nữa thương mại song phương, trong đó tập trung tăng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là nông sản và hàng chế tạo là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, để cán cân thương mại cân bằng hơn (hiện nay ta nhập siêu lớn do nhập khẩu dầu thô của Kuwait cho nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn).

Thứ hai, cần tiếp tục khai thác thị trường xuất khẩu lao động sang Kuwait do nhu cầu xây dựng, phát triển và sự dụng lao động nước ngoài của Kuwait còn rất lớn. Tuy nhiên, cần chú trọng nhiều hơn đến việc đưa lao động có tay nghề hơn là lao động phổ thông vì lao động phổ thông của ta không cạnh tranh bằng các nước Nam Á, vốn có ngoại ngữ, sự gần gũi về văn hóa và khả năng chịu đựng thời tiết sa mạc của Kuwait hơn so với lao động của ta.

Thứ ba, cần làm mạnh hơn công tác quảng bá xúc tiến du lịch để thu hút nguồn khách du lịch chất lượng cao từ Kuwait vào Việt Nam. Mặc dù tốc độ tăng trưởng hiện nay cao nhưng con số tuyệt đối vẫn còn thấp (khoảng 1.200 lượt/năm so với 70 nghìn lượt/năm của Thái Lan).

Bên cạnh nỗ lực của Đại sứ quán, thời gian tới cần có sự đầu tư và vào cuộc của các cơ quan xúc tiến du lịch trong nước như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, các địa phương và doanh nghiệp lữ hành trong nước. Với tiềm năng du lịch của Việt Nam, nếu có sự quan tâm đầu tư như vậy, tôi tin chắc lượng khách du lịch Kuwait đến Việt Nam sẽ tăng trưởng ấn tượng hơn nữa trong thời gian tới.