Theo ông Nam, hiện đơn vị này có 4 đối tác là các nhà sản xuất tại Việt Nam và chiến lược của hãng là tiếp tục thúc đẩy công nghệ di động tại thị trường này. Trong đó, việc hỗ trợ các nhà sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm.
Ông Nam cho hay, hiện đơn vị này đã hỗ trợ một số nhà sản xuất smartphone, nhưng khi các thiết bị IoT bùng nổ thì cuộc chơi sẽ khác hẳn. Không giống với smartphone khi một số nhà sản xuất lớn chi phối thị trường, IoT sẽ đi vào từng nhánh và tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thấy điều này và đây cũng là cơ hội để Qualcomm chia sẻ công nghệ, thiết kế… với đối tác.
Ông Thiều Phương Nam nhận định Việt Nam đang dần trở thành trung tâm thiết kế, sản xuất thiết bị lớn. (Nguồn: Vietnam+) |
Cũng theo ông Nam, trước đây có sự chuyển dịch các trung tâm công nghệ lớn vào Trung Quốc, giờ xu hướng đang vào Việt Nam. Tuy nhiên, để trở thành trung tâm lớn về thiết kế, sản xuất thiết bị thì Việt Nam vẫn cần có thời gian (ví dụ như Đài Loan (Trung Quốc) cần 10-15 năm). Ông cũng chỉ ra hai điểm mà doanh nghiệp sản xuất thiết bị Việt còn thiếu là kỹ năng trong một số lĩnh vực quan trọng (như thiết kế anten cho smartphone, máy ảnh...) và nguồn vốn cho công ty công nghệ.
Lãnh đạo Qualcomm cho biết, đơn vị này sẵn sàng chia sẻ công nghệ, đào tạo những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt còn thiếu. Cùng lúc, với hệ sinh thái trên toàn cầu, Qualcomm sẽ hỗ trợ các công ty phát triển ra thị trường quốc tế.
Cùng lúc, Qualcomm có một quỹ đầu tư mạo hiểm và theo ông Nam thì đây sẽ là nguồn lực để doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cho ngành công nghiệp thiết kế, sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Mục tiêu của quỹ là giúp cho các ý tưởng mới thành hiện thực và ngoài mục tiêu lợi nhuận thì một trong những điều quan trọng là các ý tưởng gọi vốn phải có khả năng mở rộng thị trường cho hãng...