Xin Đại sứ chia sẻ mục đích và ý nghĩa trong chuyến thăm lần này?
Mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này của tôi chủ yếu là thảo luận về vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm 2020, cũng như làm thế nào để Na Uy, với tư cách là đối tác đối thoại của ASEAN, có thể cùng với Việt Nam xúc tiến các nội dung ưu tiên của khu vực. Chúng tôi rất may mắn vì đã được gặp và trao đổi với các cán bộ cao cấp của Bộ Ngoại giao, tìm hiểu về ý tưởng cũng như các trọng tâm chính của Việt Nam. 2020 không chỉ là năm Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN mà cũng là năm Na Uy kỷ niệm 5 năm trở thành đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN. Vì thế ngoài những hoạt động chung có thể tiến hành, chúng tôi cũng mong muốn có một lễ kỷ niệm nhỏ để đánh dấu mốc quan trọng này trong quan hệ đối tác của chúng tôi với ASEAN.
Đại sứ Na Uy tại ASEAN Morten Hoglund. (Ảnh: PH) |
Theo Đại sứ, quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN - Na Uy trong thời gian qua cũng như mục tiêu hợp tác trong thời gian tới có những điểm nội bật nào, đặc biệt là khi ASEAN đã trở thành một Cộng đồng với nhiều kỳ vọng kinh tế, thương mại?
Quan hệ đối tác Na Uy - ASEAN được ký kết năm 2015, bao gồm nhiều lĩnh vực hợp tác như hòa bình và hòa giải xung đột, hàng hải, năng lượng, thương mại, phát triển khu vực tư nhân, giáo dục, văn hóa…. Chúng tôi cố gắng tham gia mọi lĩnh vực có thể, tuy nhiên có ba lĩnh vực có thể coi là nổi bật nhất trong mối quan hệ này.
Thứ nhất là hòa bình và hòa giải xung đột. Đây là lĩnh vực quan tâm chung của Na Uy và ASEAN. Chúng tôi đặc biệt chú trọng tới việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các nỗ lực hòa bình và an ninh. Vì vậy, tháng 12/2018, Na Uy đã hỗ trợ ASEAN ra mắt Diễn đàn Phụ nữ vì Hòa bình của ASEAN (AWPR). Đây là nơi để các nữ cán bộ tham gia công tác hòa bình trong khu vực chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi thông tin.
Thứ hai là năng lượng và biến đổi khí hậu. Năm 2018, Na Uy đã hỗ trợ một dự án đánh giá các chính sách về năng lượng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở khu vực ASEAN. Năng lượng là lĩnh vực hợp tác song phương quan trọng của Na Uy với nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác Na Uy - ASEAN trong lĩnh vực này.
Thứ ba là các vấn đề về đại dương, đặc biệt là rác trên biển và bảo vệ môi trường biển. Đây là cam kết lâu dài và liên tục của Na Uy. Hiện chúng tôi đang xây dựng những dự án rất quan trọng về vấn đề này cho ASEAN.
Mặc dù Na Uy đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ rất lâu với nhiều nước ASEAN trong đó có Việt Nam. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta đã có bề dày gần nửa thế kỷ. Tuy nhiên, với ASEAN chúng tôi là đối tác tương đối mới. Mối quan hệ này đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai từ lĩnh vực an ninh chính trị (như hòa bình, và các vấn đề môi trường) đến các vấn đề kinh tế (như năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản và hàng hải). Tôi rất lạc quan về điều này. Đặc biệt, Khối Thương mại Tự do Châu Âu (EFTA) trong đó có Na Uy là thành viên, đã bày tỏ mối quan tâm tới việc đàm phán một hiệp định thương mại ASEAN - EFTA. Đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế Na Uy - ASEAN.
Thưa Đại sứ, để trở thành một cộng đồng phát triển mà vẫn giữ được bản sắc của mình, ASEAN có thể học hỏi được gì từ mô hình Bắc Âu và từ kinh nghiệm của Na Uy trong mối quan hệ với EU?
Không có một mô hình nào có thể áp dụng chung cho mọi nước và mọi khu vực, tuy nhiên, kinh nghiệm của Na Uy trong khối Bắc Âu và với châu Âu cho thấy sự cởi mở và hội nhập là hai yếu tố rất quan trọng. Chúng tôi chia sẻ thị trường và duy trì một cộng đồng mở cho giáo dục, thương mại và đầu tư. Chúng tôi có thể hoạt động khá tự do trên lãnh thổ của nhau.
ASEAN có thể cân nhắc điều này để tăng cường hơn nữa độ mở của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, phá bỏ các rào cản và ranh giới, tạo điều kiện cho các bạn trẻ trong khu vực ASEAN được đi học, đi làm ở các nước thành viên, và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới trong khu vực. Chắc chắn, điều này không thể xảy ra ngày một ngày hai bởi vì 10 nước thành viên của ASEAN rất khác nhau từ mức sống tới văn hóa, ngôn ngữ, hệ thống chính trị và tôn giáo. Mặc dù có những vấn đề nhạy cảm nhất định, nhưng tôi rất vui mừng nhận thấy ASEAN đã có những bước đi quan trọng trong vấn đề này.
Tôi thực sự tin rằng, các nước ASEAN sẽ được hưởng lợi từ một khu vực hội nhập hơn về kinh tế, giáo dục, đào tạo. Các bạn trẻ và những người có trình độ sẽ có nhiều cơ hội để học tập và làm việc ở các nước thành viên khác. ASEAN cần tiếp tục hướng đi này để mang lại nhiều lợi ích hơn cho toàn khối.
Theo Đại sứ, vai trò trung tâm của ASEAN có ý nghĩa như thế nào đối với sự cân bằng chiến lược trong khu vực?
ASEAN hiện đang giữ vai trò trung tâm trong khu vực. Có thể thấy các sự kiện của ASEAN luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Theo tôi, ASEAN có một vị trí cực kỳ thuận lợi và cần tiếp tục vai trò của mình trong việc tập hợp các đối tác chiến lược.
Ở ASEAN, cần phải có những quy trình do ASEAN khởi xướng và lãnh đạo. Tôi rất vui mừng nhận thấy trong những năm qua, ASEAN đã và đang thực sự tiến triển, mạnh mẽ và chia sẻ nhiều tiến trình khác nhau. Là một cộng đồng, điều quan trọng là ASEAN phải tự chịu trách nhiệm về số phận của mình. Đó là nhiệm vụ của 10 nước thành viên. Mặc dù mỗi nước có đặc điểm riêng, nhưng cùng với nhau ASEAN có thể đạt được nhiều thành tựu hơn nữa và có thể giải quyết bất cứ vấn đề nào dù là vấn đề khu vực hay quốc tế. Điều này vô cùng quan trọng.
Chúng tôi ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Nếu có thể hỗ trợ, bằng cách nào đó, để ASEAN củng cố vai trò đó, Na Uy luôn sẵn sàng.
Đại sứ kỳ vọng như thế nào khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020?
Việt Nam là nền kinh tế năng động và cởi mở trong ASEAN. Nhiều biện pháp quan trọng đã được thực hiện trong thời gian qua để mở cửa nền kinh tế và hiện đại hóa đất nước. Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, và mới đây nhất là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Tôi tin rằng Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm để dẫn dắt ASEAN và trở thành tấm gương cho các nước khác.
Tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ là một Chủ tịch ASEAN chuyên nghiệp, tận tâm và nhiều khát vọng.