Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Somsavat Lengsavat dự Hội nghị - Ảnh VGP/Thế Phong |
Đây là một trong các hoạt động của năm Đoàn kết Hữu nghị Việt – Lào 2012 để kỷ niệm lần thứ 50 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 – 5/9/2012) và lần thứ 35 ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18/7/1977 – 18/7/2012) giữa hai nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến tháng 6/2012, Việt Nam có 214 dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư sang Lào còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt trên 3,45 tỷ USD. Lào đứng thứ nhất trong tổng số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam và Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong tổng số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư trực tiếp tại Lào.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, phía Việt Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 7 dự án đầu tư tại Lào, với tổng vốn đầu tư khoảng 42,1 triệu USD. Còn thông tin từ phía Lào, 6 tháng đầu năm 2012, phía Lào đã cấp giấy phép, ký hợp đồng cho phép các doanh nghiệp Việt Nam triển khai thực hiện 11 dự án đầu tư tại Lào, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 1,4 tỷ USD, trong đó, có một số dự án có quy mô lớn như dự án muối mỏ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 450 triệu USD; dự án mỏ đồng tại tỉnh SêKông của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với tổng vốn đăng ký 100 triệu USD; dự án mỏ vàng tại Viên Chăn của Công ty Nam Hoàn vốn đăng ký 10 triệu USD….
Dự kiến, thời gian tới, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có khả năng đạt gần 4,5 - 5 tỷ USD. Tính đến nay, vốn thực hiện của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đạt khoảng 691 triệu USD, trong đó một số dự án đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, nhà đầu tư đã có doanh thu và đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước Lào và tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động của Lào.
Một số dự án đầu tư quy mô lớn của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã đi vào hoạt động như dự án 10.000 ha cao su của Công ty cao su Đăk Lăk và một số dự án sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2012 như: dự án Thủy Điện Sekeman 3 công suất 250 MW; dự án 10.000 ha cao su của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai; dự án trồng cao su của Công ty cổ phần cao su Dầu Tiếng tại tỉnh Chămpasắc; dự án trồng cao su của Công ty hữu nghị Lào- Việt tại tỉnh SêKông…
Cùng với các dự án cao su, thì các doanh nghiệp Việt Nam còn có các lĩnh vực đầu tư khác như: 15 dự án lĩnh vực năng lượng với tổng công suất 3.357 MW đã được hai bên ký biên bản ghi nhớ; 55 dự án lĩnh vực khoáng sản đầu tư tại Lào, trong đó giai đoạn tìm kiếm có 27 dự án, giai đoạn thăm dò 19 dự án, nghiên cứu khả thi có 2 dự án và đang ở giai đoạn khai thác có 7 dự án; và nhiều dự án trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước, nhìn chung, nhiều dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào hoạt động tốt, đóng góp nhiều mặt cho kinh tế- xã hội Lào, đã được phía Lào ghi nhận và đánh giá cao. Các dự án đầu tư hiện tại của Việt Nam tạo nền tảng, cơ sở việc thành lập các ngành công nghiệp trong tương lai của Lào như khai thác và chế biến cao su; sản xuất đường, phân vi sinh, thủy điện; khai thác và chế biến khoáng sản…
Tuy nhiên, bên cạnh một số dự án triển khai tốt, cũng còn một số dự án triển khai chậm tiến độ; một số nhà đầu tư chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo thường xuyên hay chậm nộp tiền thuế và chậm thực hiện cam kết về chính sách an sinh xã hội với phía Lào...
Hai bên thống nhất, thời gian tới sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư và tăng cường hoạt động quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư tại Lào. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp sang đầu tư tại Lào; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và theo dõi việc triển khai thực hiện các dự án đã được cấp phép đầu tư sang Lào; chấn chỉnh các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, yêu cầu các nhà đầu tư rút kinh nghiệm về một số tồn tại trong quá trình thực hiện dự án tại Lào.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng hai nước cho rằng, quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Lào không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực, cả chiều rộng và chiều sâu nhất là kinh tế, thương mại, du lịch và nông lâm nghiệp. Những hoạt động này sẽ góp phần tăng cường hợp tác, phát triển trên tất cả các lĩnh vực giữa hai nước Việt Nam- Lào thời gian tới.
Theo hai Phó Thủ tướng, nhiều dự án đi vào hoạt động đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, an sinh- xã hội của Lào. Và với đà tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương đạt 2 tỷ USD vào năm 2015 như mong muốn của hai nước là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Đặc biệt, Bộ kế hoạch và Đầu tư 2 nước đã thiết lập đầu mối trao đổi thông tin, xúc tiến đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư tại Lào.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chữa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh cũng như mong muốn của chính phủ và nhân dân hai nước.
Phó Thủ tướng hai nước đã thống nhất xử lý những trường hợp đầu tư không hiệu quả hay các dự án đã khởi công những không triển khai xây dựng tại các địa phương của Lào.
Phó Thủ tướng hai nước cũng thống nhất, cần có một cơ chế đặc biệt quan đến hoạt động đầu tư để tương xứng với mối quan hệ giữa hai nước.
Đồng thời lưu ý Bộ Kế hoạch Đầu tư hai bên tham mưu chính phủ hai nước đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động đầu tư. Hai bên thường xuyên kiểm tra, rà soát và theo dõi việc triển khai thực hiện dự án đã được cấp phép đầu tư sang Lào và yêu cầu các nhà đầu tư chấp hành nghiêm túc pháp luật hai bên trong quá trình thực hiện dự án.
Phó Thủ tướng hai nước đồng ý đề xuất hai bên đôn đốc nhau cùng đưa ra biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hai bên cần cung cấp thông tin về hoạt động đầu tư cho nhau.
Nhân dịp hội nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2 nước đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư kinh tế trong thời gian tới.
Theo VGP News