Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn thể (phải) và Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào Viengsavath Siphandone ký Biên bản cuộc họp. |
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cảm ơn Đoàn công tác của Bộ trưởng cùng các cộng sự của Bộ Công chính và Vận tải Lào đã sang Việt Nam để trao đổi về tình hình hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giữa hai Bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, đây là dịp để hai Bộ rà soát, kiểm điểm tình hình hợp tác về giao thông vận tải trong 2 năm vừa qua cũng như trao đổi để thống nhất kế hoạch, chương trình làm việc trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Công chính và Vận tải Lào đã ký kết nhiều điều ước và thỏa thuận quốc tế; trong đó, có Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030; thỏa thuận về việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội- Vientiane; Hiệp định vận tải đường hàng không…
“Việc ký kết các văn kiện hợp tác nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý cho Việt Nam và Lào chủ động trong việc quy hoạch kết nối giao thông vận tải giữa hai nước nói riêng, với các nước và trong khu vực nói chung.
Từ đó, đảm bảo phát triển đồng bộ hệ thống giao thông vận tải theo hướng bền vững, hiện đại, kết nối các phương thức vận tải tạo thành hệ thống liên hoàn, thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải của hai nước, phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của hai nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã trao đổi một số nội dung để hai bên có thể thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong thời gian tới. Cụ thể là dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội-Vientiane. Dự án đã được lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam thống nhất hướng tuyến kết nối qua khu vực cửa khẩu Thanh Thủy (Việt Nam) - Nậm Om (Lào).
Đối với dự án nâng cấp tuyến đường 18B từ thị xã tỉnh Attapư của Lào đến biên giới Việt Nam-Lào, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, phía Việt Nam đã hoàn thành Báo cáo cuối kỳ của dự án nâng cấp tuyến đường 18B, tỉnh Attapư (Lào).
Để triển khai dự án này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị Bộ Công chính và Vận tải Lào thúc đẩy Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào sớm phê duyệt đề cương, dự toán hạng mục khảo sát; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và xã hội của dự án; đưa vào nghiên cứu khả thi nâng cấp tuyến đường 18B bằng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào trong năm 2022.
Về dự án nghiên cứu hành lang kinh tế Đông-Tây (Vientiane – Paksan - Vinh - Hà Nội), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các cơ quan liên quan của hai nước tích cực phối hợp với đoàn chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) triển khai.
Trong lĩnh vực đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao hai nước đã đồng thuận việc phát triển hệ thống đường sắt kết nối hai nước thông qua Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về Xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Vũng Áng-Vientiane.
Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã đưa dự án này vào quy hoạch ngành đường sắt và thực hiện trong giai đoạn 2021-2030. Để thực hiện thỏa thuận nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam thống nhất với đối tác phía Lào các nội dung như: thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật chung của dự án, điểm nối ray và các nội dung liên quan khác; tiếp tục thúc đẩy để hai nước phê duyệt dự án trong thời gian sớm nhất.
Trong lĩnh vực hàng hải, đường thủy, thực hiện Hiệp định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác đầu tư phát triển bến cảng 1,2,3 của cảng Vũng Áng, liên quan đến doanh nghiệp nhà nước phát triển cảng Vũng Áng Lào - Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị Bộ trưởng Bộ Công trình và Vận tải Lào sớm báo cáo Chính phủ Lào có văn bản giới thiệu, khẳng định doanh nghiệp nhà nước phát triển cảng Vũng Áng Lào - Việt Nam do Chính phủ Lào chỉ định tham gia hợp tác phát triển bến cảng số 1, 2, 3 của cảng Vũng Áng.
Đồng thời, đáp ứng đầy đủ các điều kiện đã được quy định tại Hiệp định và Nghị định thư đã ký kết cũng như đảm bảo Chính phủ Lào kiểm soát, chi phối hoạt động của doanh nghiệp này theo luật của Lào để hoàn thành phát hành cổ phiếu riêng lẻ theo quy định.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Đối với vận tải hàng hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận, trong thời gian qua, vận tải xuyên biên giới đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên cũng bộc lộ một số bất cập trong việc triển khai thực hiện đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra đã làm gián đoạn hoạt động vận tải hai nước. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị Bộ Công chính và Vận tải Lào xem xét để sớm khôi phục hoạt động vận tải thuận lợi như trước thời điểm dịch Covid-19.
Về hợp tác về đào tạo và trao đổi đoàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin, hằng năm, trên cơ sở cơ chế của Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào, các cơ sở đào tạo ngành giao thông vận tải Việt Nam đã đào tạo hàng trăm sinh viên, nghiên cứu sinh cho Lào. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Công chính và Vận tải Lào cũng thường xuyên trao đổi đoàn để học tập kinh nghiệm trên các lĩnh vực giao thông vận tải.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác, đào tạo đặc biệt trong các lĩnh vực vận tải và logistics, đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa và quản lý xây dựng công trình giao thông….
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào Viengsavath Siphandone ghi nhận và đánh giá cao những nội dung về hợp tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực giao thông vận tải và cam kết sớm đẩy nhanh các nội dung đã cam kết để sớm hiện thực các dự án đã đề ra.
Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào Viengsavath Siphandone rất quan tâm đến Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội-Vientiane và mong muốn sớm tháo gỡ những khó khăn để triển khai dự án. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng nếu sớm triển khai sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại giao thương giữa thủ đô hai nước.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng chủ động liên hệ và làm việc với các đối tác liên quan của hai bên lập kế hoạch, đảm bảo tiến độ, chất lượng các nội dung hợp tác; chủ động báo cáo lãnh đạo Bộ các vướng mắc, khó khăn để có biện pháp giải quyết kịp thời.