📞

Việt Nam – Luxembourg: Từ viện trợ phát triển sang hợp tác kinh tế

09:12 | 09/11/2011
Quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Luxembourg có bước tiến quan trọng với chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Đại Công tước Henri trên cương vị người đứng đầu Đại Công quốc Luxembourg, từ ngày 7-10/11.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đón Đại Công tước Luxembourg Henri, tại Hà Nội.

Như lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thì chuyến thăm Việt Nam của Đại Công tước Henri là mốc quan trọng trong việc củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong gần 4 thập kỷ qua. Bên cạnh ý nghĩa tốt đẹp về mặt chính trị, chuyến thăm còn là cơ hội để đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư… giữa hai nước, đưa quan hệ hai bên bước sang giai đoạn phát triển mới từ trọng tâm là viện trợ phát triển sang hợp tác kinh tế.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế

Đại Công tước Henri sinh năm 1955, tốt nghiệp Khoa Kinh tế và Khoa học Chính trị tại trường đại học Tổng hợp Geneve. Ông được trao bằng Tiến sỹ Luật danh dự của trường đại học Miami (Mỹ), bằng Tiến sỹ Kinh tế danh dự của trường đại học Khon Kaen (Thái Lan).

Năm 1977, ông là Chủ tịch danh dự của Ủy ban Phát triển kinh tế. Năm 1980-1998, ông là Ủy viên Hội đồng Nhà nước. Năm 1998, ông được bổ nhiệm làm người Đại diện toàn quyền của Đại Công tước Jeans. Năm 2000, ông kế vị Đại Công tước Jeans trở thành Đại Công tước Luxembourg, đồng thời giữ chức Tổng tư lệnh quân đội Luxembourg.

Ông là thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế, thành viên Quỹ Giáo dục do Tổ chức Y tế thế giới bảo trợ.

Một số biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương đi vào chiều sâu đã được lãnh đạo hai bên thống nhất. Cụ thể là: tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp nặng, dịch vụ vận tải, du lịch...; thúc đẩy hợp tác về công nghệ trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, môi trường và phát triển bền vững, y tế, vật liệu, thông tin và truyền thông; tăng cường giao lưu văn hóa thông qua phối hợp tổ chức “Những ngày phim Việt Nam” tại Luxembourg năm 2012 và xây dựng Chương trình hợp tác văn hóa cho giai đoạn mới. Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực tài chính đã được ký kết nhân dịp này.

Trong suốt chiều dài lịch sử gần 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 11/1973), quan hệ chính trị giữa hai nước luôn được đánh giá là tốt đẹp. Nhiều người Việt Nam hẳn vẫn nhớ sự ủng hộ của nước bạn Luxembourg trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thời đó, ở Luxembourg có “Ủy ban ủng hộ Việt Nam” do Đảng Cộng sản làm nòng cốt. Luxembourg cũng đã ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Đáng chú ý là trong khi chỉ ưu tiên viện trợ phát triển cho 10 nước, trong đó có 6 nước thuộc tiểu vùng sa mạc Sahara, 2 nước Mỹ Latinh và 2 nước châu Á, thì Việt Nam là một trong hai nước châu Á ấy, bên cạnh Lào. Luxembourg đã cam kết tài trợ không hoàn lại cho VN khoảng 42 triệu euro.

Đầu tư của Luxembourg vào Việt Nam tăng trưởng đều và xếp vị trí khá cao, đứng thứ tư trong số các nước Liên minh Châu Âu (EU) đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, với 20 dự án có tổng số vốn đăng ký đạt 1,1 tỷ USD. Theo Đại Công tước Henri, các doanh nghiệp Luxembourg luôn quan tâm tới hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, có trên 30 doanh nghiệp lớn của Luxembourg cùng sang tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, mang theo hy vọng về một sự bùng nổ đầu tư của Luxembourg – một đất nước tuy nhỏ nhưng giàu có bậc nhất thế giới - vào Việt Nam – nơi đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư và luôn mở rộng cửa đón các nhà đầu tư nước ngoài - trong tương lai.

Cùng với những bước phát triển mới trong lĩnh vực hợp tác văn hóa qua việc phối hợp tổ chức “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Luxembourg và Triển lãm tranh Luxembourg tại Việt Nam”, rồi “Ngày phim Việt Nam tại Luxembourg” vào quý 3/2012, có thể nhận thấy, quan hệ Việt Nam - Luxembourg là một bức tranh đầy màu sắc tươi sáng. Tuy nhiên, vẫn có những tiềm năng mà hai bên chưa khai mở hết như trong lĩnh vực thương mại. Kim ngạch buôn bán hai chiều vẫn còn ở mức rất khiêm tốn với chưa đầy 30 triệu USD trong năm 2010. Trong bối cảnh ấy, chuyến thăm của Đại Công tước Henri, trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, sẽ tạo bệ phóng cho quan hệ kinh tế - thương mại song phương, để hợp tác trong lĩnh vực này trở thành niềm tự hào trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Luxembourg.

Niềm tự hào của Luxembourg

Luxembourg là đất nước nhỏ thứ hai trong khối liên minh châu Âu, nhỏ đến nỗi cái tên của nó không được ghi thẳng trên một số bản đồ mà phải chú thích ở bên ngoài. Dù cho diện tích chỉ 2.586 km2, với dân số khoảng nửa triệu người, nhưng đất nước này luôn đứng trong top 3 danh sách các nước giàu nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người dân 88.000 USD/năm.

Nằm ngay trong trái tim của châu Âu, Luxembourg được coi là trung tâm kinh tế của khu vực và là mẫu hình cho một châu Âu nói chung. 100% dân số của Luxembourg biết đọc, biết viết. Lương tháng trung bình của một nhân viên văn phòng “quèn” ở Luxembourg cũng tầm 1.600 euro. Bên cạnh sự giàu có về kinh tế, người Luxembourg còn có nhiều điều để tự hào với các quốc gia khác. Luxembourg được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới và 2 lần nhận danh hiệu Thủ đô Văn hóa châu Âu vào năm 1995 và 2007.

Đất nước nhỏ bé này là thành viên sáng lập Cộng đồng Than Thép Châu Âu (năm 1951), Cộng đồng Kinh tế Châu Âu và Cộng đồng Năng lượng nguyên tử Châu Âu, tiền thân của EU hiện nay. Luxembourg đề ra mục tiêu chính sách đối ngoại là “Phát huy vai trò trong EU, tham gia việc xây dựng một thế giới hòa bình, bảo vệ các giá trị cơ bản, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển”. Do đó, nước này luôn ủng hộ tiến trình xây dựng EU và mở rộng EU sang Trung và Đông Âu.

Tường Ngân