📞

Việt Nam - Malaysia: Cùng hướng tới đối tác chiến lược

09:12 | 07/08/2015
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/3/1973, nhất là khi hai nước lập Đại sứ quán ở thủ đô mỗi nước (năm 1976), quan hệ Việt Nam - Malaysia không ngừng phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Malaysia Najib Razak, tháng 4/2014.

Thống nhất trong chính trị, an ninh

Bước ngoặt quan trọng trong quan hệ là vào tháng 4/2004, hai nước đã ký "Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI" nhân chuyến thăm chính thức Malaysia của Thủ tướng Phan Văn Khải. Tới tháng 9/2011, trong chuyến thăm Malaysia cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên thảo luận về nguyên tắc đưa quan hệ phát triển lên tầm đối tác chiến lược. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 4/2014, Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí sẽ đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới - Đối tác chiến lược. Gần đây nhất, tại cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Najib Razak bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 tại Kuala Lumpur hồi tháng 4/2015, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về phương hướng tăng cường quan hệ trong thời gian tới.

Trong các cuộc gặp và hội đàm, lãnh đạo hai nước luôn khẳng định tầm quan trọng của việc đề cao sự thống nhất, vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, phù hợp với nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi của luật quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tránh sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và kiềm chế trong hành động; nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và đẩy nhanh nỗ lực để đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Hỗ trợ về kinh tế

Việt Nam và Malaysia có những lợi thế để hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển như vị trí địa lý thuận lợi cho việc đi lại giao dịch và vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, nhiều hiệp định hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, bưu chính viễn thông được ký kết, tạo khuôn khổ pháp lý trong giao dịch làm ăn. Hai bên cũng không ngừng xây dựng và hoàn thiện các chính sách, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước trong việc tìm hiểu thị trường, khai thác tiềm năng kinh tế và tranh thủ cơ hội kinh doanh.

Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba trong ASEAN và lớn thứ chín trên toàn thế giới của Việt Nam. Năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 8,1 tỷ USD và tính đến tháng 5/2015 đạt 3,08 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia các mặt hàng chủ yếu như dầu thô, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, cao su và gạo; trong khi nhập khẩu từ Malaysia chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dầu mỡ động thực vật, xăng dầu các loại, máy móc thiết bị và phụ tùng, chất dẻo. Hai nước đã ký bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp, trong đó có việc đẩy mạnh hợp tác xuất khẩu nông sản và thủy sản và phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 11 tỷ USD vào năm 2015.

Malaysia là thị trường nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam. Việt Nam luôn dành ưu tiên cao cho hợp tác thương mại gạo với Malaysia, đề nghị hai bên xem xét ký riêng Bản Ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo cấp chính phủ nhằm tạo khung pháp lý, đưa hoạt động này đi vào ổn định, góp phần ổn định thị trường gạo khu vực và đảm bảo an ninh lương thực của Malaysia.

Về đầu tư, tính đến tháng 2/2015, Malaysia có 493 dự án, đứng thứ 8 trên 101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số vốn 10,8 tỷ USD. Các dự án đầu tư của Malaysia vào Việt Nam tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực năng lượng, lắp ráp ôtô, sản xuất phụ tùng ôtô, sản xuất và chế biến thực phẩm, nông sản, đồ uống, giáo dục đào tạo, xây dựng, ngân hàng và khách sạn. ... Trong khi đó, Việt Nam đầu tư 11 dự án tại Malaysia với tổng vốn 812,6 triệu USD, trong đó có hai dự án trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí với tổng vốn đạt 558 triệu USD.

Sẻ chia nguồn lao động

Chính phủ Malaysia chính thức mở cửa thị trường lao động cho Việt Nam từ năm 2002 và nhất trí đưa vấn đề lao động thành một lĩnh vực hợp tác mới giữa hai nước. Hai nước đã ký Bản ghi nhớ (MOU) cấp Chính phủ về tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia (12/2003) và nhất trí sẽ xem xét việc sửa đổi Bản ghi nhớ này cho phù hợp với tình hình hiện nay, hạn chế các tranh chấp lao động và đảm bảo lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia. Thủ tướng Malaysia Najib Razak mới đây khẳng định Malaysia sẽ cùng thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia, đặc biệt là trong tiếp cận với các công việc có tay nghề và thu nhập ổn định, nhất trí hai bên sớm ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia trong năm 2015. Theo Ban quản lý Lao động và Chuyên gia Việt Nam tại Malaysia, từ tháng 12/2014 đến nay, hai nước đã tiến hành 3 phiên đàm phán về MOU giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia về việc làm của người lao động Việt Nam tại Malaysia và Bản ghi nhớ giữa hai chính phủ về việc tuyển dụng và bố trí lao động giúp việc gia đình Việt Nam tại Malaysia.

Malaysia là thị trường tiếp nhận nhiều lao động phổ thông, phù hợp với mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa hai nước đã phát triển tốt đẹp trong những năm qua, giải quyết được phần nào nhu cầu công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam. Lao động Việt Nam chủ yếu làm việc trong các nhà máy, công xưởng trong các lĩnh vực điện, điện tử, cơ khí, may mặc, sản xuất đồ dân dụng, găng tay y tế, đồ gỗ, xây dựng, chế tác vàng và làm việc tại gia đình. Hiện có khoảng 80.000 lao động Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại Malaysia.

Để tiến tới quan hệ đối tác chiến lược, Việt Nam và Malaysia đang nỗ lực thúc đẩy quá trình hoàn tất các thủ tục, sớm kết thúc đàm phán một số hiệp định và thỏa thuận để chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Điều này sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hai nước, vì hạnh phúc, phồn vinh, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở Đông Nam Á cũng như của ASEAN.

Nằm ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia có nguồn gốc từ các vương quốc Mã Lai hiện diện trong khu vực. Từ thế kỷ XVII, các tiểu vương quốc trên bán đảo Ma Lai bắt đầu lệ thuộc vào Đế quốc Anh. Sau khi được Anh trao trả độc lập, ngày 31/8/1957, Liên bang có tên là Malaya tuyên bố trở thành quốc gia độc lập và ngày 16/9/1963, Liên bang được hợp nhất với Bắc Borneo, Sarawak và Singapore vào, với từ si được thêm vào quốc hiệu mới là Malaysia. Mặc dù là một quốc gia đa sắc tộc và đa văn hóa, nhưng Malaysia là một dân tộc đoàn kết và thống nhất và kinh tế ngày càng phát triển. Hiến pháp tuyên bố Hồi giáo là quốc giáo trong khi vẫn bảo vệ quyền tự do tôn giáo.

Khi giành được độc lập, Malaysia là một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu. Tuy nhiên, trong những năm 1990, nhờ có biện pháp khắc phục khủng hoảng đúng đắn, trong đó có việc ấn định tỷ giá và kiểm soát vốn, từ đầu năm 1999 đến nay, Chính phủ Malaysia đã thành công trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế. Từ năm 2010 đến nay, mặc dù kinh tế thế giới còn nhiều thách thức, Malaysia vẫn duy trì tăng trưởng đều đặn ở mức trung bình khoảng 6%/năm. Hiện Malaysia có một nền kinh tế thị trường công nghiệp mới, có GDP danh nghĩa xếp thứ ba tại Đông Nam Á và xếp thứ 29 trên thế giới. Chính phủ hiện nay của Thủ tướng Najib Razak đã và đang đẩy mạnh thực hiện "Mô hình kinh tế mới" (NEM) và "Tầm nhìn 2020" nhằm đưa Malaysia trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình trên đầu người đạt 15.000 USD vào năm 2020.

Trong chính sách đối ngoại, Malaysia thúc đẩy quan hệ hữu nghị vững chắc với các nước Đông Nam Á, thiết lập môi trường ổn định và hòa bình trong khu vực, đảm bảo và phát huy lợi ích kinh tế quốc tế của Malaysia thông qua việc thắt chặt quan hệ trực tiếp với các nước khác hoặc các diễn đàn đa phương, tăng cường hợp tác kinh tế với các nước đang phát triển thông qua sự ủng hộ mạnh mẽ và thúc đẩy quan hệ Nam - Nam.

PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn