Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực”.
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Nguồn: BGT) |
Trong đó, Đề án có mục tiêu xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông trong nước, gắn kết chiến lược phát triển giữa các ngành nhằm phát triển vận tải đa phương thức, đưa Việt Nam trở thành cửa ngõ kết nối Đông Nam Á tới Ấn Độ Dương.
Đề án cũng nêu, Việt Nam phấn đấu hình thành khung kết nối hạ tầng theo chương trình tổng thể kết nối ASEAN, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đồng thời kết nối một cách tương đối đồng bộ mạng hạ tầng trong nước với khung hạ tầng kết nối khu vực ASEAN, nhất là các tuyến trục chính thuộc các hành lang Đông Tây. Hài hòa hóa một bước căn bản về các chính sách thương mại, đầu tư và xuất nhập cảnh với các quốc gia trong khu vực đảm bảo giao thương thuận lợi, nâng cao hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng kết nối khu vực nói riêng.
Đề án nêu rõ định hướng chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực giai đoạn đến năm 2020 và năm 2030. Đề án tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ: đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh... và đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ bản đưa vào cấp kỹ thuật các tuyến quốc lộ, nối thông và nâng cấp các quốc lộ thuộc hệ thống vành đai phía Bắc, phía Tây Nam, tuyến nối các cảng biển Việt Nam với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia...
Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc để phấn đấu đến năm 2020 đưa vào khai thác khoảng 2.000 km; tập trung đầu tư tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh; tập trung hoàn thành các dự án còn lại trên tuyến để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe; đầu tư hệ thống đường ven biển, hành lang và đường tuần tra biên giới theo quy hoạch được duyệt.