📞

Việt Nam - Myanmar: Thiết lập khuôn khổ hợp tác mới

09:59 | 24/08/2017
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được kỳ vọng sẽ mở ra chương mới về hợp tác và phát triển trong quan hệ hai nước, đặc biệt vào thời điểm tại Myanmar đang có những chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi dân chủ và cải cách kinh tế.

Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương đã chia sẻ như vậy với TG&VN trước thềm chuyến thăm.

Nhận định của Đại sứ về quan hệ Việt Nam - Myanmar hiện nay?

Năm nay, Việt Nam và Myanmar kỷ niệm 42 năm quan hệ ngoại giao và 70 năm Việt Nam thành lập Văn phòng thông tin liên lạc đầu tiên tại Myanmar. Tuy nhiên, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã có lịch sử phát triển khá dài, từ những ngày được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Aung San đặt nền móng đến nay.

Đại sứ Việt Nam Luận Thùy Dương và Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Htin Kyaw.

Không ít người biết rằng, năm 1947, hai năm sau khi Việt Nam giành độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi ba bức thư cảm ơn người dân toàn thế giới đã ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam, và hai trong ba bức thư đó để cảm ơn lãnh đạo và người dân Myanmar.

Trải qua chặng đường hơn 40 năm, quan hệ hai nước đã phát triển trên tất cả các mặt. Giờ là lúc hai bên cần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác của mình, và cũng đã đến lúc nâng tầm quan hệ hai nước, không chỉ vì bề dày của tình hữu nghị truyền thống mà còn vì mối quan hệ đối tác giữa hai bên. Tôi tin tưởng rằng, với việc thiết lập khuôn khổ quan hệ mới, hợp tác hai bên sẽ được thúc đẩy, góp phần mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

Đại sứ có thể chia sẻ những ý nghĩa nổi bật của chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư?

Đây là chuyến thăm của Tổng Bí thư đảng ta tới Myanmar sau 20 năm, kể từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười năm 1997.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được kỳ vọng sẽ mở ra chương mới về hợp tác và phát triển trong quan hệ hai nước, đặc biệt vào thời điểm tại Myanmar đang có những chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi dân chủ và cải cách kinh tế.

Dự kiến trong chuyến thăm, tại các cuộc hội đàm, gặp gỡ giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các nhà lãnh đạo cao nhất của Myanmar, trong đó có Tổng thống Htin Kyaw, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Chủ tịch Quốc hội và Tổng Tư lệnh Myanmar, hai bên sẽ xác định phương hướng phát triển quan hệ để tạo bước đột phá cho hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác, đặc biệt về thương mại, đầu tư, và mở rộng sang những lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, văn hóa và giáo dục… Trong chuyến thăm, hai nước sẽ ký các văn bản hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, hải quan, văn hóa và giáo dục.

Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn thứ bảy vào Myanmar. Tuy nhiên, lại không có nhà đầu tư Myanmar nào có mặt tại Việt Nam?

Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Myanmar thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu đáng kể, thể hiện rõ nhất trên hai lĩnh vực chủ yếu là thương mại và đầu tư. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 548,3 triệu USD, tăng 26% so với năm 2015, và vượt mức đề ra là 500 triệu USD.

Về đầu tư, nếu năm 2016, Việt Nam đứng thứ 10 trong danh sách 47 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Myanmar, thì bảy tháng đầu năm nay, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ bảy trong tổng số 49 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Myanmar. Tổng vốn đầu tư hiện ở mức trên 2,0 tỷ USD, gần gấp ba lần tổng vốn đầu tư năm 2016 (với 695 triệu USD vốn đầu tư được cấp phép).

Hiện nay, hầu như mọi người dân Myanmar đều biết đến Trung tâm thương mại Myanmar Plaza do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xây dựng tại Yangon. Dự án khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ dịch vụ Myanmar Centre của Tập đoàn này đã hoàn tất giai đoạn một và đang triển khai giai đoạn hai. Bên cạnh đó, không thể không kể đến Mytel - dự án liên doanh cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ viễn thông do Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) và đối tác Myanmar thực hiện với tổng vốn đăng ký 1,384 tỷ USD… Đến nay, Việt Nam đã có gần 170 hiện diện thương mại tại Myanmar dưới nhiều hình thức: văn phòng đại diện, chi nhánh công ty, công ty liên doanh và công ty 100% vốn Việt Nam.

Hiện Myanmar chưa có hoạt động đầu tư nào tại Việt Nam, một phần do đất nước này mới mở cửa, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế trong nước trên tất cả mọi lĩnh vực và chưa ưu tiên đầu tư ra nước ngoài. Không chỉ tại Việt Nam mà tại các nước khác, cũng có rất ít sự hiện diện của các nhà đầu tư Myanmar. Do vậy, tôi cho rằng, trong thời gian tới, để phù hợp với chính sách kinh tế của Myanmar – chú trọng xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, chúng ta cần ưu tiên tăng cường đẩy mạnh các hoạt động thương mại giữa hai nước.

Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ hai nước trong Cộng đồng ASEAN, đặc biệt khi Cộng đồng đang đứng trước nhiều thách thức chung như hiện nay? Việt Nam và Myanmar sẽ phối hợp như thế nào trong Cộng đồng ASEAN để giải quyết những thách thức chung như chủ nghĩa khủng bố quốc tế, biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải?

Để giải quyết những thách thức chung đối với các nước ASEAN, thứ nhất, chúng ta cần phải có sự thừa nhận cũng như có quan điểm chung về những thách thức chung này. Đó là lý do chúng ta cần có thêm những cuộc thảo luận để tăng cường hiểu biết chung giữa các nước ASEAN về những thách thức chung của khối. Thứ hai, trong ASEAN hiện có nhiều cơ chế để giải quyết các thách thức mà khối đang đối mặt và chúng ta phải sử dụng hiệu quả các cơ chế này. Thứ ba, để giải quyết thách thức chung cần có tiếng nói, nền tảng chung. Mà để có tiếng nói chung, các nước ASEAN phải tăng cường sự thống nhất trong khối. Chúng ta phải duy trì được những nguyên tắc cơ bản để giữ được sự thống nhất. Còn để có một nền tảng chung, các nước ASEAN cần cùng nhau tạo ra một hệ thống pháp lý phù hợp và thống nhất hơn. Cuối cùng nhưng quan trọng nhất, chúng ta cần sự cam kết mạnh mẽ giữa các nhà lãnh đạo các nước ASEAN, cũng như cần sự kết nối mạnh mẽ hơn giữa người dân trong khối. Làm được như vậy, cả khối ASEAN sẽ có một quan điểm chung và một sức mạnh tổng hợp để giải quyết những thách thức chung, qua đó sẽ cùng nhau hướng tới sự phát triển hòa bình và bền vững trong khu vực.

Thời gian qua, Việt Nam và Myanmar đã thường xuyên trao đổi thông tin, tham khảo lẫn nhau về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm; luôn thể hiện là đối tác, bạn bè tin cậy, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hai nước cũng đã có sự phối hợp rất chặt chẽ trong các cơ chế hợp tác khu vực để giải quyết các thách thức chung. Hai bên đã nỗ lực rất nhiều vì sự thống nhất trong khối ASEAN, và sẽ tiếp tục nỗ lực đó trong bối cảnh phát triển mới của khu vực, để có thể đương đầu và giải quyết các thách thức như chống khủng bố quốc tế, chống ô nhiễm môi trường, giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh hàng hải…

Nhận định của Đại sứ về triển vọng quan hệ hai nước trong tương lai?

Như các nhà lãnh đạo hai bên từng đề cập, và thực tế cũng cho thấy, Việt Nam và Myanmar có rất nhiều điểm tương đồng. Bên cạnh đó, hai bên có lịch sử phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác lâu dài. Giờ đây, quan hệ hai bên sẽ được nâng cấp lên một khuôn khổ quan hệ mới, từ đó giúp hai bên có thêm điều kiện và cơ sở để phát triển quan hệ song phương.

Tuy nhiên, để quan hệ song phương thực sự phát triển đáp ứng mong muốn và kỳ vọng, điều quan trọng là người dân hai nước cần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đặc biệt giữa thế hệ trẻ. Tôi hy vọng sẽ có sự giao lưu nhiều hơn giữa các bạn trẻ hai nước. Bên cạnh đó, cần phải có thêm các hoạt động giao lưu văn hóa để tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Khi đó, chúng ta sẽ trở thành một gia đình trong ngôi nhà chung ASEAN, cùng nhau hội nhập sâu hơn vào khu vực và rộng hơn ra thế giới.

Xin cảm ơn Đại sứ!

(thực hiện)