📞

Việt Nam-Nga: Để tình hữu nghị trường tồn với thời gian

Nhã Anh 08:08 | 24/09/2021
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 25-28/9. Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng về mọi mặt của đời sống nhân dân hai nước, chuyến thăm có nhiều ý nghĩa thiết thực.

Năm 1950, Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết (Liên Xô), nay Liên bang Nga là nước kế thừa, là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.

Lễ khai mạc các hoạt động Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam, diễn ra tại Moscow, Nga, ngày 23/5/2019.

Nền tảng vững chắc

Trong quá khứ, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình về cả vật chất lẫn tinh thần từ người anh em Liên Xô. Từ tinh thần thép và tình đồng đội thiêng liêng của những người chiến sĩ cộng sản ấy, Việt Nam đã được tiếp thêm sức mạnh trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Với nền tảng vững chắc như bàn thạch đó, hơn bảy thập niên qua, quan hệ chính trị Việt Nam - Nga có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố bất chấp mọi biến động trên thế giới.

Trong chặng đường dài đó, có ba dấu mốc quan trọng nhằm kế thừa và phát huy tình hữu nghị truyền thống đặc biệt của Việt Nam và Liên Xô trong quá khứ.

Năm 1994, hai nước ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ trong giai đoạn phát triển mới.

Năm 2001, với việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có khuôn khổ Đối tác chiến lược với Việt Nam.

Đến năm 2012, với mong muốn đưa quan hệ lên một tầm cao mới, hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, khuôn khổ quan hệ cao nhất của Việt Nam vào năm 2012.

Với tiền đề là những cái “đầu tiên” và “cao nhất” đó, hiện nay, mối quan hệ này đang tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ về cả chiều sâu lẫn chiều rộng vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko, ngày 22/7. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đưa quan hệ đi vào hiệu quả, thực chất

Trong những năm qua, trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, đặc biệt là cấp cao, diễn ra thường xuyên. Từ năm 2020, dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, tiếp xúc cấp cao song phương vẫn được duy trì dưới nhiều hình thức linh hoạt như điện đàm, hội nghị trực tuyến giữa lãnh đạo chủ chốt của hai nước.

Nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đi vào thực chất, hai bên duy trì nhiều cơ chế phối hợp và đối thoại như Đối thoại chiến lược ngoại giao - quốc phòng - an ninh thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao, Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng… Ngoài ra, hai bên tiến hành tham vấn chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao và cấp cục, vụ trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.

Trong các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên có nhiều quan điểm song trùng, thường xuyên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố niềm tin ở châu Á (CICA)...

Về vấn đề Biển Đông, Nga ủng hộ lập trường của Việt Nam về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC).

Một trong những thành tố quan trọng bậc nhất cấu thành nên mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước là quan hệ kinh tế - thương mại.

Việc Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á - Âu, mà Nga là thành viên, có hiệu lực từ tháng 10/2016, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư cho cả hai bên.

Trên cơ sở đó, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, hai bên duy trì đà tăng trưởng tích cực. Năm 2020, kim ngạch thương mại đạt 4,85 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2019. Trong nửa đầu năm 2021 đạt 2,6 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Về đầu tư, tính đến hết năm 2019, Nga đứng thứ 25 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 137 dự án và tổng số vốn đăng ký khoảng 943 triệu USD. Đầu tư của Nga tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khai khoáng, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo...

Trong khi đó, Việt Nam cũng có hơn 20 dự án đầu tư sang Nga với tổng vốn gần 3 tỷ USD, chủ yếu của các dự án Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Trung tâm Văn hóa - Thương mại Hà Nội - Moscow, và Chăn nuôi bò sữa và nông nghiệp của Tập đoàn TH.

Một trong các trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt là hợp tác năng lượng. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, các tập đoàn dầu khí lớn của Nga như Gazprom và Rosneft đang triển khai nhiều dự án tại thềm lục địa Việt Nam, bao gồm tại các khu vực xa bờ, mang lại lợi ích chung cho cả hai nước.

Tại Nga, Liên doanh Dầu khí Rusvietpetro đang triển khai dự án khai thác dầu khí tại Khu tự trị Nenets, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, và các lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, du lịch cũng không ngừng được củng cố và mở rộng.

Đặc biệt, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hai nước đã phối hợp chặt chẽ trong ứng phó với dịch bệnh, nhất là hợp tác về việc cung ứng và chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine Covid-19.

Tính đến hết năm 2019, Nga đứng thứ 25 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 137 dự án và tổng số vốn đăng ký khoảng 943 triệu USD. Việt Nam cũng có hơn 20 dự án đầu tư sang Nga với tổng số vốn gần 3 tỷ USD.

Hướng tới tương lai hậu Covid-19

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 25-28/9. Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng về mọi mặt của đời sống nhân dân hai nước, chuyến thăm chính thức tới Nga của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn có nhiều ý nghĩa thiết thực.

Thứ nhất, đây là chuyến thăm chính thức tới Nga đầu tiên của một đồng chí lãnh đạo trong Chính phủ Việt Nam kể từ khi đại dịch bùng phát, là một bước chuẩn bị cho chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Nga trong thời gian tới.

Thứ hai, góp phần thúc đẩy hợp tác về nhiều mặt giữa hai nước, nhất là trao đổi và phối hợp hành động giữa hai Bộ Ngoại giao.

Thứ ba, chuyển tải thông điệp về một Việt Nam có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Thứ tư, thể hiện sự coi trọng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga, khẳng định Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại và là đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam.

Thứ năm, đề ra phương hướng và các biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, đưa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đi và chiều sâu, hiệu quả trên mọi lĩnh vực.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc phòng chống dịch, thúc đẩy ngoại giao vaccine, đề nghị Nga cung ứng, viện trợ vaccine Covid-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19 cho Việt Nam.

Thứ bảy, lên kế hoạch đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch hậu Covid-19 nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch, thực hiện “mục tiêu kép”.

Thứ tám, mở rộng đối ngoại nhân dân, tận dụng lợi thế của cộng đồng người Việt đông đảo tại Nga (khoảng 60-80 nghìn người) làm cầu nối vững chắc, phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước.

Với những ý nghĩa tốt đẹp, cao cả đó, chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ tạo xung lực mới để hai nước phát huy và nâng tầm những truyền thống hữu nghị tốt đẹp vốn có, cùng nhau vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế.

Có thể nói, hai đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Nga là những người anh em lâu năm, là những người bạn đáng tin cậy. Bằng thứ tình cảm trong sáng, tích cực, chân thành, hai nước Việt - Nga có thể cùng nhau vượt qua mọi thử thách để nối dài những trang sử vẻ vang về một mối quan hệ hữu nghị truyền thống luôn trường tồn với thời gian.