Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. (Nguồn: TTXVN) |
Trải dài hơn 70 năm, quan hệ Việt Nam và Liên Xô, nay là Liên bang Nga về tổng thể là điểm sáng, chứa đựng nhiều nét đặc biệt.
Cơ duyên và những điều đặc biệt
Đầu tiên là cơ duyên. Những năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô, tìm ra con đường giải phóng dân tộc qua “Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa”. Sự kiện cách đây một trăm năm là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho một mối quan hệ đặc biệt.
Trong những năm tháng cam go của cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam và những biến thiên, thăng trầm của thế giới, khu vực, của mỗi nước, hai dân tộc, nhân dân hai nước đã sát cánh bên nhau. Tình hữu nghị được vun đắp bằng mồ hôi, máu của nhân dân hai nước. Một số chuyên gia Liên Xô đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trên các công trình xây dựng, hợp tác kinh tế thời bình.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến có sự giúp đỡ to lớn, chí tình, chí nghĩa của Liên Xô. Thủy điện Hòa Bình, Liên doanh Vietsovpetro, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, mô hình có một không hai, là những công trình mang tính biểu tượng trong giai đoạn xây dựng, phát triển
đất nước... Trong lúc Nga bị nhiều nước tẩy chay, trừng phạt, Việt Nam vẫn duy trì, củng cố quan hệ, hợp tác. Việt Nam mở rộng quan hệ với một số nước là đối thủ của Nga, nhưng không làm phương hại đến quan hệ, lợi ích chung giữa hai nước.
Việt Nam và Nga có cách tiếp cận, gần gũi, tương đồng trên nhiều vấn đề quốc tế, khu vực; phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực. Thủy chung, gắn bó trong thế giới đầy biến động là nét đặc biệt giữa hai nước.
Dấu ấn đặc biệt là tình cảm sâu đậm của nhân dân hai nước. Đối với nhiều người Liên Xô (Nga), Việt Nam là dân tộc thủy chung, thân thiện, trọng tình, cần cù, anh dũng. Trong sâu thẳm tâm hồn của các sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, hàng chục ngàn sinh viên, cán bộ, thanh niên học tập, công tác, lao động ở nước bạn và cả những người biết xứ sở Bạch Dương qua phim ảnh, tiểu thuyết, âm nhạc.., đất nước, văn hóa Liên Xô (Nga) luôn là thứ say đắm, người dân đôn hậu, trọng tình bạn, vị tha, hào phóng…
Trải qua thử thách của biến cố, thời gian, quan hệ giữa hai nước không ngừng phát triển, đạt đến tầm cao nhất - Đối tác chiến lược toàn diện. Đến nay, Việt Nam mới chỉ thiết lập quan hệ ở mức cao nhất với ba nước.
Điều làm nên sự gắn bó là truyền thống hữu nghị, thủy chung, đồng điệu về tâm hồn, tình cảm; tương đồng về cốt cách dân tộc mạnh mẽ, bản lĩnh kiên cường, bất khuất, đặc biệt là sự song trùng lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong đó, sự tin cậy chính trị ở tầm cao là nhân tố mở đường, nền móng cho quan hệ, hợp tác trên các lĩnh vực, trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko tham quan triển lãm ảnh “Hai thập niên quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam qua những bức ảnh của phóng viên TTXVN và TASS”. (Nguồn: TTXVN) |
Thực sự là Đối tác chiến lược toàn diện
Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga đến năm 2030 và các hoạt động trong chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu (từ ngày 29/11-2/12), thể hiện tập trung, nổi bật những vấn đề cơ bản, cốt lõi trong quan hệ giữa hai quốc gia và những vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Đó là tính toàn diện trên các lĩnh vực, tầm chiến lược của quan hệ, những định hướng chính để phát huy truyền thống, đưa quan hệ song phương phát triển thiết thực, hiệu quả lên tầm cao mới. Trong đó, tin cậy chính trị, truyền thống hữu nghị là nền tảng, động lực; hợp tác quốc phòng, an ninh, quân sự có vị trí đặc biệt quan trọng; hợp tác kinh tế là trụ cột; hợp tác giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là một trong những hướng hợp tác chủ chốt…
Hai nước tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống và mới. Hợp tác kinh tế tận dụng thế mạnh của hai nước trong xuất, nhập khẩu, đầu tư, tài chính - tín dụng, công nghiệp, khai khoáng, công nghệ cao, giao thông vận tải, nông, lâm nghiệp… Hợp tác năng lượng, dầu khí mở ra những dự án mới, xứng đáng là trụ cột quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa cả về kinh tế và chủ quyền quốc gia. Tăng cường hợp tác toàn diện trong lĩnh vực an ninh thông tin quốc tế, xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh mạng… chỉ dấu sự tin cậy giữa hai quốc gia. Nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện, cùng có lợi, với hợp tác kinh tế là trụ cột, làm cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện nói chung, quan hệ chính trị nói riêng thêm sinh động, thực chất, giàu sức sống và bền vững.
Các vấn đề quốc tế, khu vực được quan tâm đề cập với dung lượng thích đáng. Nguyên tắc cơ bản trong quan hệ Việt Nam - Nga là bình đẳng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; ủng hộ xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế dân chủ, công bằng hơn, trên cơ sở thượng tôn pháp luật quốc tế, các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Hai nước khẳng định hợp tác Việt Nam - Nga không nhằm chống lại bất kỳ bên thứ ba nào, không làm phương hại đến an ninh của quốc gia khác. Hợp tác quốc phòng, an ninh, quân sự và dầu khí giữa hai nước trước đây và thời gian tới là những biểu hiện sinh động cho nguyên tắc đó. Đây là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm mà các nước rất quan tâm.
Những nguyên tắc, định hướng nêu trên đáp ứng lợi ích, nâng cao vai trò của mỗi nước, trong quan hệ hợp tác song phương, đa phương, đồng thời góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới. Điều đó thể hiện trách nhiệm, đóng góp của Việt Nam và Liên bang Nga cho khu vực, thế giới.
Các nghệ sĩ biểu diễn trong một buổi hòa nhạc nhân dịp lễ khai mạc Năm Chéo hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga, tại thủ đô Moscow năm 2019. (Ảnh: Aleksanđr Astafiev/TASS). |
Mở hướng đi mới
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Liên bang Nga nói chung, chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói riêng giành được sự quan tâm và đánh giá cao của nhiều nhà chính trị, ngoại giao, học giả quốc tế. Nhiều cụm từ xuất hiện với tần suất lớn như tạo động lực, đột phá, mở hướng đi mới, làm sâu săc hơn, nâng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện lên tầm cao mới..., đặc biệt là sự ghi nhận về “hình mẫu cho hợp tác lẫn nhau”.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vladimir Kolotov (Đại học Tổng hợp Saint Petersburg) đánh giá: “Bất chấp mọi khó khăn có tính khách quan, chủ quan, ngay cả khi so sánh với những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thực tiễn ngoại giao, thì sự tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và Nga vẫn ở mức cao nhất, điều này đặc biệt có giá trị trong thời kỳ đầy biến động của thời đại chúng ta”. Theo Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu Á – Âu, Grigory Trofimchuk, quan hệ Việt Nam - Nga góp phần giải quyết các vấn đề chính trị quan trọng, bất ổn ở khu vực.
Quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga có sự song trùng lợi ích quốc gia lâu dài, đồng thời dựa trên nền tảng truyền thống bạn bè hữu nghị, sự tin cậy chính trị cao.
Nét đặc biệt trong quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga, sự hội tụ các yếu tố tạo cơ sở cho một quan hệ bền lâu, đi cùng năm tháng, vượt qua các mốc hữu hạn của thời gian.
| Tương lai chung hòa bình, thịnh vượng cho cả hai đất nước Việt Nam-Nga Theo Đại sứ Ngô Đức Mạnh, người vừa kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Liên bang Nga vào tháng 4, chuyến thăm chính thức ... |
| Tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Liên bang Nga Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, sáng 2/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Đảng Cộng sản ... |