Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nguyên Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại APEC 2011. |
Còn nhiều tiềm năng...
Đấy là nhận định của Chủ tịch Trương Tấn Sang về quan hệ Việt Nam-LB Nga khi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Itar Tass và Đài Truyền hình Quốc gia Nga.
Theo Chủ tịch, những năm qua, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – LB Nga không ngừng phát triển, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả với nội hàm ngày càng phong phú. Quan hệ hợp tác trong tất cả các lĩnh vực được đẩy mạnh, nổi lên một số lĩnh vực có tính chiến lược cho sự phát triển của hai nước như năng lượng và kỹ thuật quân sự...
Hợp tác năng lượng là điểm sáng trong quan hệ Việt - Nga và đã đạt nhiều thành quả quan trọng. Bên cạnh việc gia hạn hoạt động của Liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, hai bên tiếp tục mở rộng hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam và LB Nga, tiến tới các nước thứ ba. Tại Việt Nam, bên cạnh Gazprom và Zarubezhneft, các Tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga như Lukoil và TNK-BP đã bắt đầu triển khai các dự án dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. Tại Nga, Liên doanh Rusvietpetro đã khai thác dòng dầu đầu tiên tại mỏ Bắc Khô-xê-đa-út tháng 9/2010, tại mỏ Vi-xô-vôi tháng 7/2011 và dự kiến sẽ đưa vào vận hành mỏ Tây Khô-xê-đa-út trong cuối tháng 7/2012. Liên doanh Gazpromviet đang tích cực triển khai các công tác liên quan sớm đưa mỏ khí đầu tiên vào khai thác trong năm nay.
Hợp tác trên lĩnh vực điện hạt nhân là bước đột phá lớn, với việc hai nước ký Hiệp định liên Chính phủ về xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam tháng 10/2010. Hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần quan trọng củng cố an ninh và quốc phòng của Việt Nam nói riêng, hòa bình và ổn định tại khu vực nói chung, cũng như nâng cao vị thế và ảnh hưởng của LB Nga tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Mặt khác, hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và LB Nga, tuy phát triển tích cực thời gian qua, vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch thương mại của mỗi nước. Hợp tác đầu tư giữa hai nước còn khá khiêm tốn. Nga đầu tư vào Việt Nam chưa nhiều, tổng số vốn đăng ký chỉ đạt gần 1 tỷ USD, đứng thứ 23 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Giáo dục đào tạo là lĩnh vực hợp tác truyền thống, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước (Đã có hơn 100 nghìn cán bộ Việt Nam được đào tạo tại LB Nga; hiện có khoảng 6.000 lưu học sinh Việt Nam tại Nga; Mỗi năm có từ 500-700 sinh viên Việt Nam sang học tại Nga và con số này sẽ tiếp tục tăng lên). Nga có nhiều trường Đại học lớn, uy tín, với các chuyên ngành Việt Nam đang cần như năng lượng, kỹ thuật quân sự, y tế, tàu biển... sẽ là lựa chọn cho nhiều sinh viên Việt Nam.
Và nhiều mong đợi...
Khẳng định với báo chí Nga, Chủ tịch Trương Tấn Sang cho biết Ông có nhiều mong đợi trong chuyến thăm lần này:
“Tôi đến thăm nước Nga lần này trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển hết sức năng động, nhất là sau hơn 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Sự tin cậy chính trị ở mức độ cao, hợp tác trong mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế - thương mại và đầu tư ngày càng đi vào chiều sâu và thiết thực. Trong chuyến thăm lần này tôi mong muốn sẽ cùng Lãnh đạo LB Nga thống nhất những định hướng lớn cho việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt- Nga trong thời gian tới.”
Ông cũng tiết lộ một số nội dung sẽ được thảo luận như: bàn về việc sớm đàm phán ký kết FTA giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan (Nga, Belarus và Kazakhstan), nhằm tăng cường giao lưu thương mại giữa Việt Nam và Nga, tạo thuận lợi cho đầu tư ở mỗi nước, đẩy mạnh kim ngạch thương mại song phương lên mức 5 tỉ USD vào năm 2015, 10 tỉ vào năm 2020; trao đổi về việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, thăm dò và khai thác dầu khí; hỗ trợ các doanh nghiệp của hai nước, tăng cường đầu tư vào Việt Nam và Nga cũng như khả năng Việt Nam tham gia hợp tác với Nga trong Chiến lược phát triển vùng Viễn Đông Nga; trao đổi và thống nhất với Lãnh đạo Nga về các phương hướng hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và kỹ thuật - quân sự.
Ông bày tỏ: “Tôi tin tưởng cùng với việc tiếp tục củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp và sự tin cậy cao giữa lãnh đạo hai nước, chuyến thăm sẽ tạo xung lực mới để thúc đẩy mọi mặt quan hệ, nhất là kinh tế - thương mại và đầu tư, và các lĩnh vực truyền thống khác như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, hợp tác nhân văn.”
Xuân Thông