📞

Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với Áo và EU

19:03 | 23/07/2023
Theo Chủ tịch GÖV, Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với Áo và EU với tư cách là một địa điểm đầu tư và sản xuất, do quốc gia này hội nhập tốt vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực và toàn cầu.
Tiễn Chủ tịch nước và Phu nhân tại sân bay có Đại sứ Áo tại Việt Nam và Đại sứ Italy tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Alfred Gerstl, Chủ tịch Hội Áo-Việt Nam (GÖV), nhận định rằng chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Áo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa hai nước trong bối cảnh Áo và Việt Nam thường xuyên duy trì trao đổi đoàn ở cấp chính trị cao nhất.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Alfred Gerstl cho biết, ngoài việc thường xuyên trao đổi đoàn, gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg tháng 4/2023 để đáp lại chuyến thăm của người đồng cấp Việt Nam Bùi Thanh Sơn năm ngoái nhân kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, các đoàn doanh nghiệp của Áo cũng thường xuyên sang Việt Nam, chứng tỏ tầm quan trọng của quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Không chỉ có lợi ích về kinh tế, Áo - cũng như Liên minh châu Âu (EU) nói chung - rất quan tâm tới hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo ông Alfred Gerstl, đóng góp mà nước Áo nhỏ bé và trung lập có thể thực hiện để duy trì hòa bình và an ninh vẫn ở mức khiêm tốn.

Áo cùng với Ủy ban châu Âu và các nước EU khác có thể sử dụng các kênh ngoại giao để kêu gọi việc tuân thủ trật tự đa phương dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Đông Nam Á, đặc biệt là ở Biển Đông - nơi có các tuyến đường thương mại có tầm quan trọng thiết yếu đối với châu Âu.

Theo Phó Giáo sư Alfred Gerstl, đối với EU và Áo, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á, ngày càng trở nên quan trọng về kinh tế và chiến lược. Do Việt Nam có vai trò then chốt ở Đông Nam Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước châu Âu ngày càng mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Theo ông, trong nỗ lực này, Áo có lợi thế lớn bởi đây là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1972. Công cuộc Đổi mới với việc mở cửa nền kinh tế của Việt Nam đã tạo động lực mới cho quan hệ này.

Trong những năm 1990, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, cùng năm với việc Áo gia nhập EU, hợp tác giữa hai nước càng được đẩy mạnh. Một biểu tượng cho điều đó là chuyến thăm của Tổng thống Liên bang Áo lúc bấy giờ là ông Thomas Klestil tới Việt Nam năm 1995.

Ba năm sau, Đại sứ quán Áo tại Hà Nội được khai trương, bên cạnh một trung tâm ngoại thương của Áo ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, quan hệ đặc biệt về kinh tế giữa hai nước có sự phát triển vượt bậc.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Áo tại Đông Nam Á. Áo chủ yếu nhập khẩu đồ điện tử, đặc biệt là điện thoại di động, cũng như giày dép và quần áo, trong khi thực phẩm, các sản phẩm kim loại và đồ nội thất đang ngày càng trở thành những mặt hàng quan trọng hơn. Ngược lại, Áo xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm máy móc, thiết bị điện, dược phẩm và dụng cụ y tế.

Việt Nam cũng ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với Áo và EU với tư cách là một địa điểm đầu tư và sản xuất, do quốc gia này hội nhập tốt vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực và toàn cầu. Việt Nam có thể trở thành một trung tâm quan trọng của khu vực, đặc biệt nếu hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện hơn nữa.

Áo hiện có gần 60 công ty mở chi nhánh tại Việt Nam, với tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu euro. Áo có trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực Việt Nam đang cần, chẳng hạn như năng lượng tái tạo, xử lý nước và tái chế chất thải. Do vậy, hai bên có triển vọng rất lớn để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương.

Để có thể tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước, theo Chủ tịch GÖV Gerstl, ngoài các chuyến thăm lẫn nhau thường xuyên của lãnh đạo cấp cao, cần có sự đối thoại chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp hai nước.

Bên cạnh đó, giới khoa học hai bên cũng cần có trao đổi liên tục cũng như tăng cường trao đổi sinh viên giữa các trường đại học. Một dự án thú vị hiện nay giúp ích cho người dân cả hai nước là chương trình đưa y tá và điều dưỡng viên Việt Nam sang Áo học tập và làm việc, trong đó học viên học tiếng Đức ở Việt Nam và sau đó được đào tạo chuyên môn ở Áo.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Alfred Gerstl, Chủ tịch Hội Áo-Việt Nam (GÖV). (Nguồn: TTXVN)

Ngoài các trao đổi này, việc thiết lập quan hệ đối tác giữa các bang của Áo với các tỉnh thành của Việt Nam cũng cần được thúc đẩy. Với các chuyên gia và mạng lưới của mình, Hội Áo-Việt Nam cùng Hội Hữu nghị Việt Nam-Áo có thể hỗ trợ thiết lập các liên hệ và tiếp xúc cần thiết trong vấn đề này.

Chia sẻ về những đóng góp của Hội Áo-Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, Chủ tịch Gerstl cho biết kể từ khi được thành lập năm 1975, GÖV đã nỗ lực đưa thông tin về Việt Nam tới người dân Áo cũng như hỗ trợ người dân ở Việt Nam.

Sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, ưu tiên hàng đầu của GÖV là giúp tái thiết Việt Nam. Vào cuối những năm 1990, GÖV đã nhận bảo trợ trường nuôi trẻ mồ côi Mầm Non 6 tại Thành phố Hồ Chí Minh; hỗ trợ tài chính xây dựng một nhà trẻ... và những năm tiếp theo hỗ trợ thêm nhiều dự án trường học và nhà trẻ ở tỉnh Bến Tre.

Theo ông Gerstl, GÖV rất quan tâm đến sự phát triển kinh tế và chính trị của Việt Nam, cũng như chính sách đối ngoại của Việt Nam và tầm quan trọng mang ý nghĩa chiến lược ngày càng tăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Người đứng đầu GÖV cho rằng, ngay cả khi Việt Nam có dân số gần gấp 10 lần so với Áo, ông nhận thấy có nhiều điểm tương đồng đáng ngạc nhiên trong cách ứng xử của hai quốc gia với những nước lớn, đặc biệt là những nước láng giềng. Cả hai nước đang cố gắng duy trì quan hệ hữu nghị với tất cả các cường quốc cũng như với các quốc gia nhỏ hơn và để tránh sự phụ thuộc một chiều.

Theo ông Gerstl, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên hay người tiền nhiệm của ông là Peter Jankowitsch - nhà ngoại giao kỳ cựu và là Bộ trưởng Ngoại giao Áo, người là Chủ tịch GÖV trong hơn 20 năm (cho tới cuối năm 2022), là những người có đóng góp quan trọng vào sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa hai nước Áo và Việt Nam.

Cũng theo Chủ tịch Gerstl, GÖV hiện đang nỗ lực mở rộng các hoạt động văn hóa bên cạnh việc tổ chức các sự kiện và các buổi thuyết trình khoa học cho công chúng, trong đó có kế hoạch thực hiện triển lãm của các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam.

GÖV cũng tích cực hỗ trợ các sự kiện văn hóa của cộng đồng người Việt Nam tại Áo, thúc đẩy hơn nữa việc quảng bá nghệ thuật và văn hoá Áo rất được quan tâm ở Việt Nam. Các hoạt động này nhằm cổ vũ và khuyến khích người dân ở cả hai nước đóng góp nhiều hơn vào tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

(theo TTXVN)