Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) Kinoshita Tadahiro trả lời phỏng vấn Báo TG&VN. |
Xin chúc mừng ông vừa được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Trên cương vị mới, ông có nhận định gì về quan hệ hợp tác đầu tư kinh doanh giữa Nhật Bản và Việt Nam hiện nay?
Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có ý định đầu tư, tiếp cận thị trường Việt Nam nhưng việc này đã bị gián đoạn dưới tác động của đại dịch. Do đó, trong thời kỳ hậu Covid-19, khi các quy định phòng chống dịch được dỡ bỏ, rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến Việt Nam và có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện triển vọng hợp tác đầu tư giữa Nhật Bản và Việt Nam rất tốt, khi nhiều công ty Nhật Bản-đặc biệt là những công ty xuất khẩu hàng hóa sang các nước phương Tây có cơ sở sản xuất đặt ở Trung Quốc đang có xu hướng chuyển dịch cơ sở của mình sang Việt Nam (chiến lược “Trung Quốc + 1”).
Khi so sánh môi trường đầu tư trong các nước thành viên ASEAN, Việt Nam được đánh giá là điểm đến kinh doanh hứa hẹn nhất. Có hai điểm khiến Việt Nam hấp dẫn với các nhà đầu tư: Đó là sự ổn định về chính trị và mức lương của người lao động tương đối cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản, diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam, được khởi xướng từ năm 2003 trong 20 năm qua góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam; đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách giúp Việt Nam hoàn thiện luật pháp, chính sách… để có môi trường đầu tư ngày càng thu hút hơn.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu được đánh giá là đã bước vào giai đoạn suy thoái, môi trường kinh doanh quốc tế vẫn còn nhiều bất ổn như hiện nay, ông có thể nói về những khó khăn và thách thức của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam nói riêng trong giai đoạn hiện nay?
Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, là tốc độ phê duyệt dự án hiện còn chậm, đặc biệt là các dự án bất động sản và thương mại điện tử (e-commerce).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuân thủ những quy định của luật phòng cháy chữa cháy và lúng túng khi chuẩn bị để bảo đảm tuân thủ các quy định mới, khi Nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân có hiệu lực trong thời gian tới.
Trong đại dịch Covid-19 cũng như trong tiền trình phục hồi hậu đại dịch hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp nước ngoài. Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực này?
Nền kinh tế Việt Nam hậu đại dịch phục hồi rất nhanh, tốc độ tăng trưởng luôn được giữ ở mức trên 5%. Để làm được điều này, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều. Điều này được các doanh nghiệp nước ngoài ghi nhận.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm mạnh mẽ để chống tham nhũng. Đây là điều rất tốt. Tôi hy vọng, Việt Nam chú ý nhiều hơn vào đầu tư nước ngoài, bảo đảm quá trình phê duyệt dự án mới được nhanh chóng và thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư.
Trong thông điệp của Chủ tịch JCCI, ông nói rằng một trong những ưu tiên thời gian tới của Hiệp hội là tiếp tục thúc đẩy “cải thiện môi trường đầu tư” tại Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Như tôi đã chia sẻ, ba phương châm hoạt động chính trong năm 2023 của JCCI bao gồm: thứ nhất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; thứ hai, cải thiện môi trường sống cho các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội và gia đình của họ và thứ ba là phát triển mối quan hệ Nhật Bản và Việt Nam.
Liên quan đến phương châm cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, như tôi đã chia sẻ, Hiệp hội có một ủy ban liên quan phụ trách về môi trường đầu tư kinh doanh, thành viên là đại diện từ các doanh nghiệp. Ủy ban này thường tổ chức họp định kỳ và nêu những vấn đề từng doanh nghiệp đang vướng mắc và trao đổi với Chính phủ Việt Nam để có hướng giải quyết cho phù hợp.
Tiếp đó, như đề cập ở trên, là Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản. Cơ chế này tổ chức họp định kỳ một năm rưỡi một lần, thảo luận nhiều chủ đề khác nhau. Hiện Sáng kiến này đang ở giai đoạn thứ tám và đang thảo luận 11 chủ đề, chủ yếu liên quan đến luật và chính sách.
Các đề xuất này được trình lên Chính phủ Việt Nam thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau 20 năm hoạt động, Sáng kiến có nhiều chủ đề cũng như đề xuất thiết thực, hiệu quả và sâu rộng hơn, liên quan đến nền kinh tế số, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, giảm khí thải carbon… Đây là các lĩnh vực mà hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới.
Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, công trình sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản. (Ảnh: Lim Dim) |
Từ ngày 19-21/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chinh sẽ tới Nhật Bản dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 theo lời mời của Thủ tướng Kishida Fumio. Nhân dịp này, một hội nghị đầu tư Việt Nam-Nhật Bản sẽ được tổ chức tại Nhật Bản. Ông có thể nói về tầm quan trọng của chuyến thăm và tác động của chuyến thăm và của hội nghị này đến triển vọng hợp tác đầu tư song phương?
Tôi được biết trong chương trình Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị G7 mở rộng tại Nhật Bản lần này, sẽ diễn ra một hội nghị về đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ gặp riêng một số lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản.
Theo tôi, việc tổ chức hội nghị và các cuộc đối thoại như vậy trong thời điểm này là rất thích hợp, vì hiện là thời điểm phục hồi sau đại dịch và nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn quay lại đầu tư hoặc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Đây là cơ hội để họ có thể gặp mặt trực tiếp nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và nêu ra những vấn đề quan tâm, vướng mắc để kịp thời có giải pháp.
Được biết, Hiệp hội dự định tổ chức một sự kiện rất hoành tráng để kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Ông có thể chia sẻ chi tiết về dự án này, cũng như những hoạt động quan trọng khác của Hiệp hội trong năm kỷ niệm này?
JCCI có kế hoạch tổ chức một sự kiện rất lớn với dự kiến khoảng 1.000 người tham gia. Chương trình sẽ chia làm hai phần: thứ nhất là phần hòa nhạc, do các em nhỏ Việt Nam và Nhật Bản biểu diễn, với nội dung hướng về tương lai; thứ hai là Bản giao hưởng số chín của Beethoven-được thực hiện bởi sự kết hợp giữa dàn nhạc giao hưởng của Việt Nam, dàn hợp xướng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Bản. Bên cạnh đó, cũng có thể diễn ra màn bắn pháo hoa rất hấp dẫn.
Thêm vào đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức Giải chạy tiếp sức thường niên, nhưng có quy mô lớn hơn, với sự tham gia của nhiều người hơn, để có thể tạo ra sự lan tỏa lớn hơn, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Để nói về sự gắn bó, thân thiết giữa hai nước, trước đây, các nhà lãnh đạo hai bên thường hay nói rằng Việt Nam và Nhật Bản là “những người bạn cùng thuyền”, còn thời gian gần đây, chúng ta hay nghe thấy cụm từ “Việt Nam-Nhật Bản đồng hành hướng tới tương lai”. Ở dấu mốc quan trọng này, ông có thể chia sẻ nhận định cá nhân về tương lai quan hệ hai nước trong 50 năm tới?
Tôi đã sang Việt Nam làm việc được năm năm, nhưng trên thực tế tôi đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1989. Từ đó đến nay, tôi đã có hơn 100 chuyến công tác đến đất nước của các bạn. Tôi đã từng công tác ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Australia, Đức… nhưng cá nhân tôi thấy mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam là sâu sắc nhất. Người Việt Nam và người Nhật Bản rất giống nhau, đặc biệt ở sự kính trọng dành cho người lớn tuổi cũng như đức tính khiêm tốn và chăm chỉ.
Do có nhiều điểm tương đồng, nên rất dễ để kết nối Nhật Bản với Việt Nam. Tôi cho rằng trong 50 năm tới, mối quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp, gắn bó và thân thiết hơn.