Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono tại Hà Nội, ngày 13/9/2018. |
Hội nghị Tương lai châu Á do báo Nikkei tổ chức lần này là hội nghị quốc tế lớn nhất của Nhật Bản từ khi bắt đầu triều đại Lệnh Hòa. Với những mục tiêu cao cả của Triều đại Lệnh Hòa muốn đưa đất nước Nhật Bản xây dựng mục tiêu phát triển hòa bình hài hòa với nền hòa bình chung của nhân loại, thì Hội nghị sẽ là nơi Chính phủ Nhật Bản sẽ có những công bố chính sách mạnh mẽ, đóng góp vào nền hòa bình chung.
Mặt khác, khu vực châu Á nói chung và khu vực Đông Á cũng như Đông Nam Á nói riêng đang có những chuyển biến nhanh theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Âm hưởng chủ đạo của bản giao hưởng châu Á là chính sách của các nước mong muốn xây dựng một nền hòa bình lâu dài và vững chắc.
Vì một nền hòa bình
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam. |
Chúng ta có thể thấy rất rõ những nỗ lực của các nước, các tổ chức trong khu vực. Nhiều sáng kiến nhằm tìm kiếm những cơ chế đảm bảo hòa bình của khu vực, nhằm xây dựng những khuôn khổ hợp tác mới… được nhiều nước tham gia. Đặc biệt, có thể thấy rất rõ vai trò ngày càng lớn của Nhật trong hợp tác quốc tế nhằm ngăn ngừa nguy cơ xung đột, củng cố nền hòa bình, phục vụ mục tiêu phát triển mang lại phồn thịnh cho nhân dân.
Tuy nhiên, trong bản giao hưởng muôn vàn âm thanh say đắm lòng người, thì vẫn còn những nốt nhạc lạc điệu, làm cho bản giao hưởng không hoàn hảo như lòng người mong muốn.
Đó là ở trong khu vực châu Á vẫn nổi lên xu thế gia tăng chi phí quân sự, chạy đua vũ trang, xây dựng kho vũ khí hủy diệt… Đó là tham vọng tranh giành lãnh thổ, chủ quyền…. Đó là luật pháp quốc tế, những nguyên tắc cơ bản cùng tồn tại hòa bình của Liên hợp Quốc bị xâm phạm… Tương lai châu Á sẽ phụ thuộc vào sự tương tác, đấu tranh giữa những xu thế trái chiều này. Sáng kiến Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm tìm kiếm cơ chế hợp tác hữu hiệu bảo đảm cho một nền hòa bình vững chắc, cũng sẽ là một trong những nội dung quan tâm của các nước tham dự Hội nghị.
Mục tiêu hợp tác mới
Là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế và khu vực, Việt Nam đánh giá tầm quan trọng của Hội nghị tương lai châu Á và luôn tham gia vào nhiều nội dung của Hội nghị. Năm nay, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự, thể hiện sự coi trọng của nước ta với Hội nghị lần này.
Tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cho thấy Nhật Bản là nước cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam chiếm 1/3 tổng số vốn ODA của nước ngoài vào Việt Nam. |
Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo Việt Nam đến Nhật Bản trong triều đại Lệnh Hòa. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ cùng Ngoại trưởng Kono Taro đồng chủ trì phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản. Cuộc họp có ý nghĩa rất quan trọng nhằm xác định những mục tiêu hợp tác trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 45 năm thiết lâp quan hệ ngoại giao.
45 năm qua quan hệ hai nước đã liên tục phát triển để hôm nay chúng ta có được mối quan hệ mật thiết chưa từng có trên tất cả các địa tầng của mối quan hệ chính trị xã hội. Lãnh đạo cấp cao tin cậy, gắn bó, các tỉnh của hai nước hợp tác trực tiếp, qua lại thăm hỏi lẫn nhau, nhân dân hai nước quý trọng, và tin tưởng lẫn nhau, số lượng khách du lịch liên tục tăng với tốc độ cao.
Tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cho thấy Nhật Bản là nước cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam chiếm 1/3 tổng số vốn ODA của nước ngoài cấp cho Việt Nam. Điều đáng nói là sự hiệu quả của những dự án xây dựng bằng ODA của Nhật Bản đã góp phần to lớn làm nền tảng cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam, như hầm đường bộ Hải Vân, cầu Nhật Tân, sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất…
Những năm gần đây chứng kiến luồng đầu tư lớn của Nhật vào Việt Nam, với 3 năm liên tiếp từ 2017, tổng vốn đầu tư của Nhật Bản đứng thứ nhất trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Thương mại song phương cũng có nhiều phát triển tích cực. Năm 2018, thương mại hai chiều tăng trên 10%. Đặc biệt, ta thấy rõ hàng nông sản, hoa quả, rau của Việt Nam đang tưng bước xâm nhập thị trường Nhật Bản và dần chiếm được cảm tình của khách hàng Nhật Bản. Tuy nhiên, giữa hai nước cũng còn nhiều nội dung cần bàn để loại bỏ những rào cản, những trở ngại cho những sản phẩm nông sản của hai nước thâm nhập thị trường của nhau.
Tháo gỡ vướng mắc
45 năm qua quan hệ hai nước đã liên tục phát triển để hôm nay chúng ta có mối quan hệ mật thiết cao chưa từng có trên tất cả các địa tầng của mối quan hệ chính trị xã hội. |
Trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực, cọ xát nóng bỏng về thương mại giữa các nước cũng là những đòi hỏi khách quan là nội dung chủ đạo cho cuộc họp Ủy ban hợp tác lần thứ 11 này.
Xuất phát từ bối cảnh trên, Hội nghị lần này sẽ trao đổi thẳng thắn về những vướng mắc để cùng tháo gỡ; xác định những định hướng lớn mà chính phủ hai nước cần thông qua để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực đầu tư và thương mại.
Các dự án ODA trong giai đoạn mới cũng có thể là chủ đề hai bên sẽ trao đổi để tiếp tục nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của Nhật cho các dự án quan trọng có tính thiếu yếu đối với Việt Nam. Với chính sách thị thực mới vừa được Chính phủ Nhật Bản áp dụng từ tháng 4 vừa qua, Việt Nam là một trong những nước có nguồn lao động cao cấp mà Nhật Bản có nhu cầu, thì đây cũng sẽ là nội dung quan trọng để hai bên trao đổi nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện trao đổi lao động có lợi cho hai nước.