📞

Việt Nam nỗ lực gắn kết ASEAN - EU

08:54 | 31/07/2014
Nhân dịp Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - EU lần thứ 20 vừa kết thúc, ông Nguyễn Tiến Minh, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao đã điểm qua những đóng góp của Việt Nam, với vai trò điều phối quan hệ đối thoại ASEAN - EU, trong việc đưa quan hệ của hai khối này lên mức độ cao hơn.
Ông Nguyễn Tiến Minh, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao.

ASEAN - EU có mối quan hệ từ lâu. EU có rất nhiều đóng góp cho ASEAN, giúp đỡ, hỗ trợ ASEAN phát triển. Quan hệ Việt Nam - EU cũng đang phát triển tốt đẹp và có sự phối hợp chặt chẽ. Do vậy, trong giai đoạn Việt Nam bắt đầu làm điều phối viên quan hệ đối ngoại ASEAN - EU từ tháng 7/2012, Việt Nam mong muốn có những đóng góp cụ thể để đẩy mối quan hệ ASEAN - EU lên mức cao hơn và EU cũng kỳ vọng mối quan hệ giữa hai khối sẽ có những bước đột phá dưới thời kỳ Việt Nam làm điều phối viên.

Tìm những điểm đồng

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã hoạt động tích cực để tìm ra được những điểm đồng nhằm thúc đẩy hợp tác. Tuy nhiên, công việc này không phải dễ trong bối cảnh EU có 28 nước thành viên, ASEAN gồm 10 nước với rất nhiều ý kiến khác nhau. Việt Nam đã hết sức nỗ lực, trong đó có việc tiếp xúc với Đại sứ EU tại Hà Nội, Đại sứ EU tại ASEAN ở Jakarta và làm việc với Ủy ban châu Âu (EC) tại Bỉ để trao đổi về những đường điểm chung giữa hai bên để có thể tăng cường hợp tác.

Trên cơ sở xem xét nhu cầu ASEAN, EU và bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã chủ động tìm kiếm và đề xuất với EU tăng cường hỗ trợ ASEAN trong lĩnh vực xây dựng cộng đồng, cụ thể là hỗ trợ ASEAN trong vấn đề kết nối. Ủy ban ASEAN về kết nối (ACCC) đã sang châu Âu để thảo luận với đối tác. Trên cơ sở đề xuất của ASEAN, phía EU cũng đã lập ra đội đặc trách về kết nối với ASEAN (EU Taskforce). Tháng 9 tới, hai nhóm này sẽ gặp nhau đàm phán để xem EU có thể giúp ASEAN như thế nào trên những dự án cụ thể.

Xuất phát từ cơ sở cuộc Hội thảo cấp cao ASEAN - EU về vấn đề hợp tác biển tháng 11/2013 do EU tổ chức, Việt Nam đã đề xuất ASEAN và EU nghiên cứu đưa ra một số chương trình, dự án cụ thể để tăng cường hợp tác trong vấn đề an ninh biển. Đề nghị này được EU nhất trí tán thành.

Ngay tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - EU vừa qua, phía EU đã chính thức thông báo sẽ tích cực hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng với việc tăng hơn gấp đôi viện trợ phát triển cho Việt Nam. Trên cơ sở hỗ trợ cụ thể ASEAN xây dựng cộng đồng và tăng cường đảm bảo an ninh hàng hải, EU đã tăng hơn gấp đôi viện trợ phát triển cho ASEAN, từ 70 triệu Euro từ 2007 - 2013 lên 170 triệu Euro giai đoạn 2014 - 2020.

Về vấn đề Biển Đông, phía EU ủng hộ mạnh mẽ hơn với ASEAN. Cụ thể, Bà Cao ủy đối ngoại EU Catherine Ashton trong phát biểu nhấn mạnh coi trọng đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, phản đối các hành động đơn phương, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)… Nhiều ngoại trưởng các nước EU khác cũng phát biểu tương tự.

Sớm đàm phán FTA

Về vấn đề kinh tế, EU là một thị trường quan trọng của ASEAN. Rất nhiều hàng hóa của ASEAN được xuất sang EU nên ASEAN rất muốn xây dựng một thị trường chung giữa ASEAN và EU. Thực tế, trước đây ASEAN và EU đã qua một quá trình đàm phán nhưng vì có những khác biệt trong cách tiếp cận nên EU dừng không đàm phán giữa khu vực và khu vực nữa. Thay vào đó, EU tiến hành đàm phán song phương, trong đó có Việt Nam, Singapore và Malaysia. Tuy nhiên, các nước ASEAN vẫn thể hiện mong muốn tiến hành đàm phán giữa hai khu vực với nhau nên Việt Nam, với vai trò điều phối, đã thúc đẩy quá trình này. EU đồng ý sẽ sớm khởi động lại xây dựng Hiệp định mậu dịch tự do (FTA) giữa ASEAN và EU vào thời điểm 2015 khi Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời.

Việc tổ chức được Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - EU trong tháng 7 vừa qua cũng cho thấy nỗ lực điều phối và uy tín của Việt Nam. Như đã đề cập ở trên, EU có 28 thành viên và ASEAN có 10 thành viên nên việc sắp xếp lịch họp của các Bộ trưởng cũng không dễ dàng. Đã có những đề xuất lùi lịch họp đến sau tháng 9 khi EU lập được bộ máy chính quyền mới và cũng vì lý do tháng 7 đang là tháng Ramadan của người Hồi giáo. Tuy nhiên, xác định sau thời điểm tháng 9, EU phải tập trung khởi động bộ máy mới nên đối thoại với ASEAN có thể chưa được xếp vào việc được ưu tiên. Bởi thế, Việt Nam phải sử dụng "quyết định chính trị" để có cuộc họp ngày 23/7 vừa qua. Điều bất ngờ là số lượng các ngoại trưởng tham gia hết sức đông đảo, nhiều hơn hẳn so với các cuộc trước của cả hai phía.

Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược

Mặc dù có những khác biệt giữa hai khối với gần 40 quốc gia nhưng điều quan trọng là hai bên đều hướng tới mối quan hệ cao hơn. Trong các cuộc trao đổi, Việt Nam đã làm cầu nối giữa ASEAN và EU để đạt được đồng thuận, tăng cường hợp tác với nhau để hướng tới quan hệ đối tác chiến lược trong thời gian tới. Các Bộ trưởng ASEAN và EU đã nhất trí giao cho các Trưởng quan chức cấp cao các nước (SOM) sớm có trao đổi về lộ trình để thực hiện mục tiêu này.

Có thể nói, với sự thúc đẩy tích cực của phía Việt Nam, hai bên đã đạt được những kết quả hết sức cụ thể, tạo đà để EU tăng cường hơn nữa hợp tác khu vực, tạo được nền móng thực sự để nâng cấp quan hệ ASEAN - EU lên mức cao hơn.

Trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ trong ASEAN và với EU để triển khai những kết quả đạt được trong hội nghị vừa qua, tập trung vào những lĩnh vực đưa lại lợi ích trực tiếp cho ASEAN".

HỒ VÂN (ghi)