📞

Việt Nam-Panama: Hợp tác nhiều mặt thực chất, hiệu quả

Hà Phương 14:00 | 07/04/2022
Chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Érika Mouynes từ ngày 5-6/4 đã tiếp đà quan hệ Việt Nam-Panama phát triển đúng hướng, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi hậu đại dịch Covid-19.

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Panama Érika Mouynes đã có chuyến thăm chính thức thành công đến Việt Nam từ ngày 5-6/4.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Érika Mouynes đã đặt vòng hoa viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và họp làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Panama Érika Mouynes. (Nguồn: TTXVN)

Khai phá tiềm năng kinh tế

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của bà Érika Mouynes trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Panama trong bối cảnh cả hai nước đang nỗ lực không ngừng để phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Vì vậy, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với đất nước có vị trí trung tâm châu Mỹ là trọng tâm trao đổi quan trọng giữa các lãnh đạo.

Trong buổi tiếp Bộ trưởng Érika Mouynes, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh mong muốn đưa quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư Việt Nam-Panama phát triển hơn nữa, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của hai bên.

Cụ thể, Thủ tướng đề nghị hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để Panama trở thành cầu nối, góp phần đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ Latinh và ngược lại, Việt Nam là cửa ngõ để hàng hóa Panama vào thị trường Đông Nam Á.

Theo đó, hai bên tập trung hợp tác về vận tải, hậu cần, phát huy vai trò của kênh đào, cảng biển của Panama cũng như vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu - một trong 20 nước có kim ngạch thương mại lớn nhất trên thế giới.

Tuy là đất nước cách Việt Nam “nửa vòng trái đất rẽ tầng mây” nhưng khoảng cách về địa lý không còn quan trọng bởi tiềm năng hợp tác kinh tế song phương còn nhiều. Trong hội đàm giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao, các lĩnh vực hợp tác mới đầy hứa hẹn đã được đề cập như vận tải biển, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo…

Panama, một trong số ít nước trên thế giới có lượng phát thải carbon âm đã và đang hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về ứng dụng công nghệ xanh, nâng cao năng lực quản trị quốc gia về phát triển bền vững. Vừa qua, Việt Nam cũng đưa ra cam kết mạnh mẽ trong ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Hai bên hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào những bước phát triển hơn nữa trong hợp tác kinh tế. Panama luôn nằm trong nhóm 10 quốc gia Việt Nam có trao đổi thương mại lớn nhất tại Mỹ Latinh. Trao đổi thương mại hai bên duy trì xu hướng tăng, từ trên 250 triệu USD năm 2014 lên trên 467 triệu USD năm 2021.

Đặc biệt, kim ngạch thương mại 2021 tăng 45,5% so với năm 2020, là kết quả hết sức khả quan nhờ tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt. Tính đến tháng 3/2022, Panama có 16 dự án FDI tại Việt Nam với số vốn 56,4 triệu USD (đứng thứ 56 trên tổng số 139 nước/lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam).

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón Bộ trưởng Ngoại giao Panama Érika Mouynes.(Ảnh: Tuấn Anh)

Coi trọng và ủng hộ lẫn nhau

Chính phủ Panama luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thông điệp này được Bộ trưởng Érika Mouynes nhấn mạnh xuyên suốt chuyến thăm.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống hợp tác nhiều mặt theo hướng thực chất, hiệu quả giữa hai nước.

Các cơ chế hợp tác hiện có đã góp phần củng cố quan hệ song phương như cơ chế Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao và Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại-đầu tư Việt Nam-Panama. Bất chấp đại dịch Covid-19, hai bên duy trì trao đổi trực tiếp và trực tuyến để nhịp hợp tác không bị gián đoạn.

Bộ trưởng Érika Mouynes chúc mừng về những thành tựu Đổi mới to lớn trên mọi mặt của Việt Nam, cũng như những thành tựu quan trọng Việt Nam đã đạt được trong nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19. Bà tin tưởng vào thành công của chương trình hồi phục kinh tế xã hội sau đại dịch Covid-19 và phát triển bền vững của Việt Nam. Đây có lẽ là động lực để Bộ trưởng Érika Mouynes cam kết hiện thực hóa những mục tiêu hợp tác song phương trong thời gian tới.

Song song với hợp tác song phương, hợp tác Việt Nam - Panama tại các diễn đàn quốc tế, đa phương cũng được nhấn mạnh. Hai bên đều chia sẻ và nhất trí quan điểm xử lý các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Panama Érika Mouynes.(Ảnh: Tuấn Anh)

Panama là một trong những nước Mỹ Latin sớm ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Hai bên ủng hộ lẫn nhau vào Hội đồng nhân quyền; Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc ECOSOC; Hội đồng Điều hành Liên minh Bưu chính Viễn thông UPU. Panama đã ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm 2020-2021 và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025...

Có thể thấy, chuyến thăm của Bộ trưởng Érika Mouynes đã "thổi luồng gió mới' tới quan hệ Việt Nam-Panama, đưa quan hệ song phương đi đúng hướng, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở hai khu vực trên thế giới.

Hướng đến tăng cường xuất khẩu vào Panama

Nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Panama Érika Mouynes, Đại sứ Panama tại Việt Nam Eligio Alberto Salas De Leon đã chia sẻ nhanh về tiềm năng hợp tác kinh tế song phương.

Với lợi thế là trung tâm trung chuyển lớn nhất khu vực Trung Mỹ với Khu ngoại quan Tự do Colon, Panama có thể đóng vai trò là cửa ngõ giúp Việt Nam thúc đẩy mậu dịch vào Mỹ Latin. Theo Đại sứ, Việt Nam nên tận dụng cơ hội này như thế nào?

Có nhiều cách để Việt Nam có thể hưởng lợi từ các nền tảng mà Panama cung cấp.

Các công ty Việt Nam có thể được thành lập tại Panama và tận dụng vị trí địa lý đặc biệt của chúng tôi ở trung tâm châu Mỹ để tăngxuất khẩu.

Đồng thời, các nhà đầu tư Việt Nam cũng có thể hướng đến thị trường Panama.

Trung tâm hàng hải của Panama, bao gồm kênh đào và một số cảng container cũng như tuyến đường sắt thông suốt Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, tạo điều kiện để nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng, giúp Việt Nam thực hiện chiến lược đưa các sản phẩm vào khu vực.

Hợp tác kinh tế là một trọng tâm trong chuyến thăm. Đại sứ có thể nêu những lĩnh vực tiềm năng mà doanh nghiệp hai bên có thể hợp tác trong thời gian tới?

Trao đổi thương mại song phương giữa hai nước có dư địa để phát triển hơn nữa. Cụ thể, chúng ta có thể mở rộng hoạt động thương mại xi măng và thép từ Việt Nam sang Panama.

Panama có thể hưởng lợi từ việc Việt Nam mở cửa cho Panama xuất khẩu gỗ quý, thịt bò và thịt lợn cũng như các dịch vụ tài chính.

Bên cạnh đó, hai nước có thể giúp nhau thúc đẩy ngành du lịch trong bối cảnh chúng ta đã ký một hiệp định miễn thị thực.

Lời khuyên của Đại sứ đối với doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Panama?

Đại sứ quán Panama tại Việt Nam gần đây đã cùng với Vietrade tổ chức hội thảo về cách thức kinh doanh ở Panama với sự tham gia của người đứng đầu ProPanama, cơ quan đầu tư và Phòng Thương mại Panama.

Chúng tôi có thể cung cấp các thông tin liên quan theo yêu cầu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam liên lạc với các cơ quan chức năng của Panama.

Thu Hiền