Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 22 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) tháng 11/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Philippines Benigno Aq |
Coi trọng hợp tác biển
Việt Nam và Philippines là hai nước có quan hệ láng giềng hữu nghị. Hai nước cùng là thành viên của ASEAN và cùng có lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác vì phát triển ở Biển Đông. Việt Nam đặc biệt coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Philippines trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt hợp tác biển và đại dương và hợp tác kinh tế, nông ngư nghiệp được đánh giá là những trụ cột hợp tác chiến lược.
Ở cấp độ song phương, hai bên đã duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, tổ chức làm việc ở các cấp và triển khai các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ Chương trình Hành động Việt Nam – Philippines giai đoạn 2011 – 2016. Trong kỳ họp lần thứ 8 cấp Bộ trưởng Ngoại giao của Ủy ban Hợp tác song phương Việt Nam-Philippines tháng 10 vừa qua, hai bên đã đạt được những nhận thức chung quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, biển và đại dương, ngư nghiệp, an ninh-quốc phòng, giao lưu nhân dân. Hai bên đã trao đổi sâu rộng và thống nhất nhiều biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ hữu nghị Việt Nam – Philippines lên tầm cao mới, phát triển mạnh mẽ về chất và kịp thời nắm bắt những cơ hội hợp tác mới. Năm 2016 là năm đánh dấu kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Philippines. Hai bên sẽ tổ chức trọng thể các hoạt động kỷ niệm mang ý nghĩa cả về chính trị và văn hóa. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines dự kiến sẽ thăm Việt Nam trong năm 2016.
Ở cấp độ đa phương, hai bên đã phối hợp chặt chẽ và cùng với các thành viên khác nhằm xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề an ninh khu vực, thể hiện trách nhiệm và đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và sự phát triển của khu vực.
Nông nghiệp là thế mạnh
Lĩnh vực nông nghiệp đang là thế mạnh trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Philippines, tiếp đó là máy móc, thiết bị, phụ tùng, điện thoại và linh kiện máy tính. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, một số doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước nắm bắt được nhu cầu và tiềm năng của thị trường Philippines, đồng thời mở văn phòng đại diện, tìm kiếm đối tác triển khai dự án tại Philippines như Kangaroo, FPT.
Ở chiều ngược lại, một số tập đoàn Philippines cũng mở rộng đầu tư tại Việt Nam như tập đoàn Ayala mở văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh và mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác như cơ sở hạ tầng, bất động sản, nâng mức đầu tư vào Việt Nam lên 300 triệu USD; công ty United Pharma đã và đang xây dựng thêm nhà máy dược tại Bình Dương; công ty Oishi xây dựng thêm nhà máy ở Quảng Ngãi…
Bên cạnh đó, mặt hàng gạo hiện vẫn đang chiếm vị trí số một về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Philippines (chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2014). Do Philippines hiện chưa có khả năng tự túc hoàn toàn về sản lượng gạo sản xuất trong nước, mỗi năm bình quân nước này chỉ sản xuất được từ 12-13 triệu tấn gạo do diện tích trồng lúa không nhiều (khoảng 72.500 ha), đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế và do các nguyên nhân khách quan về thời tiết, thiên tai. Chính vì vậy, trong nhiều năm tới, Philippines chắc chắn phải tiếp tục nhập khẩu gạo từ nước ngoài (trong đó chủ yếu là từ Việt Nam và Thái Lan).
Thị phần gạo của ta tại thị trường Philippines vào khoảng 77%. Philippines hiện nay đánh thuế đối với gạo nhập khẩu từ Việt Nam là 35%. Đây là mức thuế cao đối với mặt hàng này so với các thị trường khác trên thế giới. Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cuối năm 2015 được kỳ vọng sẽ làm giảm mức thuế đối với gạo của ta vào Philippines. Điều này sẽ đem lại lợi nhuận lớn hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu gạo vào Philippines.
Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm với thách thức. Để giữ được thị phần gạo tại Philippines, Việt Nam sẽ phải nâng cao chất lượng cũng như duy trì giá cả ở mức hợp lý thì mới có thể cạnh tranh được với các nước xuất khẩu gạo khác trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan.
Học tập kinh nghiệm tổ chức APEC
Tuần lễ cấp cao APEC sắp tới được tổ chức tại Philippines là hoạt động cuối cùng trong khuôn khổ Diễn đàn APEC 2015. Việc tổ chức thành công Diễn đàn APEC là một trong những trọng tâm đối ngoại của nước chủ nhà Philippines trong năm 2015.
Để chuẩn bị cho APEC 2015, Philippines đã có nhiều quyết sách lớn nhằm đầu tư cho sự kiện này. Chính phủ nước này đã chi hơn 10 tỷ peso (khoảng hơn 5.000 tỷ đồng) cho hơn 50 sự kiện diễn ra trong suốt năm APEC 2015 tại nhiều thành phố như Manila, Cebu, Bohol, Boracay…, đón tiếp hàng chục nghìn lượt đại biểu, quan chức cao cấp của 21 nền kinh tế tới tham dự.
Trước lo ngại về vấn đề cơ sở hạ tầng đường xá xuống cấp, giao thông ách tắc, Chính phủ Philippines đã quyết định hủy hàng trăm chuyến bay thương mại và phong tỏa nhiều tuyến đường xung quanh các địa điểm hội nghị, các trường học, cơ quan nhà nước được nghỉ trong thời gian diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC.
Thách thức duy nhất có thể phát sinh hiện nay là lo ngại về các hoạt động biểu tình chống APEC của các nhóm hoạt động địa phương. Tuy nhiên, các biện pháp an ninh đã được chuẩn bị để ứng phó với các tình huống này. Điều này thể hiện nỗ lực và quyết tâm rất lớn của Philippines nhằm đảm bảo cho sự thành công cho sự kiện quan trọng của khu vực.
Để chuẩn bị cho việc đăng cai APEC 2017, Việt Nam đã cử các đoàn sang khảo sát và học tập kinh nghiệm tổ chức APEC của Philippines, tham quan các địa điểm, cơ sở vật chất và tổ chức các buổi làm việc trao đổi giữa hai bên. Việt Nam đánh giá rất cao sự chuẩn bị chu đáo của Philippines cho APEC 2015.
Trên cơ sở quan hệ song phương tốt đẹp giữa hai nước, Ban tổ chức APEC và Bộ Ngoại giao Philippines đã tích cực chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, cam kết hỗ trợ và ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho Năm APEC 2017. Phía bạn cũng cam kết sẽ tham dự và phát biểu đóng góp ý kiến tại “Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm các chủ nhà APEC” do Việt Nam dự kiến tổ chức vào tháng 12 tới.
Việc Việt Nam đăng cai APEC 2017 thể hiện bước tiến mới về hội nhập quốc tế tích cực, chủ động và nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh của quốc gia. Với sự thành công của APEC 2006, cùng những kinh nghiệm học tập và tích lũy từ các nước chủ nhà APEC như Philippines, Trung Quốc, tôi tin rằng Việt Nam sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo và chuyên nghiệp nhằm đảm bảo cho sự thành công của Diễn đàn APEC 2017.
Quan hệ Việt Nam – Philippines thời gian qua tiếp tục tăng cường và phát triển. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, gần đây nhất là các chuyến thăm Philippines của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 10/2011), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 5/2014) và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Benigno Aquino III (tháng 10/2010). Kim ngạch thương mại hai bên năm 2014 đạt hơn 2,9 tỷ USD. Từ năm 2008, mỗi năm Việt Nam xuất siêu hơn 1 tỷ USD sang Philippines, lớn nhất trong khối ASEAN.
Trương Triều Dương
Đại sứ Việt Nam tại Philippines