Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Thụy Sỹ 2024. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Ngày 4/6, tại trường Đại học Zurich, đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Thụy Sỹ 2024. Sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ và tổ chức Diễn đàn kinh tế Thụy Sỹ - Việt Nam (SVEF) phối hợp tổ chức, với sự hợp tác của Bộ Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, Bộ Ngoại giao và một số bộ ngành Việt Nam, UBND một số tỉnh thành phố Việt Nam, cùng các quỹ đầu tư như Aquis, Bellecapital, Bamboo Group và các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Sỹ.
Khoảng hơn 200 đại biểu đã tham dự Diễn đàn dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã tham dự và phát biểu khai mạc trực tuyến tại Diễn đàn.
Đại diện các Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, đoàn lãnh đạo thành phố Cần Thơ, Cao Bằng, Vĩnh Long cùng nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thụy Sỹ đã tham gia trực tuyến và trực tiếp.
Phát biểu giới thiệu Diễn đàn, Đại sứ Phùng Thế Long nhấn mạnh, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Thụy Sỹ 2024 là dịp để các cơ quan bộ ngành trung ương và địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp hai nước chia sẻ thông tin và trao đổi chính sách, tìm kiếm cơ hội hợp tác về thương mại, đầu tư, tài chính, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và đào tạo nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Thụy Sỹ trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn, thể hiện nỗ lực của Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ và các Bộ, ngành, địa phương Việt Nam và Thụy Sỹ, Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Thụy Sỹ.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh, sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ song phương Việt Nam – Thụy Sỹ đã phát triển hết sức tốt đẹp với quan hệ kinh tế - thương mại là một trụ cột quan trọng. Nhiều doanh nghiệp lớn của Thụy Sỹ như Nestle, Novartis, Roche, ABB… đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư lâu dài.
Trên cơ sở hợp tác song phương, tiềm năng của hai nền kinh tế, các địa phương và doanh nghiệp hai nước có cơ hội đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực tài chính, năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bảo hiểm, nông nghiệp. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Thụy Sỹ hợp tác và làm ăn tại Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sỹ) |
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề chính sách hỗ trợ hợp tác thương mại, đầu tư và phát triển. Vai trò và tiềm năng hợp tác Việt Nam – Thụy Sỹ trong các lĩnh vực trọng tâm. Cơ hội và tiềm hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tài chính và vấn đề đầu tư khởi nghiệp.
Trong phiên đầu tiên, do Tiến sĩ Philipp Rösler, nguyên Giám đốc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Lãnh sự danh dự, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thụy Sỹ - Việt Nam chủ trì, các đại biểu đã thảo luận về chính sách nhằm hỗ trợ và thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Sỹ.
Các đại biểu đồng thời chia sẻ về tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu hợp tác, chính sách thu hút đầu tư của các tỉnh, thành phố Việt Nam, những tiềm năng lợi ích từ việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EFTA đối với doanh nghiệp hai nước, chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết về thị trường, các chuẩn mực kinh doanh...
Chủ trì phiên thảo luận thứ hai, ông Ivo Sieber, Nguyên Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thụy Sỹ - Việt Nam đưa ra trao đổi và chia sẻ về chính sách, nhu cầu hợp tác trong các lĩnh vực trọng tâm đầu tư, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo phục vụ phát triển bền vững, tư vấn quy định luật pháp trong hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước.
Ông Sơn Nguyễn, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư AQUIS Capital điều hành phiên thảo luận thứ ba. Ông đã cùng các đại biểu tập trung trao đổi về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực tài chính, công nghệ tài chính, xu hướng kinh tế ảnh hưởng đến việc hợp tác về tài chính và một số chính sách của Chính phủ nhằm cải thiện khuôn khổ pháp lý, cũng như môi trường đầu tư tài chính tại Việt Nam.
Trong phiên cuối cùng, các doanh nghiệp, các công ty khởi nghiệp giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh đổi mới, những đóng góp cho nền kinh tế, tiềm năng tăng trưởng và khả năng mở rộng thị trường. Nội dung trao đổi nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, các cơ hội kết nối, đổi mới và đa dạng hóa kinh tế, thu hút các nhà đầu tư và đối tác tiềm năng, đồng thời thảo luận về thách thức, cũng như thành công trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề chính sách hỗ trợ hợp tác thương mại, đầu tư và phát triển, tiềm năng hợp tác doanh nghiệp hai nước. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sỹ) |
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến khó lường, các dự báo tiếp tục phản ánh về đà tăng trưởng chậm, kinh tế Việt Nam đối mặt với thách thức và khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế bằng các chính sách phù hợp, hành động mạnh mẽ, quyết liệt.
Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và cam kết “3 cùng” và “3 đảm bảo” của Chính phủ Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp tích cực vào các phiên trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại, đầu tư với các đối tác Thụy Sỹ một cách hiệu quả, thiết thực.
Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Sỹ đã và đang phát triển tích cực trong thời gian qua. Một số lĩnh vực tại Việt Nam được các quỹ đầu tư Thụy Sỹ đánh giá có tiềm năng rất lớn, nhất là xuất khẩu, du lịch và dịch vụ công nghệ thông tin.
Việt Nam coi Thụy Sỹ là một trong những đối tác quan trọng tại châu Âu và ngược lại, Thụy Sỹ cũng đánh giá Việt Nam là một nền kinh tế năng động nhất tại khu vực Đông Nam Á, là đối tác chiến lược hợp tác trong kinh tế khu vực.
Nhờ vị trí chiến lược, xã hội ổn định, lực lượng lao động giá rẻ nhưng có tay nghề cao, hội nhập toàn cầu mạnh mẽ, Việt Nam đã và tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Thụy Sỹ.
| Dư địa hợp tác kinh tế Việt Nam-Thụy Sỹ đặc biệt lớn Ngày 8/9, Tọa đàm hợp tác Việt Nam-Thụy Sỹ về thương mại, đầu tư và công nghệ (Ngày Việt Nam 2023) đã diễn ra tại ... |
| Việt Nam-Thụy Sỹ: Gia tăng tin cậy chính trị, mở rộng quan hệ hợp tác Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam nói chung, ... |
| Chuyên gia Thụy Sỹ: Thủ tướng dự WEF là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Thụy Sỹ và Tổng thư ký UNCTAD Sáng 17/1 (giờ địa phương), tại Davos, Thụy Sỹ, nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế ... |
| Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp lãnh đạo Thụy Sỹ, Latvia và tiếp Thị trưởng New York Nhân dịp tham dự Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban địa vị phụ nữ (CSW) của Hội đồng kinh tế - xã hội Liên ... |