Ngày 5/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, Trưởng Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, chủ trì Hội thảo chuyên đề nhằm phân tích vai trò quan trọng và mối tương quan mật thiết giữa IPv6 với ngành công nghiệp Internet kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT).
Việt Nam đã sẵn sàng triển khai thế hệ địa chỉ internet phiên bản mới. (Nguồn: TTXVN) |
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất thiết bị công nghệ kết nối, cung cấp dịch vụ Internet, nhà cung cấp dịch vụ di động... trao đổi, cập nhật thông tin về xu hướng công nghệ này.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định Internet kết nối vạn vật không còn là khái niệm mới trong thế giới công nghệ hiện đại. Những lợi ích mà Internet kết nối vạn vật mang lại cho sự phát triển kinh tế phục vụ cuộc sống và sẽ trở thành xu hướng của công nghệ trong những năm tiếp theo.
Với không gian địa chỉ rộng lớn mà IPv6 có thể cung cấp, mỗi công dân trên Trái Đất có thể nhận được tới 4.000 địa chỉ. Bên cạnh đó, khả năng kết nối các thiết bị và hỗ trợ bảo mật tốt hơn đem lại lợi thế tất yếu cho IPv6 trong quá trình sử dụng và phát triển Internet kết nối vạn vật.
Thống kê mới nhất "World IPv6 Launch" cho thấy, hiện nay có khoảng 240 nhà mạng trên thế giới tham gia thử nghiệm và triển khai chuyển đổi sang IPv6. Châu Mỹ và châu Âu là hai châu lục có lưu lượng IPv6 cao.
Theo Trung tâm thông tin mạng châu Á-Thái Bình Dương (APNIC), chỉ số IPv6 của Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt kể từ sau ngày IPv6 Việt Nam năm 2016. Tính đến tháng 3/2017, tỷ lệ truy cập qua IPv6 của internet Việt Nam đạt khoảng 6%, thời điểm cao nhất lên tới 25% với hơn 2,5 triệu người dùng.
Hiện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á (sau Malaysia), thứ 5 khu vực châu Á (sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Saudi Arabia) Mức độ sẵn sàng IPv6 của Việt Nam đang được đánh giá ở mức cao trong khu vực và đang tiếp tục phát triển tốt.
Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định thời điểm này là cơ hội của Việt Nam để bắt kịp xu thế công nghệ nhưng cũng đặt ngành công nghệ trước nhiều thách thức. Thứ trưởng kỳ vọng khi các chính sách và văn bản quy phạm được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp xây dựng thị trường thực tế cho các sản phẩm, dịch vụ Internet kết nối vạn vật trên nền tảng IPv6...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẽ thông tin mới nhất về IPv6, các chính sách thúc đẩy phát triển IPv6 trong xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 và xây dựng chính phủ điện tử; trình diễn kỹ thuật triển khai IPv6 trong mạng không dây công suất thấp. Đại diện các doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam cũng đóng góp ý kiến về tầm quan trọng của IPv6 để đảm bảo an toàn cho các giải pháp công nghệ Internet kết nối vạn vật.
Số liệu thống kê từ Google cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng IPv6 năm sau tăng gấp đôi so với năm trước (từ 0,5% tại thời điểm 1/2012 đến 16% tại thời điểm 1/2017), hiện tại tỷ lệ sử dụng IPv6 trên thế giới là 20%. Dự báo, đến năm 2019, tỷ lệ sử dụng địa chỉ IPv6 trên thế giới sẽ đạt 100%.
Các chuyên gia dự báo, đến năm 2020 dân số thế giới sẽ đạt 7,6 tỷ người, khi đó thế giới sẽ có khoảng 50 tỷ thiết bị kết nối (tỷ lệ xấp xỉ 6,8 thiết bị kết nối/ người dân). Để kết nối các thiết bị với nhau thì cần có số lượng địa chỉ IP rất lớn. IPv6 với không gian địa chỉ rộng lớn, an toàn bảo mật, tự động cấu hình... là nền tảng quan trọng trong phát triển công nghệ Internet kết nối vạn vật, xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh và cách mạng công nghiệp 4.0 .
Địa chỉ IPv6 (Internet Protocol version 6) là thế hệ địa chỉ Internet phiên bản mới thay thế cho phiên bản địa chỉ IPv4 trong hoạt động Internet. Do sự phát triển nhanh, mạnh của mạng và dịch vụ Internet, nguồn địa chỉ IPv4 dần cạn kiệt và bộc lộ hạn chế trong phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại trên Internet. Phiên bản mới IPv6 sẽ thay thế cho phiên bản IPv4 nhằn cơ bản thay thế cho nguồn IPv4 cạn kiệt trong hoạt động Internet và khắc phục các nhược điểm thiết kết của địa chỉ IPv4.