Trong khóa họp lần thứ 5 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Cộng hòa Séc diễn ra vào ngày 12/7 tại Praha, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Phân ban Việt Nam Hồ Thị Kim Thoa và Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Phân ban Cộng hòa Séc Jiri Koliba đã ký biên bản về thỏa thuận hợp tác song phương trong giai đoạn 2016-2020.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Phân ban Việt Nam Hồ Thị Kim Thoa và Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Phân ban Cộng hòa Séc Jiri Koliba ký biên bản về thỏa thuận hợp tác song phương trong giai đoạn 2016-2020. (Ảnh: TTXVN). |
Tham dự khóa họp cùng với Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa về phía Việt Nam có Đại sứ Trương Mạnh Sơn, các đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao và một số doanh nghiệp. Tham dự khóa họp cùng với Thứ trưởng Jiri Koliba về phía Cộng hòa Séc có đại diện một số bộ, ngành và doanh nghiệp.
Tại khóa họp và tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Cộng hòa Séc được tổ chức đồng thời, hai bên đã nhất trí cho rằng quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống đang ngày càng được củng cố và phát triển, đặc biệt, quan hệ chính trị tốt đẹp với việc trao đổi nhiều đoàn cấp cao trong thời gian vừa qua đã tạo đà phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Phía Việt Nam ghi nhận sự ưu tiên giành cho Việt Nam trong chính sách hợp tác phát triển của Cộng hòa Séc trong thời gian qua và cho giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, nền kinh tế của Việt Nam và Cộng hòa Séc đang phát triển với nhịp độ cao và cùng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Điều đó đã tạo cơ hội thuận lợi cho phát triển hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Tuy vậy, kết quả hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của mỗi nước. Hiện tại có 30 doanh nghiệp của Cộng hòa Séc đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn hơn 170 triệu USD, xếp thứ 40 trong hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Năm 2015 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 327,76 tỷ USD và Cộng hòa Séc - trên 360 tỷ USD, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc mới đạt trên 800 triệu USD, một con số rất khiêm nhường.
Hai bên đã nhìn nhận một cách thực tế về tiềm năng của mỗi nước, để trên cơ sở đó định hướng những vấn đề hợp tác mang tính khả thi. Hai bên đã đạt được thỏa thuận trong việc tăng cường hợp tác cụ thể hơn trong các lĩnh vực như công nghiệp - khai khoáng và năng lượng, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, lao động, bảo vệ môi trường…
Tới đây, các bên liên quan sẽ triển khai cụ thể hơn các cam kết đã đạt được để nhằm tăng cường trao đổi thương mại, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đầu tư và các lĩnh vực hợp tác khác mà hai bên quan tâm.
Trong khóa họp của Ủy ban liên Chính phủ và tại Diễn đàn doanh nghiệp hai bên không né tránh những vấn đề gai góc, thẳng thắn trao đổi về các rào cản đối với sự hợp tác kinh tế-thương mại song phương, trong đó có hợp tác lao động, thủ tục cấp thị thực cho khách du lịch và người lao động Việt Nam sang Cộng hòa Séc...
Hai bên thừa nhận rằng có những trở ngại nằm ngoài quyền hạn xử lý của Bộ Công Thương hai nước và cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành có liên quan.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết: "Chúng tôi đánh giá khóa họp của Ủy ban liên Chính phủ lần thứ 5 giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc rất thành công. Thứ nhất, cuộc họp đã rà soát lại những điều khoản và những thỏa thuận của cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ lần thứ 4. Qua rà soát đánh giá đó thì đã đưa ra được những nội dung sẽ triển khai trong tương lai. Những nội dung được bàn lần này rất cụ thể chứ không chung chung."
Trong khi đó, Thứ trưởng Jiri Koliba cũng khẳng định, mặc dù có những rào cản chưa được gỡ bỏ nhưng ông tin rằng khóa họp của Ủy ban liên Chính phủ lần này sẽ tạo động lực để hai nước "khởi động lại" tiến trình hợp tác nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
Dự kiến, khóa họp lần thứ 6 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Cộng hòa Séc sẽ được tiến hành vào đầu năm 2018 tại Hà Nội./.