📞

Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg lần thứ 24

Chu Văn 19:06 | 04/06/2021
Nhận lời mời của Chính phủ Liên bang Nga, Đoàn đại biểu Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh dẫn đầu, đã tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg dưới hình thức trực tuyến.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Đoàn Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam dự trực tuyến Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg, Liên Bang Nga. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 3/6, Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg (SPIEF) lần thứ 24 được khai mạc trọng thể tại thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga và ngày 4/6 đã diễn ra phiên Toàn thể của Diễn đàn với sự tham dự và phát biểu của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, Diễn đàn là sự kiện quan trọng thu hút được sự quan tâm lớn của lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia và doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới, với sự tham dự của khoảng 15.000 đại biểu dưới cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Với chủ đề “Chúng ta lại cùng nhau - nền kinh tế trong thực tiễn mới”, Diễn đàn tập trung thảo luận một số nhóm vấn đề như thế giới hậu đại dịch, các nhiệm vụ phát triển Liên bang Nga đến 2030, các vấn đề xã hội trong phát triển trên thế giới, công nghệ số, các giải pháp và cơ hội dành cho doanh nghiệp, an toàn về thuốc y tế.

Quang cảnh Diễn đàn. (Nguồn: TTXVN)

Nhận lời mời của Chính phủ Liên bang Nga, Đoàn đại biểu Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh dẫn đầu, đã tham dự Diễn đàn dưới hình thức trực tuyến.

Tại phiên khai mạc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng Phó Thủ tướng Thứ nhất Chính phủ Liên bang Nga, Bộ trưởng Bộ Công thương kiêm quyền Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương quốc Qatar, Thủ tướng Cộng hòa Rwanda, đã có cuộc đối thoại cấp cao trao đổi về những hậu quả, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra đối với tình hình chính trị-xã hội, an ninh và kinh tế toàn cầu, về các biện pháp và nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đối phó với đại dịch Covid-19, về xu hướng và triển vọng của kinh tế thế giới hậu Covid-19 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ với Diễn đàn về một số kinh nghiệm trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam, về những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội và triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh mặc dù là nước đang phát triển, có nhiều hạn chế về nguồn lực, nhưng nhờ có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân với những phản ứng “sớm, nhanh chóng và mạnh mẽ” trước đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế và được cộng đồng thế giới đánh giá cao về hiệu quả chống dịch.

Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới, Việt Nam vẫn kiên định đường lối mở cửa, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đảm nhiệm thành công toàn diện Năm Chủ tịch ASEAN 2020, thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác đa phương, góp phần quan trọng trong ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu mà điển hình nhất là việc ký kết thành công Hiệp định RCEP, mở ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, qua đó giúp vai trò, uy tín quốc tế của ASEAN ngày càng được coi trọng, nâng cao.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã đề nghị các nước cần đoàn kết, thống nhất và nỗ lực hợp tác toàn cầu trong các lĩnh vực như phòng chống dịch Covid-19 và chia sẻ vaccine, hợp tác thương mại đa phương, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chống đói nghèo và tái đói nghèo trên thế giới.