📞

Việt Nam tham dự Đối thoại cấp cao về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Bộ Ngoại giao Czech tổ chức

Chu An 06:23 | 16/06/2022
Từ ngày 13-14/6, tại thủ đô Praha, Bộ Ngoại giao Czech phối hợp cùng Bộ Ngoại giao Pháp, Thụy Điển và Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) tổ chức Đối thoại cấp cao về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bộ Ngoại giao Czech phối hợp cùng Bộ Ngoại giao Pháp, Thụy Điển và Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu tổ chức Đối thoại cấp cao về Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Đây là sự kiện quan trọng tiếp nối thành công tại Diễn đàn Bộ trưởng về hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tổ chức tháng 2/2022 tại Paris (Pháp) và là sự kiện khởi động cho nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của CH Czech trong nửa cuối năm 2022.

Sự kiện thu hút sự tham gia của 72 đại diện đến từ Chính phủ, doanh nghiệp tiêu biểu, trường đại học danh tiếng và các viện nghiên cứu lớn trên thế giới.

Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Czech Thái Xuân Dũng, đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia sự kiện lần này.

Sự kiện diễn với 6 phiên thảo luận hình thức bàn tròn, thảo luận mở theo những chủ đề chính bao gồm: Các thách thức và cơ hội tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; Thúc đẩy hợp tác giữa các nước có chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; Cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; Tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế; Tăng cường kết nối Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bền vững; Thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Phát biểu tại Đối thoại cấp cao, Bộ trưởng Ngoại giao Czech Jan Lipavský cho biết các ưu tiên của CH Czech trong nhiệm kỳ chủ tịch EU sẽ được triển khai dựa trên Chiến lược tổng thể về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU, trong đó tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như: môi trường; nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi kỹ thuật số thương mại và dịch vụ công.

Bộ trưởng Jan Lipavský cũng đề cao tính thượng tôn pháp luật và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đảm bảo các tuyến đường thương mại và các chuỗi cung ứng không bị gián đoạn. Đồng thời, Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn tăng cường kết nối và sẽ tập trung vào việc hoàn tất chính thức thỏa thuận về vận tải hàng không chung giữa EU và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Czech Thái Xuân Dũng, đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia sự kiện

Sau hai ngày trao đổi và làm việc tích cực, Hội nghị đã kết thúc thành công tốt đẹp. Các bên thảo luận theo chiều sâu và đưa ra nhiều quan điểm về trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, nhân quyền...

Các diễn giả cũng thảo luận về những vấn đề tại các điểm nóng tại Afghanistan, Iran, CHDCND Triều Tiên, Biển Đông hoặc Myanmar…và những nguy cơ an ninh mới như xung đột tại Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, kinh tế, văn hóa, chính trị trên toàn thế giới.

Các diễn giả nhấn mạnh việc quản lý sự khác biệt và giảm thiểu các mối đe dọa và thúc đẩy việc duy trì hệ thống hiện có được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế ngày càng trở nên cấp thiết.

Các nội dung về thúc đẩy an ninh kinh tế, hợp tác kết nối bền vững giữa EU và các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng là chủ đề mà các bên quan tâm và thảo luận, đặc biệt tập trung vào quan điểm của các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với chiến lược Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway) của EU.

Theo đó, “Cửa ngõ toàn cầu” cũng như các dự án khác của EU tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có tầm quan trọng đặc biệt ở Đông Nam Á, nơi EU là đối tác lớn của khu vực, với việc tăng cường hợp tác trong các dự án về: biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác kết cấu hạ tầng bền vững; tài chính xanh; nâng cao khả năng cạnh tranh; chuyển đổi kỹ thuật số; linh hoạt trong chuỗi cung ứng và thúc đẩy giao lưu nhân dân.

Các bên cũng cho biết, để có thể phục hồi kinh tế và phát triển bền vững hậu Covid-19, còn rất nhiều các vấn đề mà các bên cần hợp tác kết nối cùng hành động.

Đại sứ Thái Xuân Dũng tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đánh giá sự phát triển của các công nghệ mới nổi gần đây đang tạo ra khá nhiều thách thức trên nhiều phương diện, tuy nhiên nếu cùng nhau chung tay giải quyết các thách thức và phát huy những thế mạnh mà các công nghệ này đem lại thì sẽ tạo ra được rất nhiều động lực tích cực cho sự phát triển chung.

Một trong số những công nghệ đó chính là sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục và thương mại trực tuyến trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát hai năm vừa qua.

Trong Hội nghị, chủ đề hợp tác phát triển bền vững và các khía cạnh môi trường là hai chủ đề được đặc biệt quan tâm trong bối cảnh các quốc gia đưa ra cam kết mạnh mẽ và có kế hoạch hành động cụ thể tại COP26 hướng đến COP27 tại Ai Cập.

Hiện nay nhiều quốc gia tại châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phải chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, do đó các hệ thống cảnh báo và giảm thiểu rủi ro thiên tai có vai trò cực kỳ quan trọng.

Các quốc gia EU bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa EU và các quốc gia Đông Nam Á trong việc sử dụng dữ liệu không gian nhằm đảm bảo an ninh con người và ngăn chặn, giảm thiểu và giải quyết những mất mát và thiệt hại khác do biến đổi khí hậu gây ra.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Tại phiên thảo luận về các biện pháp thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, các bên thống nhất sẽ cùng nhau chung tay thực hiện các giải pháp một cách nhanh chóng, hiệu quả để kịp thời xử lý khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục sản xuất và kinh doanh.

Các bên cho biết, trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ đã gặp phải không ít khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vaccine, tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, công nhân mất việc, doanh thu giảm mạnh... điển hình là các lĩnh vực sản xuất, vận tải, xây dựng, bán lẻ, du lịch.

Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn mà đổi mới sáng tạo được khuyến khích đẩy mạnh tối đa. Các bên cho biết chính phủ các nước đều tạo điều kiện để các doanh nghiệp khai thác tốt nhất những khả năng và nguồn lực sẵn có, chủ động điều chỉnh kế hoạch để vừa sản xuất, kinh doanh, vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đẩy nhanh cải tiến kỹ thuật, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, từ quản lý, điều hành đến sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, chuyển đổi số đã giúp các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng thông qua các lợi ích như: Cắt giảm chi phí, tái xác lập phân khúc thị trường và khách hàng tiềm năng, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Kết luận sau phiên họp, Thứ trưởng Ngoại giao Czech Jirik Kozark và ông Libor Secka, Đặc phái viên về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đánh giá cao sự tích cực thảo luận của các bên, cho biết các quan điểm từ các diễn giả tham gia trong Hội nghị sẽ giúp EU nói chung và CH Czech nói riêng có cái nhìn đa chiều hơn để có thể thúc đẩy hợp tác sâu rộng, hiệu quả, tăng cường lợi ích giữa các bên liên quan trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình.

Thứ trưởng Jirik Kozark nhấn mạnh, Đối thoại cấp cao là cơ chế quan trọng trong việc thúc đẩy EU tham gia một cách hiệu quả của vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đồng thời, sự kiện cũng là quá trình kế thừa và tiếp nối Hội nghị Bộ trưởng tại Pháp hồi tháng 2/2022 và là tiền đề để Thụy Điển tổ chức các khuôn khổ tương tự trong nhiệm kỳ Chủ tịch nửa đầu năm 2023.

(theo ĐSQ Việt Nam tại Czech)