Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao làm Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu tại Hội nghị lần thứ 8 Tiến trình Bali. |
Ngày 10/2, tại Adelaide, Australia, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 8 Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia có liên quan (Tiến trình Bali).
Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn tham dự.
Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 8 do Bộ trưởng Ngoại giao Australia và Indonesia đồng chủ trì, được tổ chức trong bối cảnh Tiến trình Bali kỷ niệm hơn 20 năm thành lập. Tham dự hội nghị có đại diện của 36 nước và 4 tổ chức quốc tế là thành viên của Tiến trình cùng 7 quan sát viên. Trước đó, ngày 9/2, đã diễn cuộc họp các quan chức cao cấp để chuẩn bị cho Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá cao vai trò của Tiến trình Bali trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương về các vấn đề di cư, giúp xây dựng lòng tin, hiểu biết giữa các quốc gia để tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực quản lý di cư, giải quyết các thách thức của di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Khẳng định Tiến trình Bali đã đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực kể từ Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 7 năm 2018 đến nay, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ cũng đề xuất một số ưu tiên trong thời gian tới để Tiến trình ứng phó hiệu quả, kịp thời hơn nữa với những xu hướng mới của tình hình di cư trong khu vực.
Đại diện Việt Nam nhấn mạnh, cần xây dựng tầm nhìn dài hạn cho Tiến trình Bali trên cơ sở xem xét kỹ các vấn đề đang nổi lên trong khu vực, ưu tiên của các thành viên, gắn với Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và 2 thỏa thuận toàn cầu (đặc biệt là Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc).
Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 8 đã thông qua Chiến lược hợp tác Adelaide 2023 được xây dựng trên cơ sở tiếp nối những nguyên tắc và định hướng trong các Tuyên bố chung tại các Hội nghị trước đó cũng như Chiến lược hợp tác năm 2018 nhằm củng cố Tiến trình Bali phát triển linh hoạt, phù hợp và chủ động thích ứng.
Chiến lược gồm 8 lĩnh vực hợp tác, trong đó bổ sung những ưu tiên mới để xử lý các vấn đề đang nổi lên trong khu vực như tăng cường hợp tác để phòng ngừa mua bán người trên không gian mạng; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức khu vực trong đó có ASEAN; tham vấn và hợp tác giữa các Nhóm làm việc của Tiến trình Bali; tăng cường vai trò của Văn phòng hỗ trợ khu vực.
Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 8 đã thông qua Chiến lược hợp tác Adelaide 2023 được xây dựng trên cơ sở tiếp nối những nguyên tắc và định hướng trong các Tuyên bố chung tại các Hội nghị trước đó. |
Cùng ngày, đoàn Việt Nam cũng đã tham dự Diễn đàn Chính phủ và Doanh nghiệp (GABF) lần thứ 3 của Tiến trình Bali.
Diễn đàn nhằm rà soát tiến độ và cam kết trong thực hiện các khuyến nghị được thông qua năm 2018 dành cho chính phủ và doanh nghiệp, đồng thời thảo luận những lĩnh vực hợp tác trong tương lai để ngăn ngừa và chống mua bán người, lao động cưỡng bức, nô lệ hiện đại trong chuỗi cung ứng.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn GABF, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao mức sống và thu nhập, góp phần ổn định an sinh xã hội nhằm giúp giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của tình trạng mua bán người và di cư trái phép.
Đại diện Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, kinh doanh tại các nước đang phát triển để cùng thực hiện công việc này; đề nghị các doanh nghiệp tăng cường hợp tác hơn nữa với chính phủ để tạo lập, bảo đảm kênh di cư hợp pháp, an toàn cho người lao động cũng như bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người di cư.
Trợ lý Bộ trưởng cũng giới thiệu một số kết quả Việt Nam trong triển khai các khuyến nghị của Diễn đàn như việc phê chuẩn Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức, việc thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc và cam kết sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp trong vấn đề này.
Tiến trình Bali được thành lập vào năm 2002 nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực trong phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia có liên quan, thông qua các biện pháp như: tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực trong vấn đề biên giới và hệ thống thị thực nhằm phát hiện và loại trừ di cư trái phép, tăng cường nhận thức chung để giảm thiểu việc di cư trái phép và mua bán người, cung cấp các hỗ trợ thích hợp cho các nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em… Tiến trình gồm 49 thành viên, bao gồm cả Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức di cư quốc tế (IOM), Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có 27 quan sát viên (gồm 18 nước và 9 tổ chức, trong đó có UNDP, INTERPOL, ADB, WB). Diễn đàn Chính phủ và Doanh nghiệp được thiết lập vào năm 2017 và trở thành một kênh hợp tác trong khuôn khổ Tiến trình Bali nhằm thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp trong phòng, chống mua bán người, lao động cưỡng bức và nô lệ hiện đại. |